Sự đa dạng về kỳ hạn và lãi suất

Một phần của tài liệu Hoạt động huy động vốn tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trong điều kiện mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 72 - 77)

Bên cạnh việc đa dạng hoá các công cụ huy động vốn thì việc đa dạng hoá các kỳ hạn và lãi suất tương ứng cho mỗi kỳ hạn cũng là một cách huy động vốn hiệu quả của ngân hàng mà không tốn quá nhiều chi phí. Ngân hàng Ngoại thương huy động tiết kiệm theo tháng hoặc theo năm với các kỳ hạn co bản là 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng. Các kỳ hạn được chia như trên về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn của đông đảo khách hàng. Tuy vậy việc huy động vốn dài hạn của Ngân hàng Ngoại thương vẫn gặp khó khăn vì thu nhập của người dân còn hạn chế và họ có xu hướng muốn thu hồi nhanh các khoản vốn. Trên thực tế, ở thành thị nơi có mức thu nhập khá cao, người dân có thể gửi dài hạn ở ngân hàng nhưng họ thường chọn kỳ hạn ngắn vì đề phòng nhu cầu chi tiêu đột xuất hoặc các bất ổn về tiền tệ ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Vì vậy ngân hàng có thể nghiên cứu quy luật gửi và rút

tiền của khách hàng để chuyển hoán một phần tiền gửi tiết kiệm dưới một năm để cho vay trung và dài hạn mà vẫn đảm bảo được an toàn thanh khoản cho ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Hiện nay, Ngân hàng Ngoại thương đang áp dụng phương thức trả lãi vào cuối kỳ cho tất cả các kỳ hạn gửi tiết kiệm và hình thức trả lãi định kỳ 1 tháng một lần và 3 tháng một lần đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên (nếu khách hàng yêu cầu). Trong vòng ba năm trở lại đây, lãi suất của Ngân hàng Ngoại thương không cạnh tranh bằng lãi suất của các Ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn đặc biệt là lãi suất VND. Tuy nhiên, so với các Ngân hàng thương mại Nhà nước cùng mặt bằng kinh doanh thì mức lãi suất ở các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hầu như không có sự khác biệt. Lãi suất của Ngân hàng Ngoại thương thấp hơn các Ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng là điều dễ hiểu vì lãi suất của Ngân hàng Ngoại thương thường mang tính tham khảo, thậm chí là tính định hướng cho các ngân hàng khác nhất là lãi suất USD. Chẳng hạn những biến động về lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed luôn được Ngân hàng Ngoại thương cập nhật khi công bố bảng lãi suất riêng cho mình, cho nên khi Ngân hàng Ngoại thương thay đổi lãi suất thì đó cũng là những dự báo cho những thay đổi lãi suất sắp tới trên thị trường, và do vậy các ngân hàng trên địa bàn đều có xu hướng điều chỉnh cao hơn một chút.

Việc đa dạng hoá lãi suất không chỉ liên quan đến việc ấn định lãi suất huy động mà còn liên quan đến phương thức thanh toán lãi hợp lý giữa các công cụ huy động vốn khác nhau. Đối với tiền gửi tiết kiệm, khi đáo hạn nếu khách hàng không rút khoản tiền này sẽ được tự động nhập lãi vào gốc và tiếp tục được tính thêm một kỳ hạn nữa bằng kỳ hạn ban đầu. Từ năm 2004 trở về trước, nếu khách hàng gửi tiết kiệm được hai phần ba thời hạn cam kết ban đầu, khi có nhu cầu rút tiền trước hạn sẽ được hưởng 75% lãi suất tính trên số

