Trước thực trạng biển Việt Nam đang bị suy thoái và ô nhiễm nặng nên việc bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên biển giàu có, bảo vệ môi trường biển Việt Nam có ý nghĩa quyết định. Việt Nam đã xây dựng, phát triển hệ thống các chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường biển.
Trước tiên, vấn đề bảo vệ môi trường trong đó có môi trường biển được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992- văn bản pháp lý có giá trị hiệu lực cao nhất, đặc biệt trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì vấn đề bảo vệ môi trường càng đặc biệt được chú trọng. Từ hiến định, thì rất nhiều văn bản luật và dưới luật đã có quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ môi trường biển, có thể kể đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Bộ luật Hàng hải 2005, Luật Thủy sản 2003, Luật Dầu khí năm 1993 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2000 và năm 2008; Luật biển Việt Nam năm 2012…
Hệ thống chính sách và pháp luật đó có thể khái quát những đặc trưng lớn như sau:
- Hệ thống chính sách kết hợp bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia hướng tới phát triển bền vững, được xây dựng từ cấp trung ương tới địa phương và định hướng chiến lược lâu dài. - Luật Bảo vệ Môi trường 2005 có những quy định cơ bản quan trọng về bảo vệ môi trường biển cùng với các luật khác có liên quan cũng có những quy định về bảo vệ môi trường biển tạo ra một khung pháp lý toàn diện về bảo vệ môi trường biển.
- Các quy định chính sách và pháp luật trên góp phần nội luật hóa và thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường biển mà Việt Nam đã tham gia.
Các đặc trưng trên sẽ được phân tích, đánh giá lần lượt dưới đây. Tuy nhiên, trong đó, Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành có ý nghĩa trực tiếp và quan trọng nhất đến bảo vệ môi trường biển Việt Nam. Chính vì vậy, tác giả sẽ tập trung đi sâu vào các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005, các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thi hành về vấn đề bảo vệ môi trường biển.