Thi pháp học là một lĩnh vực tri thức rộng lớn, nó nghiên cứu hình thức, quy luật, vận động, tính chất của các tác phẩm với các chất liệu khác nhau. Nghiên cứu tác phẩm văn học dưới góc nhìn thi pháp học là con đường khám phá tác phẩm nghệ thuật một cách khoa học và hiện đại.
Nghiên cứu một tác phẩm nghệ thuật không đơn giản là một công việc khoa học đó còn là công việc của người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp đích thực của nghệ thuật. Đặt bộ truyện tranh Doraemon dưới góc nhìn thi pháp học sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn đa diện hơn, toàn diện hơn về bộ truyện. Thi pháp học khám phá tác phẩm văn học dưới nhiều bình diện, vì giới hạn của một đề tài khóa luận nên chúng tôi chỉ chọn những bình diện đặc sắc để tiến hành nghiên cứu: nhân vật, không - thời gian nghệ thuật, ngôn ngữ, giọng điệu, kết cấu, cốt truyện... Với việc nắm vững lí thuyết về thi pháp học, cũng như là những đặc trưng cơ bản nhất của truyện tranh, tôi đã tiến hành khảo sát khám phá bộ truyện tranh
Doraemon và nhận thấy những đặc điểm nổi bật sau :
1. Hơn một trăm nhân vật trong truyện tranh Doraemon đã làm nên một thế giới nhân vật đa dạng, phong phú, chiếm số lượng nhiều nhất vẫn là những nhân vật trẻ em. Từ việc khám phá những nhân vật ấy, những đường nét của đời sống dần dần hiện lên. Không chỉ là thế giới của trẻ em nói riêng mà đó còn là thế giới loài người nói chung ở thế kỉ XXI, thế giới loài người xa xưa và ở tương lai. Hơn hết nữa là sự xuất hiện của những nhân vật không phải là con người, họ
bước ra từ cổ tích, đến từ những hành tinh xa lạ, những miền đất còn chứa nhiều bí ẩn, những “miền sự sống” mà con người chưa phát hiện... nhưng chung quy lại tất cả đều mang dáng dấp của thế giới loài người. Về phương thức xây dựng nhân vật, để làm nổi bật nhân vật, gắn “vi mạch sống” của những nhân vật truyện tranh ấy trong sự tiếp nhận của độc giả, tác giả đã lựa chọn nhiều phương thức khác nhau trong đó ưu tiên nhất là thông qua hình vẽ ( Đặc điểm chính mà cũng là lợi thế lớn nhất của truyện tranh so với các loại hình nghệ thuật hai ) thứ hai là ngôn ngữ và hành động. Nhân vật trong truyện tranh là kiểu nhân vật nói và hành động, hành động và nói. Ngoài ra, Fujiko cũng vận dụng khá thành công thủ pháp giấc mơ, và có sự sáng tạo trong việc “cải biến” kiểu nhân vật đơn thuần của truyện tranh.
2. Về không - thời gian nghệ thuật, tác giả đã đặt nhân vật trong một không - thời gian nghệ thuật đặc sắc. Không gian được cụ thể hóa thông qua hình ảnh của tranh vẽ , có tính phác họa, ước lệ, chuyển động nối tiếp. Không gian nghệ thuật trong truyện tranh có thể xem như là sự kết hợp hài hòa giữa : nhiếp ảnh, hội họa và văn học. Không gian mở rộng biên độ đến khôn cùng. Đặc sắc là những không gian mà tác giả sáng tạo nên phù hợp với trí tưởng tượng và tâm lí ham thích phiêu lưu khám phá của trẻ em. Thời gian nghệ thuật là dạng thời gian siêu thời gian, thời gian vũ trụ là yếu tố cơ bản để tác giả xây dựng nên bộ truyện tranh Doraemon. Doraemon còn là những phép thuật về thời gian, nhờ những bảo bối mà nhân vật có thể là chi phối thời gian:
3. Về kết cấu, cốt truyện : Đối tượng tiếp nhận truyện tranh chủ yếu là thiếu nhi thế nên tác giả không hề cố ý xây dựng một kết cấu, cốt truyện phức tạp như kiểu kết cấu, cốt truyện của văn học hậu hiện đại bây giờ. Tác giả vận dụng nền của kết cấu, cốt truyện trên thống, nhưng trên cái nền truyền thống ấy tác giả luôn biết cách tạo ra những tình huống sự kiện bất ngờ, hấp dẫn, gây được hứng thú với người đọc, phù hợp với tâm lí tiếp nhận của trẻ thơ. Về hình thức, kết cấu
truyện tranh vừa tuân thủ những quy định của thể loại truyện tranh nói chung nhưng cũng có những sáng tạo riêng để tạo sự hứng thú, hấp dẫn cho độc giả, đặc biệt là độc giả nhí.
4. Về hình tượng người kể chuyện, có thể khẳng định rằng Fujiko là một tài năng nhiều mặt, một con người trong nhiều con người.
5. Về ngôn ngữ, giọng điệu chủ đạo là ngôn ngữ và giọng điệu trẻ con . Fujiko đã tạo ra Doraemon – một thế giới mà trẻ con tự do nói cười, thoải mái thể hiện mình như chính bản chất của các em. Ngôn ngữ cuả trẻ con cho nên không quá cầu kì, không quá phức tạp . Tác giả đã giữ nguyên những nét hóm hỉnh, tinh nghịch của trẻ thơ. Tuy vậy, thế giới Doraemon không chỉ có trẻ em, ở đó còn có người lớn. Tác giả luôn tạo ra nét khác biệt giữa ngôn ngữ trẻ em và người lớn.
“Lấy manga, anime làm tâm, quay một vòng, chúng ta có cả thế giới.” Chúng ta đã có được nhiều điều từ manga từ Doraemon về thế giới con người, thế giới mà tôi đang sống.
Nghiên cứu khoa học không thể một sớm một chiều, bộ truyện tranh
Doraemon đã tồn tại hơn 40 năm và chưa ai dám nói về cái chết của nó. Nghĩa là
chúng ta cũng phải cần ít nhất thậm chí là nhiều hơn thế rất nhiều thời gian để đánh giá, nghiên cứu về Doraemon. Chúng tôi hi vọng rằng trong tương lai không xa nhiều công trình nghiên cứu về Doraemon nói riêng và truyện tranh
nói chung sẽ ra đời. Hơn thế nữa chúng tôi cũng hi vọng một ngày không xa được vui mừng chào đón ngành nghiên cứu lí luận truyện tranh ra đời, để truyện tranh có một chỗ đứng thật xứng đáng trong nền văn chương Việt Nam cũng như thế giới.