Công ƣớc Luật biển

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển (Trang 44 - 48)

Với sự phát triển của Luật biển quốc tế và xu hướng tiến ra biển của các nước nên ngày càng có nhiều đường biên giới xuất hiện trên biển. Tình hình đó không ngăn cản được một nhận thức chung đang hình thành: Biển cả là môi trường đồng nhất, là tài sản chung của nhân loại, đòi hỏi phải có một sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm giữ biển và môi trường biển trong lành. Do vậy, việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển là tất yếu. Hiện nay, có rất nhiều các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường như đã kể trên. Trong đó, Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS) được coi là bộ luật hoàn chỉnh nhất về biển trong thời đại chúng ta. UNCLOS được các quốc gia ký từ ngày mồng 7 đến ngày 11/12/1982 tại Montego Bay- Giamaica. Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Công ước gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, 4 nghị định thư, trong đó có 11 mục và 46 điều khoản (từ Điều 192 đến Điều 237) qui định về việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Đây là cơ sở pháp lý giúp các quốc gia bảo vệ và giữ gìn môi trường biển của mình, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển chung. Công ước đã đưa ra định

nghĩa khá hoàn chỉnh về môi trường biển và ô nhiễm môi trường biển, đồng thời xác định rất đầy đủ và toàn diện về các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển như đã phân tích ở trên. Tuy vậy, điểm nổi bật của Công ước là xác định rõ ràng quyền hạn và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong việc bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm.

Cấp độ, quy mô và tính dễ lây lan của ô nhiễm biển khiến cho việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển không chỉ là vấn đề thuộc về quyền tài phán của quốc gia ven biển mà là nghĩa vụ chung của tất cả các quốc gia. Công ước 1982 đã khẳng định: "Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường

biển". Đây là nghĩa vụ xuất phát từ quyền lợi của quốc gia ven biển cũng như

cộng đồng quốc tế trong các vùng biển của quốc gia ven biển. Nghĩa vụ này không đi ngược lại với lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển trong việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên của mình; nó đảm bảo cho quyền chủ quyền được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Theo quy định này, quốc gia ven biển có quyền tối cao để khai thác các tài nguyên thiên nhiên của mình nhưng họ vẫn phải thi hành các chính sách về môi trường để bảo vệ môi trường biển. "Các quốc gia có trách nhiệm quan tâm đến việc hoàn thành các

nhiệm vụ quốc tế của mình về vấn đề bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, các quốc gia có trách nhiệm theo đúng pháp luật quốc tế" [36].

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 được đánh giá là một công cụ đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Các quốc gia được yêu cầu sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, giảm bớt và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ bất kỳ nguồn ô nhiễm nào trong phạm vi quyền tài phán của mình. Mặc dù luật quy định các quốc gia đều có nghĩa vụ như nhau nhưng giữa các quốc gia không có sự phát triển đồng đều về kinh tế, cơ sở hạ tầng không giống nhau nên các quốc gia được yêu cầu:

Tùy theo tình hình, thi hành riêng rẽ hay phối hợp với nhau, tất cả các biện pháp phù hợp với Công ước, cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự sự ô nhiễm môi trường biển dù nó bắt nguồn từ

đâu. Nhằm mục đích này, các quốc gia tùy theo khả năng của mình, sử dụng các phương tiện thích hợp nhất mà mình có, và cố gắng điều hòa các chính sách của mình về mặt này [36].

Các luật, quy định và các biện pháp của các quốc gia thông qua không được kém hiệu quả hơn các nguyên tắc và quy phạm quốc tế hay các tập quán và thủ tục đã được kiến nghị có tính chất quốc tế.

Để bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, Công ước Luật biển 1982 yêu cầu:

- Các quốc gia ven biển phải xác định các nguồn ô nhiễm của mình, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát chúng. Các quốc gia không được đùn đẩy thiệt hại của các nguy cơ ô nhiễm và không được thay thế một kiểu ô nhiễm này bằng một kiểu ô nhiễm khác.

