Nhật Bản có tổng diện tích đất tự nhiên là 378.000 km2, với tổng chiều dài bờ biển là 35.000 km và 6.847 hòn đảo lớn, nhỏ. Nhật Bản là một quốc gia có nền kinh tế biển rất phát triển, do đó bảo vệ môi trường biển để phát triển bền vững là điều cực kỳ quan trọng. Nhật Bản đã xây dựng một khung pháp lý rất đầy đủ về môi trường và bảo vệ môi trường biển là một phần quan trọng trong đó.
Khác với Việt Nam, ngoài khung pháp lý rất đầy đủ về môi trường, Nhật Bản có hẳn một hệ thống tư pháp, thực thi luật môi trường được phân cấp rõ ràng từ trung ương tới địa phương. Theo đó, việc ban hành luật là do Nghị viện, còn Chính phủ hay Bộ Môi trường là cơ quan thi hành, chính quyền
địa phương, cảnh sát tỉnh chỉ làm nhiệm vụ điều tra các hành vi vi phạm môi trường; mọi vi phạm liên quan đến môi trường đều do Tòa án xét xử.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chú trọng khai thác nguồn tài nguyên dưới đáy biển, tích cực tham gia vào Ủy ban quyền lực đáy đại dương trên cơ sở các quy định của Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.
Năm 2007, Nhật Bản thành lập Cơ quan chính sách đại dương, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ. Các thành viên của cơ quan này là các Bộ trưởng của các Bộ có liên quan đến biển, bao gồm:
- Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo giao thông trên biển, bảo vệ và quản lý các đảo, quản lý tổng hợp vùng ven biển.
- Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ biển; giữ gìn và bảo vệ môi trường tự nhiên của biển.
- Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp có trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy sự phát triển một cách hệ thống về năng lượng và tài nguyên khoáng sản trong khu vực biển.
- Bộ Nông nghiệp, Rừng và Nghề cá có trách nhiệm chính trong việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản, nâng cao năng suất của các vùng khai thác thủy sản.
- Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo việc điều phối quốc tế và thúc đẩy hợp tác quốc tế; thúc đẩy sự phát triển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa...
- Bộ Nội vụ và Thông tin có trách nhiệm chính trong việc xác định những biện pháp giải quyết những thảm họa thiên tai tự nhiên từ biển gây ra.
- Bộ Môi trường có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ môi trường biển, giảm bớt sức ép về môi trường.
- Bộ Tài chính có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát việc xuất, nhập khẩu hàng hóa và phương tiện thủy theo các quy định của hải quan.
- Bộ Tư pháp có trách nhiệm chính trong việc thông báo cho các quốc gia có cắm cờ về những vi phạm hàng hải tuân thủ theo các quy định của Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.
- Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, duy trì luật lệ, phép tắc trên biển.
- Bộ Y tế, Lao động và Sức khỏe có trách nhiệm chính trong việc tập huấn tăng cường nguồn nhân lực trong các vấn đề về biển và hàng hải.
Nhờ có sự phân công, phân cấp rõ ràng, hợp lý, khoa học giữa các bộ ngành, cơ quan chức năng trong việc quản lý, bảo vệ môi trường biển cùng với việc ban hành chính sách cơ bản về đại dương đề cập những phương hướng tổng thể về quản lý biển; ban hành kế hoạch hành động nhằm triển khai việc đưa các nội dung của chính sách cơ bản về đại dương đi vào cuộc sống…Nhật Bản luôn được coi là quốc gia có môi trường trong lành, người Nhật Bản có chất lượng cuộc sống cao. Đây là kinh nghiệm đáng để các quốc gia khác học hỏi không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển mà còn trong nhiều lĩnh vực khác.
Nhìn một cách tổng thể, trên thế giới mỗi quốc gia có xu hướng xây dựng hệ thống luật biển khác nhau. Nhưng có thể thấy các nước Châu Âu và Canada thiên về việc xây dựng luật các vùng biển, bao gồm việc xác định chiều rộng và chế độ pháp lí các vùng biển, quản lí các vùng biển và các hoạt động trên biển theo hướng tổng hợp. Còn các nước Châu Á và Trung Quốc lựa chọn phương pháp thông qua một loạt các văn bản pháp qui, trong đó mỗi văn bản giải quyết một vấn đề cụ thể của luật biển. Việt Nam cần đối chiếu
với các điều kiện của mình về kinh tế - xã hội, về trình độ và ý thức dân trí, về kĩ thuật lập pháp cũng như các điều kiện ảnh hưởng khác, để có thể tiếp thu một cách có chọn lọc các phương thức xây dựng pháp luật bảo vệ môi trường biển một cách khoa học nhất. Ngoài những kinh nghiệm có thể học tập được từ các nước có biển thì Việt Nam cũng có thể rút ra nhiều bài học trong cách quản lý, bảo vệ môi trường nói chung từ các quốc gia vẫn nổi tiếng được biết đến có môi trường trong sạch nhất thế giới như Singapo...