Để ngăn chặn ô nhiễm, thực hiện bảo vệ môi trường biển chung, rất nhiều các văn bản pháp lý quốc tế về bảo vệ môi trường hoặc liên quan đến bảo vệ môi trường được cộng đồng quốc tế xây dựng và được các quốc gia ký kết, Việt Nam đã phê chuẩn các điều ước quốc tế khác nhau nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, ví dụ như:
- Công ước Marpol 73/78 về ngăn chặn ô nhiễm biển do tàu gây ra (Việt Nam tham gia ngày 29/8/1991);
- Công ước quốc tế về an toàn tính mạng trên biển SOLAS 1974 (Việt Nam tham gia ngày 18/3/1991);
- Công ước Luật biển 1982 (Việt Nam tham gia ngày 16/11/1994); - Công ước về các quy tắc quốc tế phòng tránh đâm va trên biển COLREG 1972 (Việt Nam tham gia ngày 18/12/1990);
- Công ước về tiêu chuẩn cấp chứng chỉ cho thuyền viên 1978/1995 (STCW) (Việt Nam tham gia ngày 18/3/1991);
- Công ước về kiểm soát và vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng BASEL 1989 (Việt Nam tham gia ngày 11/6/1995);
- Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do ô nhiễm dầu, 1969 (CLC 1969)…
Việt Nam là quốc gia lớn trong khu vực Đông Nam Á. Diện tích các vùng biển của Việt Nam lớn gấp 3 lần đất liền. Tài nguyên biển của Việt Nam
vô cùng phong phú. Tuy nhiên, biển Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn về ô nhiễm môi trường biển. Trong các nguồn ô nhiễm môi trường biển thì ô nhiễm có nguồn gốc từ đất liền, ô nhiễm từ tàu thuyền, đặc biệt là ô nhiễm dầu, ô nhiễm từ các hoạt động liên quan đến đáy biển và ô nhiễm do nhận chìm là những nguồn ô nhiễm chính. Do đó, các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển mà Việt Nam đã tham gia, đã phê chuẩn cũng nhằm góp phần chế ngự, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ nguồn ô nhiễm trên. Bên cạnh đó, việc tham gia các công ước trên là phù hợp với điều kiện của Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Việc thực thi các công ước đó cũng góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường biển Việt Nam, môi trường biển của khu vực và trên thế giới.