Căn cứ vào thực tiễn các yếu tố về tài nguyên du lịch văn hóa, sản phẩm du lịch văn hóa, khả năng cung ứng dịch vụ phát triển du lịch, nguồn nhân lực phát triển du lịch và nhu cầu du lịch của khách đã điều tra, phân tích ở chương 1 và thực trạng các di tích tiêu biểu triều Trần ở chương 2. Ta thấy bên cạnh những thuận lợi thì còn tồn tại những khó khăn trong việc khai thác các di tích nhằm phục vụ phát triển du lịch. Công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, công tác trùng tu bảo tồn các di tích chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ cán bộ quản lý di tích còn thiếu và yếu một số di tích như đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn – chùa Long Tiên, đình, đền Quan Lạn, cụm di tích lịch sử Bạch Đằng, khu lăng mộ vua Trần ở Đông Triều chưa có ban quản lý di tích.
Công tác quảng bá, xúc tiến chưa đầu tư thỏa đáng, sản phẩm du lịch văn hóa đơn điệu, nghèo nàn, các tour du lịch ít hấp dẫn. Các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch: khách sạn, nhà hàng, lữ hành, vận chuyển quy mô nhỏ lẻ, thiếu trung tâm thương mại vui chơi giải trí. Nói tóm lại, du lịch tại các di tích tiêu biểu triều Trần nói riêng và du lịch văn hóa Quảng Ninh nói chung, việc đầu tư phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu du lịch đề ra, sức cạnh tranh còn thấp so với khu vực, chưa có thương hiệu cho du lịch văn hóa Quảng Ninh (duy chỉ mỗi di tích Yên Tử phần nào đã được đông đảo du khách biết đến) nên chưa tạo được môi trường hấp dẫn thu hút nhà đầu tư đầu tư vào du lịch văn hóa Quảng Ninh nên lượng khách du lịch đến các di tích triều Trần hàng năm chưa cao, thời gian lưu lại ngắn và khả năng chi trả thấp, lượng khách quay trở lại các di tích không nhiều. Vì vậy để phát triển du lịch tại các điểm di tích tiêu biểu triều Trần một các có hiệu quả cần phải có một số giải pháp cụ thể.