Luật pháp về các vùng biển Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển (Trang 31 - 33)

Việc xác định đúng đâu là vùng biển của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển của Việt Nam nói riêng và môi trường biển nói chung.

Với tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12/5/1997 về các vùng biển, Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thiết lập đầy đủ các vùng biển: nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo đúng các quy định của Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển. Theo tuyên bố này, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời phía trên, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải. Lãnh hải của Việt Nam rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Bên ngoài lãnh hải là vùng tiếp giáp lãnh hải và tạo với lãnh hải một vùng biển rộng 24 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Tại vùng biển này, Việt Nam có quyền kiểm soát cần thiết nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa và nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định về y tế, di cư và nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

Tuyên bố trên cũng xác định vùng đặc quyền về kinh tế của Việt nam tiếp liền với lãnh hải và tạo với lãnh hải một vùng rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Việt Nam có chủ quyền hoàn

toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tài nguyên sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền về kinh tế Việt Nam, có các quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động thăm dò, khai thác nhằm mục đích kinh tế, có thẩm quyền riêng biệt về trong việc thiết lập, lắp đặt và sử dụng các công trình, các đảo nhân tạo, có thẩm quyền riêng biệt về bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường biển.

Thềm lục địa của Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó. Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý các tài nguyên khoáng sản, tài nguyên sinh vật và không sinh vật thuộc loài định cư ở thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam cũng có quyền tài phán về bảo vệ môi trường biển như đối với vùng đặc quyền kinh tế.

Ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải để xác định các vùng biển của mình. Tuy nhiên, do biển Đông là biển nửa kín, hẹp nên không tránh khỏi có các vùng biển chồng lấn, vì thế Việt Nam đã ký kết các hiệp định phân định biển với các nước như Hiệp định phân định biển với Thái Lan ngày 9/7/1997, Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc ngày 25/12/2000. Như vậy, các vùng biển Việt Nam được quy định và xác lập một cách rõ ràng. Tại các vùng biển này, Việt Nam thực hiện các quyền chủ quyền và tài phán của mình, trong đó có cả quyền sử dụng biển, bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, nghĩa vụ bảo vệ

môi trường biển là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia, không phân biệt biên giới hay ranh giới phân định, không phân biệt quốc gia đó có biển hay không có biển.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)