Hoạt động của Ngân hàng thương mại cũng như mọi hoạt động kinh tế khác đều bao hàm hai mặt chất lượng và số lượng. Mặt số lượng được biểu hiện bằng doanh số, khối lượng và nhiều chỉ tiêu định lượng khác. Còn mặt “chất lượng” mặc dù chúng ta được biết đến và đề cập rất nhiều nhưng để có một định nghĩa chính xác về khái niệm quen thuộc này không phải là dễ.
Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hoá ISO định nghĩa: “Chất lượng là tổng thể các đặc điểm và đặc tính của một sản phẩm hoặc dịch vụ có ảnh hưởng đến khả năng của nó thoả mãn được những nhu cầu được nêu ra”. Một số học giả kinh tế định nghĩa ngắn gọn hơn: “Chất lượng là tính phù hợp với yêu cầu” hay: “Chất lượng là phù hợp với mục đích và sự sử dụng”.
Trong sản xuất vật chất, người sản xuất coi chất lượng là việc đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu mà khách hàng đặt ra để có được sự chấp nhận của khách hàng. Trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, chất lượng có thể xem là khả năng dựa vào đặc điểm của một dịch vụ để thoả mãn về nhu cầu và lợi ích của những đối tượng liên quan đến dịch vụ đó. Các đặc điểm của một dịch vụ có thể hình thành từ các yếu tố cấu thành dịch vụ, hoặc do yêu cầu đặt ra đối với dịch vụ đó; hoặc do kết quả mà dịch vụ đó mang lại. Các đối tượng liên quan đến dịch vụ có thể là con người, tổ chức, hoặc dịch vụ khác và các đối tượng khác…
Ngân hàng là một doanh nghiệp dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ mà nghiệp vụ chủ yếu của nó là huy động, cho vay và thanh toán. Các đối tượng liên quan đến hoạt động của ngân hàng bao gồm: con người (khách hàng, nhân viên ngân hàng, các nhà quản lý), tổ chức (bản thân ngân hàng, đối tác, đối thủ cạnh tranh, các cơ quan quản lý...), dịch vụ (bao gồm các nghiệp vụ huy động, cho vay, đầu tư, thanh toán, kinh doanh ngoại tệ…), đối tượng khác (các loại tiền tệ, cơ sở vật chất, quy trình thủ tục…). Trong các đối tượng trên, những yếu tố để tạo nên sự khác biệt giữa ngân hàng và các tổ chức kinh doanh khác chính là các dịch vụ của chúng. Huy động vốn là một dịch vụ điển hình và truyền thống của ngân hàng và có ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác mà trực tiếp nhất là hoạt động sử dụng vốn. Vì các nghiệp vụ của ngân hàng đều có mối liên hệ mật thiết với nhau nên nếu coi chất lượng là “sự phù hợp với mục đích và sự sử dụng” ta có thể hiểu
“Chất lượng huy động vốn là sự phù hợp giữa khả năng huy động vốn và nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng”.
Như vậy khi xem xét chất lượng huy động vốn, chúng ta không chỉ quan tâm đến chất lượng của từng nguồn vốn cụ thể hay khả năng quản lý nguồn vốn đó mà còn phải xem xét nguồn vốn huy động trong mối quan hệ
tương hỗ với các nguồn vốn khác cũng như nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng.
1.2.2. Các chỉ tiêu biểu hiện chất lượng huy động vốn của ngân hàng thương mại
Từ khái niệm đã nêu trên, có thể thấy rằng để đánh giá chất lượng của một hoạt động, ta phải xem xét đến mọi đặc tính của hoạt động đó trong mối quan hệ với các nhu cầu cụ thể. Hoạt động huy động vốn là nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn nên để có thể đánh giá được chất lượng huy động vốn của một ngân hàng có một số chỉ tiêu định tính và định lượng mang tính tham khảo như sau.