ngày thực gửi. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2005, do Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích các ngân hàng thương mại cho khách hàng rút tiền trước thời hạn nên các khoản tiền rút trước hạn chỉ đựơc hưởng lãi không kỳ hạn. Ngoài lãi suất ấn định cho các sản phẩm tiết kiệm, vào các đợt huy động giấy tờ có giá như kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi do Ngân hàng Ngoại thương đều có mức lãi suất riêng hấp dẫn hơn. Các sản phẩm này giúp cho bức tranh lãi suất của ngân hàng có thêm nhiều màu sắc. Ngân hàng Ngoại thương thường linh hoạt áp dụng nhiều loại lãi suất như lãi suất bậc thang, lãi suất cố định, lãi suất thả nổi hoặc vừa cố định vừa thả nổi khi phát hành các công cụ nợ. Các công cụ huy động vốn dài hạn có lãi suất thả nổi thường làm người mua có cảm giác yên tâm nhất là trong điều kiện lãi suất thị trường đang ở mức thấp và có xu hướng gia tăng vì cứ sau một năm Ngân hàng Ngoại thương lại điều chỉnh mức lãi suất này đảm bảo cao hơn lãi suất tiết kiệm 12 tháng cùng thời điểm. Thậm chí khi lãi suất thị trường thấp đi thì sự đầu tư vào trái phiếu có lãi suất thả nổi vẫn là một sự đầu tư có lợi. Tất nhiên bên cạnh những sự ưu đãi về lãi suất, các công cụ nợ này có những ràng buộc nhất định đối với khách hàng, chẳng hạn các ràng buộc về thời gian hay các sự giảm linh hoạt về kỳ hạn và lãi suất sau khi đáo hạn. Nói chung, các loại giấy tờ có giá trên đều có thời hạn tương đối dài và thường chỉ đựơc thanh toán sau một thời gian nhất định. Cho đến nay, đối với trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi Ngân hàng Ngoại thương trả lãi hàng năm và lãi đến kỳ không được nhập vào gốc; đối với kỳ phiếu lãi được trả vào cuối kỳ huy động. Tất cả các loại giấy tờ có giá trên, khi đến hạn lãi sẽ được nhập vào gốc và khách hàng được hưởng lãi suất không kỳ hạn cho đến khi rút tiền, ngân hàng sẽ không tự động tăng thêm một kỳ hạn tương đương như tiền gửi tiết kiệm.

Đối với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, sự linh hoạt về lãi suất của Ngân hàng Ngoại thương ít hơn. Lãi suất tiết kiệm dành cho cá nhân cao hơn hẳn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dành cho tổ chức đặc biệt là ngoại tệ.

Trên thực tế, tại Ngân hàng Ngoại thương các kỳ hạn dưới một năm như 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng đã có những khoảng cách về lãi suất tương đối rõ ràng, cho phép khách hàng có thể so sánh và quyết định kỳ hạn gửi của mình một cách nhanh chóng, tuy nhiên các kỳ hạn dài hơn như 24 tháng, 36 tháng hay 60 tháng thường xấp xỉ nhau cho nên chỉ thu hút được những món tiền nhỏ của khách hàng. Rủi ro của việc gửi tiền dài hạn là nguy cơ bị mất lãi nếu khách hàng rút trước hạn. Nói chung khi lãi suất thị trường ở mức thấp thì những người có tiền nhàn rỗi thường không muốn gửi dài hạn vì họ vẫn hy vọng lãi suất kỳ tới sẽ cao hơn, do đó họ sẽ gửi kỳ hạn một năm hoặc ngắn hơn để đợi đến bao giờ lãi suất tăng thì sẽ có quyết định gửi tiền tiếp tục hay không. Ngược lại khi lãi suất thị trường đang ở mức cao thì người dân sẽ cố gắng để tiền ở ngân hàng với kỳ hạn dài với mong muốn được hưởng lãi suất hấp dẫn trong khoảng thời gian tối đa. Do đó trong thời kỳ lãi suất thị trường thấp và ngân hàng gặp khó khăn về vốn thì ngân hàng có thể huy động lãi suất theo kỳ hạn nhỏ theo tháng hoặc theo tuần đồng thời tăng lãi suất huy động dài hạn. Ngược lại trong thời kỳ lãi suất thị trường tăng cao ngân hàng có thể thu hẹp khoảng cách về lãi ở các kỳ hạn dài hơn một năm mà vẫn đảm bảo được mục tiêu về vốn.

