Trung Quốc có điều kiện địa lý về biển rất thuận lợi, với đường bờ biển dài 18.000 km. Nếu mở rộng ra Đài Loan và Hải Nam thì chiều dài bờ biển của Trung Quốc lên đến 30.000 km, với tổng diện tích mặt biển khoảng hơn 3 triệu km2
.
Ngay từ năm 1949, Tiểu ban lãnh đạo nghiên cứu phát triển, bảo vệ tài nguyên biển thuộc Cục Hải dương quốc gia và Nhóm chuyên gia nghiên cứu phát triển bảo vệ tài nguyên biển toàn quốc (đều thuộc Quốc vụ viện) đã được thành lập. Trung Quốc đã rất chú trọng việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống, công cụ pháp lý về khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Tại Trung Quốc đã sớm ban hành Luật bảo vệ môi trường biển và các văn bản pháp qui khác nhau nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển đi đôi với việc bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, ví dụ như Luật về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Trung quốc, Qui định quản lý sử dụng và bảo vệ đảo không có cư dân…
Trong đó, Trung Quốc coi trọng việc phòng ngừa và xử lý ô nhiễm. Kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20 đến nay, căn cứ vào chính sách bảo vệ môi trường quốc gia kết hợp với đặc điểm của môi trường biển, Trung Quốc đã đề ra chiến lược bảo vệ môi trường biển, quy định những quy tắc và căn cứ cơ bản trong việc bảo vệ môi trường biển, từng bước kiện toàn cơ chế quản lý, phân công trách nhiệm cụ thể giữa các ngành, các cấp và các địa phương để bảo vệ tốt môi trường biển.
Trung Quốc là quốc gia có đủ cả 6 lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bao gồm hải quân, cảnh sát biển, tuần tra biển, giám sát biển, hải quan và ngư chính. Đội tàu "hải giám"- chính là một phần lực lượng giám sát tổng hợp tài nguyên biển Trung Quốc, thuộc Tổng cục Hải dương - Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường biển.
Việc xây dựng và ban hành các bộ luật, văn bản qui phạm pháp luật về biển đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc đảm bảo cho việc thực hiện thành công công tác quản lý tổng hợp, khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở Trung Quốc.