Giải pháp xây dựng hình ảnh, xúc tiến và quảng bá du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm triều Trần tại Quảng Ninh phục vụ phát triển du lịch (Trang 72 - 75)

Hoạt động xúc tiến du lịch là hoạt động kinh tế, nó khác hẳn hoạt động tuyên truyền văn hóa hoặc hoạt động ngoại giao ở nội hàm kinh tế.

Du lịch được biết đến là ngành công nghiệp không ống khói. Vì vậy việc xúc tiến du lịch là một khâu quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra khách hàng. Đối với xúc tiến du lịch, nhiệm vụ xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch và xúc tiến điểm đến là nhiệm vụ cần thiết và hàng đầu. Để góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển du lịch Quảng Ninh nói chung và phát triển du lịch dựa vào việc khai thác các di tích trọng điểm triều Trần nói riêng trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, các di tích này cần:

- Mở rộng đối tượng nhận tin trong xúc tiến du lịch, để thông tin về các điểm đến, sản phẩm và doanh nghiệp du lịch tới được công chúng mục tiêu trong phạm vi rộng hơn, từ đó kích thích mạnh nhu cầu du lịch. Cụ thể, cần đẩy mạnh xúc tiến tới khách du lịch nội địa tiềm năng là người dân thành thị, vùng núi, vùng biển, khách có nhu cầu du lịch thuần túy (du lịch nông thôn, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh…), hoặc đến Quảng Ninh hội họp, học tập kết hợp du lịch; khách nối tour từ Hà Nội, Hải Phòng hoặc trực tiếp đến Quảng Ninh du lịch.

- Các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch nên cân nhắc lựa chọn phản ứng đáp lại đối với từng chương trình xúc tiến, trong mỗi giai đoạn cụ thể. Đối với thị trường mới hoạt động xúc tiến phải làm cho khách hàng biết đến, quan tâm đến điểm đến và sản phẩm nhiều hơn.

- Nội dung thông điệp phải nêu bật được những lợi ích của sản phẩm mà du khách quan tâm. Kết cấu thông điệp cần rõ ràng, ngắn gọn. Hình thức cần đa dạng, hấp dẫn. Kết hợp sử dụng có hiệu quả các công cụ xúc tiến truyền thống và đặc thù.

- Giới thiệu các di tích nhà Trần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc đến với di tích là do nhu cầu của du khách, nhưng không phải bất cứ ai muốn tới di tích là đều có thể được. Có những người đã nhiều nghe tới Quảng Ninh, Yên Tử, đền Cửa Ông nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện kinh tế, sức khỏe… nên họ chưa đến thăm. Một đặc điểm cơ bản mà chúng ta đều rõ là di tích khác với Bảo tàng, nơi mà các hiện vật gốc được sưu tầm từ khắp nơi trên đất nước và phần trưng bày của bảo tàng sẽ giới thiệu với du khách tất cả, còn các di tích gẵn với từng khu vực địa lý cụ thể, cảnh quan thiên nhiên nhất định, việc chuyển dời nhiều di tích tập trung về một địa điểm cho du khách tham quan cùng một lúc là không thể xảy ra và sẽ sai phạm nguyên tắc tính xác thực của di tích. Chính vì vậy việc thăm quan di tích khó khăn và phức tạp hơn nhiều, vì lẽ đó việc giới thiệu di tích trên các nguồn thông tin đại chúng là rất cần nhiết như trên truyền hình, đài phát thanh. Hiện nay trên truyền hình Việt Nam có chương trình giới thiệu về các di sản văn hóa hàng tuần. Chắc hẳn là qua các phương tiện thông tin đại chúng, kết quả thu nhận sẽ không bằng du khách trực tiếp tới thăm di tích, song do tính đặc thù của di tích nên cần phát huy hơn nữa các phương tiện này. Nếu chúng ta không đến di tích vào ngày lễ hội thì có thể xem lại thông qua một cuốn băng ghi hình, ghi lại toàn bộ diễn trình của lễ hội, có thể phục vụ du khách sau khi đã thăm quan toàn bộ giá trị vật thể di tích thông qua các thuyết minh viên.

- Ngoài việc tổ chức tham quan du lịch và giới thiệu di tích trên các nguồn thông tin đại chúng, còn có thể viết sách báo, tạp chí giới thiệu về di tích. Hiện nay, Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đang làm rất tốt công việc này. Cụ thể hầu hết các di tích quan trọng như Yên Tử, di tích nhà Trần ở Đông Triều… đều đã được xuất bản thành sách và trên các tạp chí. Những tài liệu này có ưu điểm ở chỗ khi viết thành sách, tác giả có điều kiện giới chi tiết hệ thống và toàn diện.

- Trước mùa chính của lễ hội là thời điểm thích hợp nhất để ban quản lý các di tích tập trung vào việc xúc tiến các điểm đến qua quảng cáo, truyền thông, tham gia hội trợ triển lãm. Đặc biệt, Ngày 27/9/2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg công nhận Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử và Di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng là di tích quốc gia đặc biệt. Tiếp theo, khu di tích nhà Trần tại Đông Triều đã được Ban quản lý các Di tích trọng điểm lập đề cương hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với khu di tích nhà Trần tại Đông Triều - Yên Tử cũng đang được triển khai lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá Thế giới và thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Di sản tư tưởng Phật Giáo thế giới. Đây là những tiền đề quan trọng để Quảng Ninh khai thác giá trị các di tích phục vụ phát triển du lịch.

Bởi vậy, xúc tiến điểm đến trong thời gian này là thích hợp nhất để đẩy mạnh thu hút khách, nhanh chóng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh nhà, xứng đáng là địa phương có nguồn tài nguyên phong phú.

- Ngân sách giành cho hoạt động xúc tiến phải được tính toán kỹ lưỡng và phải tăng cường xã hội hóa trong xúc tiến du lịch, vận động các doanh nghiệp chia sẻ một phần lợi nhuận cho hoạt động xúc tiến các điểm đến trong tỉnh.

- Tổ chức các sự kiện tại các di tích trọng điểm như cuộc thi tìm hiểu về các di tích, các danh nhân được thờ, triều đại nhà Trần… để tuyên truyền và quảng bá cho di tích.

Ngoài ra, trong Quy hoạch phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến 2030 có đề cập đến nhiệm vụ cần triển khai và giải pháp quảng bá xúc tiến du lịch Quảng Ninh trong thời gian tới. Cụ thể:

- Nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu để có cơ sở thực hiện các định hướng về xúc tiến quảng bá du lịch Quảng Ninh.

- Phối hợp với Tổng cục Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch để tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ và cách thức triển khai thực hiện kế hoạch xúc tiến quảng bá cho vùng và các địa phương.

- Xã hội hoá hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, tập thể và cá nhân trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá.

- Tổ chức thực hiện các chiến dịch truyền thông tuyên truyền và nâng cao nhận thức du lịch trong cộng đồng về phát triển du lịch.

Giải pháp quảng bá xúc tiến du lịch

- Lập kế hoạch (dự án) quảng bá tổng thể cho du lịch Quảng Ninh trong giai đoạn từ 5 - 10 năm.

- Đầu tư cho các dự án thành phần của kế hoạch từ nguồn ngân sách tỉnh và từ phần đóng góp của các doanh nghiệp.

- Xây dựng chương trình quảng bá du lịch Quảng Ninh trên phương tiện thông tin đại chúng theo mô hình: website, radio, TV show…

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm triều Trần tại Quảng Ninh phục vụ phát triển du lịch (Trang 72 - 75)