Cụm di tích đình, đền, chùa, miếu, nghè Quan Lạn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm triều Trần tại Quảng Ninh phục vụ phát triển du lịch (Trang 30 - 35)

+ Đình Quan Lạn:Là một công trình kiến trúc cổ có quy mô lớn vào bậc nhất trong hệ thống di tích kiến trúc nghệ thuật ở Quảng Ninh. Đình được xây vào thời Lê tại bến Cái Làng - một trung tâm của thương cảng Vân Đồn xưa,

gồm 9 gian. Đến thời Nguyễn nhân dân chuyển sang đất Quan Lạn để sinh sống thì đình cũng được chuyển theo và rút bớt đi còn 7 gian, lúc đầu đình được xây theo kiểu chữ “khẩu”, sau sửa lại theo kiểu chữ “công”, gồm 5 gian 2 chái tiền đường, 3 gian ống muống và 1 gian 2 chái hậu cung. Sau đó được rời về xóm Thái Hoà, rồi xóm Nam, cuối cùng rời về xóm Đoài và được thu gọn như ngày nay.

Hiên của bái đường với những đầu bẩy được trạm rồng lộng lẫy. Mỗi đầu bẩy là một hình rồng khác nhau. Trong 5 đầu bẩy ở đình Quan Lạn có một chiếc phía trái gian giữa, bức trạm rồng mang đậm phong cách thời Lê: mắt rồng xếch dài, dấu bờm hình đao uốn vài đường rồi vút thẳng về phía sau. Đầu dư là một bộ phận đỡ cho xà thân vững cũng được trạm trổ công phu. Mỗi đầu dư được trạm 3 mặt rồng, phải trái và bên dưới. Bên dưới là nơi người đến thăm đình ngẩng lên nhìn thấy, chính vì vậy được trạm trổ tỉ mỉ và đẹp mắt.

Toàn bộ kiến trúc của đình tuy đồ sộ bề thế, nhưng các đầu đao uốn cong hình rồng đã tạo cho đình một nét mềm mại uyển chuyển. Mái lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, hệ thống vì kèo cột gỗ kiểu giá chiêng chồng rường. Các mảng trạm khắc ở đây được nghệ nhân trạm trổ công phu, tỉ mỉ, sắc nét và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Đề tài trang trí chủ yếu là hình rồng, phượng và hoa lá được thể hiện với các sắc thái khác nhau trên mỗi bức cuốn, con rường, đầu bẩy, đầu dư, câu đầu, cửa võng mang đậm phong cách thời Lê. Toàn bộ hệ thống cột gỗ được làm bằng chất liệu gỗ Mần Lái - một loại gỗ tốt nhất và chắc hơn cả gỗ lim, mọc từ núi đá trên đảo Ba Mùn (Vân Đồn).

Đình Quan Lạn thờ Không Lộ thiền sư – vị thần bảo trợ cho những người đi biển,, các vị Tiên Công có công khai lập ấp, lập nên xã Quan Lạn ngày nay và Trần Khánh Dư - người có công lớn trong trận chỉ huy trận đánh tan đoàn

quân lương của Trương Văn Hổ ở Vân Đồn, Cửa Lục góp phần quan trọng vào trận đại thắng Bạch Đằng năm 1288 nên đã được nhân dân tôn thờ làm Thành Hoàng của làng. Hiện nay, đình còn lưu giữ tượng Trần Khánh Dư, 18 sắc phong của triều Nguyễn phong cho Trần Khánh Dư, long ngai, khám thờ, cửa võng, hoành phi, câu đối.

+ Chùa Quan Lạn: Nằm ngay bên trái đình Quan Lạn có tên chữ là Vân Quang tự. Chùa có kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm 3 gian 2 chái tiền đường và 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài, phía trước chùa là tam quan gác chuông. Hệ thống vì kèo cột gỗ theo kiểu giá chiêng chồng rường, các con rường, con đầu đều được trạm trổ hình hoa dây, hoa lá vân xoắn và hoa cúc mãn khai.

Ngoài thờ Phật, chùa Quan Lạn còn thờ mẫu Liễu Hạnh, một tín ngưỡng bản địa và thờ cụ Hậu (người có công với dân làng).

Hiện nay, chùa còn lưu giữ đầy đủ tượng Phật có giá trị điêu khắc của thời Nguyễn, hoành phi, câu đối, sắc phong của vua Thành Thái (1889) phong cho mẫu Liễu Hạnh và nhiều đồ tự khác bằng đồng và gỗ có giá trị.

