Nhắc đến khái niệm nhân vật thì chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những nhân vật như : superman ( Siêu nhân ), spiderman ( Người nhện ), batman ( Người dơi ), iron man ( Người sắt )...những nhân vật này thường có sức mạnh thần kì hoặc có khả năng gì đó rất đặc biệt. Trái lại, những nhân vật giả tưởng trong truyện tranh
Doraemon thì lại rất đỗi bình thường, mang những nét gần gũi với con người.
Ngoài địa cầu xinh đẹp còn có những hành tinh khác có sự sống, họ mang những đặc điểm khác với con người : bé tí hon như Paky, có thể bay lượn trên bầu trời như điểu nhân Gusuke, hay hình nhân được làm bằng thiết biết nói như ông Bilikin – chủ khách sạn Blikin... nhưng họ lại có những nét gần gũi như con người. Gusuke cậu bé sinh ra từ vương quốc của loài chim cũng có những phút yếu lòng, mang trong mình nỗi ám ảnh của tuổi thơ nên đôi cánh chim với cậu bé trở nên vô dụng. Cậu bé Paky sợ hãi kẻ thù, trốn tránh trách nhiệm.
Xây dựng hệ thống nhân vật chủ yếu bằng trí tưởng tượng của mình, Fujiko F. Fujio không phải muốn đưa các em thoát ra ngoài cuộc sống hiện tại mà “Tựa như trăm dòng sông – dù bắt đầu từ muôn nẻo nhưng đều đổ về đại dương, dẫu ra đi từ nhiều nơi, trải qua bao thăng trầm thì chung quy cũng trở về với biển cả nhân văn” [27,86 ]. Thế giới của loài chim, hành tinh Chamacho, hành tinh Parika ... đâu đâu trên khắp vũ trụ bao la này, dù cư dân ở đó bé tí hon, dù không được cấu thành từ xương thịt hoặc là điểu nhân thì thế giới ấy cũng như thế giới loài người cũng có chiến tranh, cũng có hận thù, cũng có người tốt, kẻ xấu ...cũng có bình yên, ấm no, hạnh phúc.
Sự xuất hiện của nhân vật giả tưởng rất phù hợp với tâm lí của trẻ thơ, luôn muốn khám phá đón nhận những điều mới lạ. Nhưng dù cho nhân vật giả tưởng ấy có kì lạ như thế nào, thế giới của họ có xinh đẹp như thế nào thì tất cả đều mang dáng dấp của thế giới loài người. Đây chính là cách Fujiko F. Fujio muốn các em nhìn cuộc đời theo một góc nhìn khác, có phần mới lạ hấp dẫn nhưng cũng sâu sắc biết bao.