Bảng 2.8: Lãi suất tiết kiệm USD tại Sở Giao dịch giai đoạn 2002-2007 (Đơn vị: %/năm) Chỉ tiêu 3 tháng 6 tháng 12 tháng 24 tháng 36 tháng 60 tháng Năm 2002 1.55 1.68 2.22 2.68 2.96 3.44 Năm 2003 1.3 1.48 2.05 2.5 2.8 3.3 Năm 2004 1.25 1.42 1.98 2.5 2.8 3.3 Năm 2005 2.59 2.88 3.42 3.8 4 4.46 Năm 2006 4.20 4.40 4.85 4.90 5.00 5.10 Năm 2007 4.50 4.55 4.65 4.70 4.70 4.80

(Nguồn : Phòng Tiết kiệm – SGD NHNT VN)

Bảng 2.9: Lãi suất tiết kiệm VNĐ tại SGD giai đoạn 2002-2007

(Đơn vị: %/tháng) Chỉ tiêu 3 tháng 6 tháng 12 tháng 24 tháng 36 tháng 60 tháng Năm 2002 0.54 0.59 0.63 0.66 0.68 0.7 Năm 2003 0.57 0.62 0.64 0.67 0.69 0.69 Năm 2004 0.54 0.57 0.61 0.65 0.67 0.7 Năm 2005 0.59 0.62 0.67 0.7 0.72 0.74 Năm 2006 0.62 0.65 0.70 0.75 0.76 0.78 Năm 2007 0.60 0.63 0.69 0.70 0.71 0.74

(Nguồn: Phòng Tiết kiệm – SGD NHNT VN)

Bảng số liệu trên cho thấy đối với USD, thời kỳ 2002 - 2004 là thời kỳ lãi suất thị trường ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong giai đoạn

này mặc dù lãi suất huy động 12 tháng tại Sở Giao dịch chỉ ở mức 2% nhưng lãi suất kỳ hạn 36 tháng và 60 tháng đều ở mức xấp xỉ 3% hoặc hơn tức là đã tạo ra một khoảng cách về lãi nhất định giữa các kỳ hạn dài. Tuy nhiên, trên thực tế khoảng cách về lãi đó vẫn chưa thực sự thu hút người gửi tiền. Ta có thể lấy một ví dụ đơn giản như sau: nếu vào năm 2003 một khách hàng gửi 1.000.000 USD kỳ hạn 3 năm thì đến năm 2006 họ được nhận một khoản lãi là 84.000 USD. Giả sử cũng món tiền đó khách hàng đó gửi kỳ hạn 2 năm và sau khi đáo hạn họ gửi lại 1 năm thì lãi suất mà họ nhận được sau 36 tháng là (1.000.000 *2.5*2/100 + 1.000.000)*3.42=89.910. Như vậy mức chênh lệch của lãi suất được hưởng giữa hai lựa chọn gửi tiền là 5910 USD/3 năm, bình quân 1 năm là 1970 USD, tương ứng khoảng 0.2%, một sự hấp dẫn có lẽ là chưa thực sự đáng kể nếu đem so với một số cơ hội đầu tư khác mà khách hàng đã phải bỏ qua trong một năm khi gửi 1.000.000 USD tại ngân hàng. Theo tâm lý đa số khách vẫn sẽ gửi một năm để giữ chắc phần lãi suất kỳ hạn một năm và đưa ra quyết định gửi tiền tiếp tục khi sắp đến hạn sổ, thay vì việc quyết định gửi ngay kỳ hạn 2 năm, vì rủi ro mất lãi ở năm thứ 2 là khá cao (vì nếu họ cần tiền vào giữa năm thứ 2 thì toàn bộ lãi kỳ hạn sẽ chuyển thành lãi không kỳ hạn). Như vậy việc giải đáp bài toán lãi suất với những tham số liên quan đến kỳ hạn là hết sức khó khăn nhất là trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn như hiện nay cùng với sự thăng trầm rất khó lường của lãi suất ngoại tệ.

Một phần của tài liệu Hoạt động huy động vốn tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trong điều kiện mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 72 - 77)