+ Miếu Đức Ông

Miếu Đức ông thuộc cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè nằm ở bên trái chùa làng – nhìn về hướng Đông Nam. Miếu Đức Ông gắn với một truyền thuyết về chiến công của ba anh em họ Phạm vốn là ba vị tướng của Trần Khánh Dư: Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng. Trong một trận quyết chiến với quân của Ô Mã Nhi, ở phòng tuyến Vân Đồn lịch sử, ba ông đã hy sinh, xác trôi dạt vào bờ. Xác anh cả trôi vào bến Đình, dân lập miếu thờ ở đó và gọi là miếu Đức Ông, xác anh hai trôi đến Sao Ỏn, dân lập miếu thờ gọi là miếu Sao Ỏn, xác em út trôi đến vị trí cầu cảng hiện nay, dân lập miếu thờ là miếu Đông Hồ.

Miếu thờ Đức Ông là một bộ phận gắn bó chặt chẽ với đình làng trong ngày lễ hội của cư dân địa phương. Ngày nay, các kỳ lễ tiết, sóc, vọng nhân dân địa phương vẫn làm lễ dâng hương đức Thánh.

+ Nghè Trần Khánh Dư (thường gọi là đền)

Tài danh, đức độ của Đức Thánh Trần Khánh Dư rất sâu đậm trong đời sống tinh thần của cư dân làng đảo. Ông là vị thần bảo trợ, là một phần hương hỏa tinh thần của cư dân nơi đây. Khi cộng đồng cư dân làng đảo Quan Lạn còn ở Cái Làng, họ cũng đã dựng nghè để thờ ông, dấu vết nay còn tìm thấy ở Vụng Nghè và khi phải dời cư đi nơi khác, cùng với việc chuyển đình, họ đã chuyển nghè đi theo.

Ngôi nghè cũ được dựng từ thời cư dân Cái Làng mới về lập cư ở Quan Lạn nay không còn nữa. Ngôi nghè mới có quy mô: 3 gian tiền tế ở phía trước; phía sau có nhô ra một gian hậu cung thờ. Nghè được xây dựng sơ giản: tường gạch, mái ngói, khung nhà bằng nhiều loại gỗ khác nhau: lim, de,...Các thành phần kiến trúc được bào trơn, đóng búa không có trang trí. Hiện nay, ngoại thất của ngôi nghè vẫn chưa được xây dựng lại.

Nghè và đình có quan hệ mật thiết với nhau trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân địa phương. Đám rước từ nghè về đình và hội đua thuyền Quan Lạn là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ nói trên.

Tiểu kết chƣơng 1

Triều Trần - một triều đại lớn trong lịch sử Việt Nam, tồn tại 175 năm từ 1225 đến năm 1400, từ đời vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) đến vị vua cuối cùng là Trần Thiếu Đế (1398 - 1400).

Trong thời gian trị vì nhà Trần đã để lại những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, mở mang lãnh thổ, đặc biệt là về quân sự với ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông xâm lược củng cố nền độc lập quốc gia Đại Việt lúc bấy giờ. Kinh đô Thăng Long và Thiên Trường Nam Định là hai trung tâm chính trị, còn Đông Triều - Quảng Ninh là một trung tâm văn hóa đặc sắc của nhà Trần. Nơi đây là đất thang mộc, đất phát tích dòng họ Trần, vì vậy hầu hết các vua Trần đều có lăng mộ tại đây. Cùng với đó trong lịch sử phát triển và lịch sử chống quân xâm lược, bảo vệ đất nước của triều Trần, Quảng Ninh còn ghi dấu những chiến công vẻ vang và lịch sử phát triển hào hùng của một triều đại của được lưu lại ở các di tích: cụm di tích núi Bài Thơ; khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; cụm di tích đình, chùa, miếu , nghè Quan Lạn; cụm di tích lịch sử Bạch Đằng; đền Cửa Ông.

Các điểm di tích triều Trần với các giá trị lịch sử văn hóa không chỉ có tác dụng tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và khôi phục những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cổ truyền nhằm đáp ứng một phần đời sống tinh thần, tâm linh của người dân mà còn trở thành nguồn tài nguyên du lịch văn hóa độc đáo.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm triều Trần tại Quảng Ninh phục vụ phát triển du lịch (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)