Các quy định về bảo vệ môi trường biển trong Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các luật khác có liên quan

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển (Trang 36 - 44)

môi trường 2005 và các luật khác có liên quan

Luật bảo vệ Môi trường 2005 xác định hoạt động bảo vệ môi trường biển gồm ba nội dung chính là: bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên biển; kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên biển. Đây cũng chính là 3 điều luật chính trong Mục 1, Chương VII, Luật Bảo vệ môi trường 2005. Ngoài ra, Luật cũng đưa ra các nguyên tắc đối với bảo vệ môi trường biển

Để điều chỉnh và đảm bảo hoạt động bảo vệ môi trường biển, ngoài các quy định chung mang tính định hướng tại Mục 1, Chương VII, Luật Bảo vệ môi trường 2005 còn có các văn bản pháp luật liên quan điều chỉnh cụ thể như Bộ luật Hàng hải 2005, Luật Thủy sản 2003, Luật Dầu khí năm 1993 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2000 và năm 2008, Nghị định số 109/2003/NĐ-CP về bảo vệ và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, Nghị định 80/2006/NĐ-CP về việc hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường…

* Trước hết, Luật bảo vệ môi trường xác định các nguyên tắc đối với bảo vệ môi trường biển tại Điều 55, cụ thể:

- Bảo vệ môi trường là một nội dung của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển nhằm giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường biển và tăng hiệu quả kinh tế biển.

- Phòng ngừa và hạn chế chất thải từ đất liền và từ các hoạt động trên biển; chủ động, phối hợp ứng phó sự cố môi trường biển.

- Bảo vệ môi trường biển phải trên cơ sở phân vùng chức năng bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

- Bảo vệ môi trường biển phải gắn với quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển phục vụ phát triển bền vững.

Đây là các nguyên tắc mang tính định hướng cho hoạt động bảo vệ môi trường biển. Có thể thấy rõ hoạt động bảo vệ môi trường biển không tách rời hoạt động phát triển kinh tế biển và hoạt động bảo vệ là nhằm tăng hiệu quả hoạt động kinh tế biển. Nguyên tắc số một này yêu cầu phải được thực hiện ngay chính trong giai đoạn quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển. Một nguyên tắc định hướng nữa là phân vùng chức năng bảo vệ và sử dụng tài nguyên biển là cơ sở cho hoạt động bảo vệ môi trường biển và hoạt động này hướng tới phát triển bền vững.

* Bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên biển

Nội dung này được quy định tại Điều 56, Luật Bảo vệ môi trường 2005 với các hoạt động cụ thể.

1. Các nguồn tài nguyên biển phải được điều tra, đánh giá về trữ lượng, khả năng tái sinh và giá trị kinh tế phục vụ việc quản lý và bảo vệ môi trường biển.

2. Hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác nguồn lợi, tài nguyên biển và hoạt động khác liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải được thực hiện theo quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên đã được phê duyệt.

3. Hoạt động trong khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng ngập mặn, di sản tự nhiên biển phải tuân theo quy chế của ban quản lý, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp, phương tiện, công cụ có tính hủy diệt trong khai thác tài nguyên và nguồn lợi biển [62].

Đối với quy định về hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác nguồn lợi, tài nguyên biển và hoạt động khác liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hiện nay nhà nước đã ban hành Chương trình Bảo vệ và Phát triển

nguồn lợi thủy sản đến năm 2010 theo Quyết định số 131/2004/QĐ-TTg ngày 16/7/2004. Mục tiêu của chương trình là bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật, đặc biệt là các loài thủy sản quý, hiếm, có giá trị khoa học và kinh tế; giữ gìn tính đa dạng, độc đáo của hệ sinh thái thủy sinh vật Việt Nam cho hiện tại và tương lai; phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ngư dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp.

Ngoài Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010 được triển khai chung trên toàn quốc, tại từng khu vực cụ thể còn xây dựng chương trình quản lý dải tổng hợp ven biển như Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định 185/2007/QĐ-TTg ngày 9/10/2007.

Đối với hoạt động trong khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng ngập mặn, di sản tự nhiên biển phải tuân theo quy chế của ban quản lý, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Những quy định pháp luật có liên quan đến khu bảo tồn biển trước hết phải kể đến quy định của Luật Thủy sản 2003 và Nghị định 27/2005/NĐ-CP ngày 08/3/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản với quy định về định nghĩa khu bảo tồn biển, Tiêu chuẩn phân loại, phân cấp tổ chức và quản lý khu bảo tồn biển. Đối với khu bảo tồn vùng nước nội

địa được Nghị định 27/2005/NĐ-CP coi là nơi được khoanh vùng thuộc các vùng đất ngập nước và chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ về bảo tồn và khai thác bền vững các vùng đất ngập nước. Nghị định 109/2003/NĐ-CP điều chỉnh các hoạt động về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam bao gồm vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học cao, có chức năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế ban hành kèm theo Nghị định 57/2008/NĐ-CP ngày 2/5/2008, quy định rõ về tiêu chuẩn phân loại, việc tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế; trách nhiệm của các Bộ, ngành và các địa phương.

Đối với việc nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp, phương tiện, công cụ có tính hủy diệt trong khai thác tài nguyên và nguồn lợi biển, điều này cũng đã được quy định tại Luật Thủy sản 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo Điều 8 Luật Thủy sản, Bộ Thủy sản (hiện nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) có trách nhiệm định kỳ công bố các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng; chủng loại, kích cỡ tối thiếu các loài thủy sản được phép khai thác, mùa vụ khai thác; khu vực cấm khai thác và khu vực cấm khai thác có thời hạn là căn cứ để xác định biện pháp, phương tiện, công cụ có tính hủy diệt trong khai thác tài nguyên và nguồn lợi biển.

* Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển

Nội dung này được quy định tại Điều 57; theo đó, để kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường biển, Luật Bảo vệ môi trường 2005 yêu cầu:

Nguồn thải từ đất liền, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, khu dân cư ven biển, trên biển, trên đảo phải được điều tra, thống kê, đánh giá và có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường biển.

Chất thải và các yếu tố gây ô nhiễm khác từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng, giao thông, vận tải, khai thác trên biển phải được kiểm soát và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường [62].

Các quy định này cũng được quy định cụ thể lồng ghép với các quy định chuyên ngành tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005. Pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải có bốn nội dung cơ bản, đó là: Thứ nhất, các qui định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển đối với tàu biển và thuyền viên. Thứ hai, qui định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong các hoạt động cảng biển.Thứ ba, qui định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong các hoạt động giao thông trên biển Thứ tư, các qui định pháp luật về phòng ngừa và khắc phục các sự cố môi trường

trong hoạt động hàng hải.

Ngoài ra, việc kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển được quy định trong Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, Nghị định 115/2007/NĐ-CP ngày 5/7/2007 về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan. Nghị định số 62/2006/ND-CP ngày 21/6/2006 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng hải, Nghị định số 39/CP ngày 10/6/1998 về xử lý tài sản chìm đắm ở biển, Thông tư 2592/Mtg ngày 12/11/1996 của Bộ khoa học, công nghệ và môi trường về kiểm soát ô nhiễm biển do tàu thuyền và phương tiện vận chuyển đường sông… "Dầu, mỡ, dung dịch khoan, hóa chất

và các chất độc hại khác được sử dụng trong các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên biển sau khi sử dụng phải được thu gom, lưu giữ trong thiết bị chuyên dụng và phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại"

Việc thực hiện quy định này cần xem xét thêm Luật Dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2000, 2008 và Nghị định 48/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 Quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan. Việc xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại phải được thực hiện theo Quy chế quản lý chất thải nguy hại ban hành kèm theo Quyết định 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/7/1999 và Thông tư 12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 Hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải trong vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

* Tổ chức phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên biển

Do mức độ nghiêm trọng của sự cố môi trường trên biển, nên ngoài Mục 1, Chương 9 điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường nói chung, Luật Bảo vệ môi trường tiếp tục dành Điều 58 để quy định về tổ chức phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên biển với các nội dung cụ thể như sau:

- Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, chủ phương tiện vận chuyển xăng, dầu, hóa chất, chất phóng xạ và các chất độc hại khác trên biển phải có kế hoạch, nhân lực, trang thiết bị bảo đảm phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

Riêng đối với hoạt động dầu khí là hoạt động diễn ra phổ biến trên biển và nguy cơ sự cố môi trường do hoạt động dầu khí gây ra rất lớn nên Nghị định 48/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 Quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí có những quy định rất cụ thể nhằm phòng ngừa sự cố do hoạt động dầu khí.

Đối với các hoạt động khác, Bộ luật Hàng hải và các nghị định hướng dẫn thi hành quy định rất cụ thể đối với các loại hình vận chuyển hóa chất,

chất phóng xạ và các chất độc hại khác trên biển phải đảm bảo an toàn, phòng ngừa sự cố xảy ra.

- Lực lượng cứu nạn, cứu hộ quốc gia, lực lượng cảnh sát biển phải được đào tạo, huấn luyện, trang bị phương tiện, thiết bị bảo đảm ứng phó sự cố môi trường trên biển.

- Chủ phương tiện vận tải, kho lưu giữ hàng hóa trên biển có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải có hình thức thông báo cho các lực lượng quy định tại khoản 2 Điều này và tổ chức, cá nhân liên quan khác được biết và có phương án phòng tránh sự cố môi trường.

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ven biển trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện, cảnh báo, thông báo kịp thời về tai biến thiên nhiên, sự cố môi trường trên biển và tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu kèm theo quyết định 103/2005/QĐ-TTg ngày 12/5/2005, quy định rõ nội dung hoạt động, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, giống như pháp luật trong các lĩnh vực khác, pháp luật bảo vệ môi trường biển còn bao gồm qui định pháp luật về trách nhiệm pháp lí đối với các hành vi vi phạm và qui định pháp luật về hệ thống các cơ quan quản lí nhà nước.

Đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển, chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự. Nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo qui định của pháp luật dân sự. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật thì tùy từng hành vi, tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi gây ra sẽ bị xử phạt hành chính theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002, trong lĩnh vực môi trường thì có Nghị định 117/2009/NĐ-CP do Chính phủ ban hành về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi

trường ngày 31/12/2009, Nghị định này quy định từng trường hợp vi phạm cụ thể và mức phạt, hình thức xử lý đối với mỗi trường hợp đó. Nếu hành vi cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Đồng thời, nếu hành vi đó gây ra thiệt hại thì ngoài bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005. Luật pháp Việt Nam không có quy định riêng về các biện pháp, hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường biển mà được quy định chung trong các văn bản pháp luật nêu trên.

Việc xây dựng hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường biển cũng có một số đặc điểm riêng. Theo đó, việc bảo vệ, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển được tổ chức từ các cơ quan có thẩm quyền chung cho đến các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn. Ở Việt Nam, hệ thống các cơ quan có thẩm quyền chung bao gồm: Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Hệ thống các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn bao gồm: Tổng cục Môi trường và Tổng cục Biển và Hải đảo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục Hàng hải Việt Nam và các Cảng vụ Hàng hải thuộc Bộ Giao thông vận tải; Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Bộ Công an; Ban Chỉ đạo Nhà nước về biển Đông và các hải đảo; Ủy ban Quốc

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển (Trang 36 - 44)