- Các quốc gia ven biển phải có trách nhiệm đưa ra các biện pháp chống lại ô nhiễm môi trường biển nảy sinh từ việc sử dụng các kỹ thuật trong khuôn khổ quyền tài phán hay dưới sự kiểm soát của mình, hoặc do du nhập cố ý hay vô tình các loài ngoại lai hoặc mới vào một bộ phận môi trường biển gây ra ở đó những thay đổi đáng kể và có hại và nó cũng bao gồm các ảnh hưởng hoặc các biện pháp trong việc bảo vệ hệ sinh thái hiếm hoi và đe dọa điều kiện cư trú của các loài sinh vật biển khác.

- Các quốc gia được yêu cầu xây dựng các kế hoạch khẩn cấp chống ô nhiễm để đối phó với những tai nạn gây ra ô nhiễm biển trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của họ. Các điều khoản về giám sát và đánh giá môi trường đặt các quốc gia có nghĩa vụ cần cố gắng hết sức mình trong việc giám sát và đánh giá các ảnh hưởng môi trường của các hoạt động biển được tiến hành dưới quyền tài phán của các quốc gia đó. Họ cũng có nghĩa vụ phải hành động phù hợp nhằm giảm bớt hay ngăn ngừa ô nhiễm có thể xảy ra từ các hoạt động như vậy.

- Các luật, quy định và các biện pháp của các quốc gia thông qua không được kém hiệu quả hơn các nguyên tắc và quy phạm quốc tế hay các tập quán và thủ tục đã được kiến nghị có tính chất quốc tế. Các quốc gia phải quan tâm làm sao cho luật trong nước của mình có những hình thức tố tụng cho phép thu được sự đền bù nhanh chóng và thích đáng, hay sự bồi thường khác đối với những thiệt hại nảy sinh từ ô nhiễm môi trường biển do tự nhiên nhân, hay pháp nhân thuộc quyền tái phán của mình gây ra.

- Các quốc gia cũng được yêu cầu bảo đảm cho tàu mang cờ nước họ, hoạt động ở trong nước cũng như ở ngoài nước, đáp ứng đầy đủ các luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế thích hợp. Quốc gia mà tàu mang cờ được yêu cầu tiến hành điều tra mọi vi phạm luật lệ về ô nhiễm biển do tàu đó gây ra. Tất cả tàu thuyền được yêu cầu phải có chứng từ chứng minh điều kiện an toàn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về thiết kế, đóng, trang bị và thuyền viên và tính hiệu quả của chúng trong ngăn ngừa, giảm bớt và kiểm soát ô nhiễm. Các quốc gia cần tiến hành kiểm tra định kỳ tàu thuyền mang cờ nước mình để bảo đảm rằng chúng đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Các quốc gia khi đặt các điều kiện đặc biệt cho tàu thuyền nước ngoài đi vào các cảng hay nội thủy của mình hoặc công trình cảng cuối cùng ở ngoài khơi, cần phải công bố đúng thủ tục về các điều kiện này và phải thông báo cho các tổ chức quốc tế có thẩm quyền.

- Các quốc gia phải có nghĩa vụ thông báo cho các quốc gia khác về nguy cơ bị ô nhiễm lan tràn đến và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn và bảo vệ.

- Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế liên quan theo khả năng của mình, để loại trừ ảnh hưởng của ô nhiễm và ngăn ngừa và giảm đến mức tối thiểu những thiệt hại do ô nhiễm gây ra. Công ước cũng yêu cầu sự hợp tác trên phạm vi toàn cầu hay khu vực "trong việc hình thành và soạn thảo các quy tắc và quy phạm, cũng như các tập quán và thủ tục

được kiến nghị mang tính quốc tế phù hợp với Công ước, để bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, có tính đến các đặc điểm có tính chất khu vực" [36, Điều 197]. Các quốc gia cần trực tiếp hợp tác với nhau hoặc thông qua trung gian các tổ chức quốc tế có thẩm quyền nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học về biển và trao đổi thông tin và các dữ kiện về môi trường biển chung nói chung và ô nhiễm môi trường biển nói riêng.

Vấn đề ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường biển cũng như trong việc xây dựng một khung pháp lý quốc tế chung điều chỉnh về lĩnh vực bảo vệ môi trường biển. Chống ô nhiễm biển hiện đang là một vấn đề cấp thiết, không chỉ là lợi ích riêng của một quốc gia nào mà còn là lợi ích của toàn thể cộng đồng thế giới. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển đối với loài người và tính nghiêm trọng ngày càng tăng của ô nhiễm biển hiện nay, các quốc gia đã, đang và sẽ có những nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)