Tình hình thực thi các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trƣờng biển và nguyên nhân của thực trạng

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển (Trang 54 - 59)

bảo vệ môi trƣờng biển và nguyên nhân của thực trạng

Bảo vệ môi trường bằng pháp luật là một định hướng cơ bản của hoạt động bảo vệ môi trường ở mỗi quốc gia. Có thể nói, hệ thống pháp luật và chính sách bảo vệ môi trường biển ở nước ta khá đầy đủ. Chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Bộ luật Hàng hải, Luật Dấu khí, các văn bản hướng dẫn thi hành và sắp tới nước ta sẽ có Luật các vùng biển Việt Nam cùng với các công ước về bảo vệ môi trường biển mà Việt Nam đã tham gia tạo ra cơ sở pháp lý tương đối toàn diện trong việc bảo vệ môi trường biển.

Thời gian qua, các quy định về bảo vệ môi trường biển cũng đã phát huy phần nào hiệu quả, nhờ sự nỗ lực của các cơ quan, bộ, ngành và người dân nên vấn đề ô nhiễm môi trường biển đang dần được giải quyết.

- Các quy định của pháp luật đã góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn.

- Bộ máy quản lý môi trường được củng cố và tăng cường từ trung ương đến địa phương. Tiềm lực về thiết bị cho công tác quan trắc và giám sát môi trường đã được tăng cường đáng kể ở cả cấp quốc gia và một số địa phương trên cả nước.

- Giữa các cơ quan đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng bảo vệ môi trường biển. Ví dụ như trong công tác phối hợp chống tội phạm môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa ra quyết định thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường giữa Tổng cục và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường. Từ đây, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có thêm sự "tiếp sức" của lực lượng cảnh sát môi trường trong công tác bảo vệ môi trường biển.

Theo quy chế đã ký giữa các bên, lực lượng cảnh sát môi trường sẽ kết hợp cùng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trên 6 lĩnh vực chính như: Cùng chủ động nghiên cứu, rà soát các văn bản quy định của pháp luật có liên quan để tham mưu bổ sung, sửa đổi kịp thời; cùng xây dựng nội dung và tuyên truyền giáo dục về pháp luật bảo vệ môi trường biển hải đảo cũng như công khai thông tin vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển, hải đảo; cùng có trách nhiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển; phối hợp thực hiện công tác thanh kiểm tra việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường biển tại các đơn vị sản xuất, địa phương có biển; phối hợp trong điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường biển, hải đảo.

- Nhận thức về môi trường biển và bảo vệ môi trường biển của các cấp, các ngành và người dân đã được nâng cao đáng kể thông qua các chương trình, các dự án trong và ngoài nước về nâng cao nhận thức môi trường cộng đồng…

Tuy nhiên, dù đã có luật cũng như chính sách về bảo vệ môi trường biển, nhưng việc thực thi ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và tiến hành khá muộn so với các nước khác. Những văn bản, chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế như văn bản luật còn chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế, bộc lộ những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện, hiệu lực thi hành thấp. Đồng thời, sự gắn kết với các công ước quốc tế liên quan còn mờ nhạt.

Điển hình là việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Dù đã ban hành từ năm 1994, đến nay đã trải qua 17 năm thi hành và có bổ sung, sửa đổi, cùng nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai, nhưng so với các nước phát triển, lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn khá mới và chỉ được quan tâm đặc biệt trong khoảng 5 năm trở lại đây do yêu cầu quản lý môi trường trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, pháp luật về bảo vệ môi trường chưa điều chỉnh hết các mối quan hệ trong xã hội, một số văn bản

đã ban hành nhưng không sát với thực tế, thiếu tính khả thi, không thể thi hành được.

Vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường xảy ra rất nhiều, phổ biến trên nhiều lĩnh vực và ngày càng nghiêm trọng, nhất là lĩnh vực môi trường biển. Chẳng hạn, trong hoạt động kinh doanh nhập khẩu, tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải vào Việt Nam đang gia tăng với thủ đoạn "xin tạm nhập, tái xuất", khi bị phát hiện thì khai là "gửi nhầm hàng". Nghiêm trọng nhất là hành vi nhập rác thải sinh hoạt, các loại chất dioxin, kể cả chất có phóng xạ, các thiết bị công nghiệp lạc hậu từ… những năm 60 của thế kỷ trước.

Việc xử lý hình sự đối với tội phạm môi trường biển gặp nhiều khó khăn do pháp luật hình sự quy định chỉ xử lý hình sự đối với cá nhân, nhưng thực tế ở Việt Nam thì việc gây ô nhiễm môi trường lại chủ yếu do các tổ chức. Việc xác minh thiệt hại còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí cho bảo vệ môi trường thấp, dẫn đến thiếu trang thiết bị kỹ thuật để kiểm tra, phân tích ô nhiễm.

Nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển Việt Nam là do chúng ta chưa thực sự quan tâm và hành động đúng mức đối với công tác nghiên cứu về biển. Chúng ta quá chú trọng vào phát triển kinh tế biển mà ít quan tâm đến hệ thống thiên nhiên và bảo vệ môi trường nên dẫn đến hiện tượng khai thác bừa bãi và sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, khiến môi trường suy thoái và làm mất cân đối các hệ sinh thái, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng vùng ven biển và hải đảo còn thiếu thốn và lạc hậu; sự phát triển kinh tế biển còn yếu kém, phiến diện, sản xuất nhỏ, lạc hậu; tài nguyên biển chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, chỉ chú trọng khai thác mà không quan tâm tái tạo, bảo vệ; thường xuyên bị tàu nước ngoài xâm phạm, đánh bắt và khai thác trộm tài nguyên biển; vấn đề phòng, chống và khắc phục hậu quả của bão lụt, thiên tai từ hướng biển còn nhiều hạn chế; thiếu nguồn nhân lực trầm trọng trong lĩnh vực quản lý môi trường từ cấp trung ương đến địa phương,

nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu, không đáp ứng được yêu cầu quản lý trong thực tiễn; sự thiếu hiểu biết pháp luật về biển, nhất là pháp luật bảo vệ môi trường biển của những người tham gia hoạt động khai thác sử dụng, quản lý biển cũng góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường biển

Quan trọng nhất là các chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường biển của Việt Nam còn chung chung, chưa cụ thể và thiếu thực tế, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. Cho đến nay, quản lý môi trường biển, ven biển và hải đảo vẫn rập khuôn theo cách tiếp cận chỉ ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, chưa tính đến đặc điểm về tính chất xuyên biên giới, đa ngành, đa mục đích sử dụng cho nên hiệu quả quản lý yếu kém, bộc lộ nhiều thiếu sót và bất cập. Chúng ta chưa có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các bộ cũng như giữa trung ương và địa phương. Nhiều trường hợp xảy ra sự chồng chéo chức năng, thẩm quyền giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Ủy ban nhân dân tỉnh. Còn thiếu quy định phân cấp trong thanh tra, kiểm tra. Rất nhiều trường hợp đoàn thanh tra của trung ương lẫn địa phương cùng thanh kiểm tra một đối tượng về cùng một vụ việc cụ thể. Một thực tế nữa là tốc độ phát triển kinh tế quá nóng, trong khi đó thiếu các nguồn lực cho công tác quản lý môi trường, đặc biệt công tác dự báo còn yếu dẫn đến các chính sách, các văn bản pháp luật ban hành mới rất nhanh bị lỗi thời, kém hiệu quả.

Cơ cấu tổ chức quản lý biển của Việt Nam hiện nay khá phân tán, thiếu hiệu quả. Về nguyên tắc, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển nhưng các chức năng cụ thể được giao cho các bộ, ngành. Hiện có tới 15 Bộ, ngành liên quan trực tiếp và có chức năng về quản lý biển. Nhiều lực lượng hoạt động trên biển với các chức năng nhiệm vụ chồng chéo và mâu thuẫn nhau, nhưng lại chưa có một cơ quan chuyên trách nào giúp Chính phủ trong xây dựng, quản lý thống nhất các hoạt động trên biển đang ngày càng đa dạng và phức tạp. Việc thiếu quy hoạch tổng thể dễ dẫn đến sự xung đột lợi ích giữa các ngành hoặc không tận dụng được tiềm năng của biển để phát triển

kinh tế, sự kết hợp giữa phát triển kinh tế biển và quốc phòng- an ninh, bảo vệ tài nguyên môi trường, sự kết hợp giữa các yêu cầu đối nội và đối ngoại cũng như tham gia giải quyết các vấn đề biển chung mang tính toàn cầu và khu vực.

Để khắc phục điểm này, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Quốc hội khóa XI, năm 2008, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên theo hướng kiện toàn cơ chế quản lý biển. Chức năng quản lý biển của Tổng cục Biển và Hải đảo được quy định khá rộng, mang tính tổng hợp, nhưng trên thực tế cơ quan này còn phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện chức năng chính của mình là điều tra và quản lý tài nguyên môi trường biển. Vấn đề quản lý tổng hợp điều hành thống nhất các hoạt động trên biển theo một quy hoạch, chiến lược phát triển biển chung, bao hàm cả tính đối nội và đối ngoại đã vượt quá khuôn khổ của một cơ quan Tổng cục của một ngành.

Chế tài chưa đủ mạnh cũng là một yếu tố được các chuyên gia nhắc tới khi đánh giá về tình hình thi hành luật pháp liên quan tới bảo vệ môi trường. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân chưa được thiết lập nên không thể truy cứu hình sự pháp nhân vi phạm pháp luật môi trường.

Việc ban hành luật pháp về bảo vệ môi trường biển ở ta tuy thế vẫn còn chậm, nhiều lĩnh vực không có văn bản quy phạm pháp luật như: các quy định về thu phí khí thải, tiếng ồn, về sử dụng hạn ngạch phát thải trong bảo vệ môi trường… Việt Nam còn thiếu các tiêu chuẩn môi trường biển gây khó khăn cho công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường biển trong thực tiễn. Chúng ta còn thiếu các công cụ kinh tế hữu hiệu, thiếu chính sách để thu hút các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực trong xã hội như khối tư nhân, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội khác vào bảo vệ môi trường biển đặc biệt là lĩnh vực xử lý chất thải, tái chế…

Mặt khác, do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường chưa được thực hiện thường xuyên, nên các doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình đối với cộng đồng. Sắp tới khi Luật giáo dục, phổ biến pháp luật được ban hành và có hiệu lực, hi vọng sự hiểu biết pháp luật bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển trong các tầng lớp nhân dân sẽ được nâng cao hơn, môi trường biển sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển (Trang 54 - 59)