1 Vai trò của công tác nghiên cứu phát triển đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Giáo trình quản trị nghiên cứu và phát triển (Trang 26 - 29)

III- Vai trò của công tác nghiên cứu phát triển đối với các hoạt động kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp

3. 1 Vai trò của công tác nghiên cứu phát triển đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

doanh của doanh nghiệp

Công tác nghiên cứu- phát triển có vai trò, tác động to lớn và đa dạng, nhiều mặt đối với doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Với các hoạt động kinh doanh, vai trò của công tác nghiên cứu- phát triển thể hiện trên một số khía cạnh cơ bản sau:

- Giúp doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ, cho phép doanh nghiệp tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu trên thị trường. Với việc tác động tới chủng loại mặt hàng cung ứng cho thị trường (mở rộng hay thu hẹp, đổi mới nhanh hay chậm, …), công tác nghiên cứu- phát triển giúp cho doanh nghiệp thực hiện được sứ mạng của mình- sản xuất ra được những sản phẩm, hàng hoá có khả năng đáp ứng những nhu cầu nhất định trên thị trường. Việc đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng cơ cấu mặt hàng, doanh nghiệp còn có thể giảm thiểu bớt những rủi ro trong kinh doanh (thông qua việc chia xẻ rủi ro cho nhiều mặt hàng, nhiều lĩnh vực) và khai thác được nhiều phân khúc thị trường.

- Giúp doanh nghiệp có khả năng thích ứng tốt đối với những thay đổi trên thị trường. Khả năng nghiên cứu- phát triển của doanh nghiệp càng cao, nó càng có khả năng lớn trong việc tìm tòi, phát hiện và thực hiện một cách có hiệu quả những phương án khác nhau nhằm tái cấu trúc từng phần hoặc tổng thể để có thể thích ứng được với những bối cảnh, điều kiện mới trong xã hội cũng như trên thị trường. Chẳng hạn, khi dự trữ năng lượng giảm sút, năng lực sản xuất và cung cấp năng lực không đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng, nếu các hãng ô tô có thể cải tiến các mẫu xe hoặc đưa ra thị trường

những mẫu xe tiêu tốn ít năng lượng thì xe của họ sẽ bán chạy hơn, thị phần được mở rộng và lợi nhuận sẽ tăng cao. Khi mật độ các phương tiện giao thông tăng cao, những mẫu xe có trang bị các thiết bị kế nối vệ tinh cho phép sử dụng dịch vụ chỉ dẫn đường đi sẽ được tiêu thụ dễ dàng hơn. Với các vùng nhiệt đới, khí hậu nóng, ẩm, các loại xe có lắp điều hoà cũng được ưa chuộng hơn. Một khi doanh nghiệp có năng lực nghiên cứu- thiết kế và cải tiến sản phẩm một cách nhanh chóng theo thị hiếu tiêu dùng như trên, khả năng tồn tại và phát triển của chúng sẽ được cải thiện.

- Giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trước hết, bản thân năng lực nghiên cứu- phát triển cũng là một yếu tố cạnh tranh. Doanh nghiệp có năng lực nghiên cứu- phát triển càng lớn, càng toàn diện thì càng có khả năng chủ động trong việc sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của thị trường. Năng lực nội tại về nghiên cứu- phát triển là một thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiết kiệm thời gian đàm phán với đối tác (trong trường hợp doanh nghiệp không tự phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ và kỹ thuật được mà phải thuê ngoài) để kịp thời cung cấp sản phẩm và dịch vụ đúng lúc.

Ngoài ra, năng lực nghiên cứu- phát triển còn gián tiếp tác động tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua tác động gián tiếp tới các yếu tố cạnh tranh khác như giá trị sử dụng (công dụng), chất lượng, giá thành và giá cả của sản phẩm, … Chính do nhận thức được lợi thế này mà các doanh nghiệp, khi đạt tới một quy mô nhất định, thường đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu- phát triển riêng. Ngoài ra, một khi đã có cơ sở nghiên cứu- phát triển riêng, ngân sách dành cho các hoạt động này của doanh nghiệp thường cũng tăng tỷ lệ với mức tăng của kết quả sản xuất kinh doanh (doanh thu và lợi nhuận).

Hộp 1. 4: Doanh nghiệp Việt Nam chỉ dành 3% cho R&D?

Áp lực cạnh tranh trên thị trường vẫn chưa tác động đáng kể đến hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Đó là kết quả cuộc khảo sát về đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện.

Mục tiêu của khảo sát này là đánh giá các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, tìm ra các "lỗ hổng" về chính sách trong lĩnh vực này để điều chỉnh kịp thời, giúp các doanh nghiệp công nghiệp tăng cường khả năng đổi mới công nghệ.

Kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp (35 doanh nghiệp ngành hóa chất và 65 doanh nghiệp ngành dệt may) tại Tp.HCM và Hà Nội cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đang sử dụng dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị đồng bộ thuộc thế hệ từ những năm 80 của thế kỷ 20. 69% doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên vật liệu; 53% doanh nghiệp phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ nhập khẩu của nước ngoài và chỉ có 19% doanh nghiệp lệ thuộc vào bí quyết công nghệ.

Điều này cho thấy, tốc độ triển khai công nghệ mới trong các doanh nghiệp khá chậm. Mức độ đầu tư cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 3% doanh thu/năm. Trung bình 1 doanh nghiệp đầu tư khoảng 5 tỷ đồng/năm cho đổi mới công nghệ, chủ yếu là mua thiết bị, cải tiến máy móc phần cứng…

Theo khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ một cách thụ động, mang tính tình huống, do nhu cầu khách quan nảy sinh trong quá trình sản xuất mà không có kế hoạch dài hạn về đổi mới công nghệ. Phương thức đổi mới công nghệ được sử dụng nhiều nhất là nguồn công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài. Tỷ lệ cán bộ kỹ thuật trong doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 7%.

Riêng với ngành dệt may, sự yếu kém về thông tin khiến các doanh nghiệp dệt may bị lệ thuộc về đơn hàng, nguồn nguyên liệu đến cả công nghệ. Doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ chỉ biết tìm thông tin trên mạng mà không biết cách và không có "địa chỉ" để thẩm định xem công nghệ đó có phù hợp hay không.

Theo các chuyên gia khảo sát, ngành dệt may cần hình thành Trung tâm tư vấn thông tin làm đầu mối cung cấp thông tin về thị trường khách hàng, công nghệ, giải pháp cải tiến… giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, tiêu thụ và điều phối thị trường.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục ban hành các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập đối với các viện nghiên cứu bán kết quả nghiên cứu công nghệ, hoạt động chuyển giao công nghệ và đào tạo liên quan đến công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp lập quỹ nghiên cứu đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, cho phép tính chi phí nghiên cứu khoa học vào giá thành sản xuất. Đặc biệt, cần sớm cho ra đời Quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Nhưng quan trọng hơn cả, theo các chuyên gia là Nhà nước cần tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế, hoàn thiện môi trường pháp lý, bao gồm ban hành Luật Doanh nghiệp chung, đẩy nhanh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng, động lực chính để các doanh nghiệp chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Một phần của tài liệu Giáo trình quản trị nghiên cứu và phát triển (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w