Đặc điểm môi trường kinh doanh của Tổng Công ty

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng Công ty Cơ Điện Xây Dựng Nông Nghiệp Và Thủy Lợi.docx (Trang 52 - 56)

II. Tình hình tài chính

2.1.2.2. Đặc điểm môi trường kinh doanh của Tổng Công ty

Tổng Công ty Cơ Điện Xây Dựng Nông Nghiệp Và Thuỷ Lợi hoạt động trong hai lĩnh vực chính là cơ khí và xây lắp nên chịu ảnh hưởng của hai môi trường ngành cơ khí và xây dựng.

Trong giai đoạn trước đổi mới, toàn ngành cơ khí lâm vào khủng hoảng, mất phương hướng, sản xuất giảm sút do các doanh nghiệp cơ khí đã thiếu nhạy bén, không kịp thời điều chỉnh hướng sản xuất cho phù hợp biến động của thị trường. Tuy nhiên với vai trò là ngành công nghiệp then chốt đảm bảo tư liệu sản xuất cho mỗi nền kinh tế, trước đòi hỏi cấp thiết của quá trình phát triển chung các doanh nghiệp cơ khí đã dần tìm được lối ra cho mình tuy nhanh chậm và hiệu quả có khác nhau. Nhiều đơn vị đã đổi mới, tự tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực công nghệ, thiết bị, từng bước nâng cao trình độ thiết kế, quản lý, điều hành. Các doanh nghiệp cơ khí đã vươn lên, từ chỗ chỉ thụ động sản xuất một số sản phẩm truyền thống hoặc làm gia công cho đơn vị khác nay đã có thể vừa thiết kế vừa chế tạo vừa gia công, xây lắp tiến tới làm tổng thầu EPC cho các dự án lớn như nhiệt điện, thuỷ điện, xi măng, dầu khí..., đóng tầu biển tiến tới chuẩn bị lực lượng cho hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Sản phẩm chủ yếu là các hàng cơ khí dạng kết cấu- gia công

kim loại, các thiết bị phi tiêu chuẩn cho các công trình, kết cấu thép cho xây dựng, máy biến thế, khung vỏ xe khách, phương tiện nâng trục, nồi hơi bồn chứa cỡ lớn… Từ đó dần hình thành thị trường cho các sản phẩm cơ khí, trong đó Tổng Công ty Cơ Điện Xây Dựng Nông Nghiệp Và Thuỷ Lợi đang là một nhà sản xuất có nhiều tiềm năng.

Thị trường xây dựng mà Tổng Công ty tham gia có những đặc thù khác biệt so với các thị trường thông thường khác. Việc mua bán sản phẩm hàng hóa trên thị trường xây dựng diễn ra trước khi hàng hóa đó được tạo ra trên thực tế mà mới chỉ tồn tại trên các bản vẽ thiết kế và luận chứng kinh tế - kỹ thuật về công trình. Sự mua bán thường được thực hiện trên hợp đồng, người mua chấp nhận trả tiền toàn bộ trước khi hoàn thành công trình hoặc trả tiền theo nhiều lần tương ứng tiến độ thi công công trình. Do đặc điểm giá trị sản phẩm xây dựng rất lớn và sự khác biệt về yêu cầu kỹ thuật và kỹ năng thi công của từng công trình nên việc thực hiện một sản phẩm xây dựng có thể có nhiều đơn vị độc lập cùng thi công theo từng hạng mục công trình. Đây là loại thị trường mà người mua (là các chủ đầu tư) rất ít, người bán (là các doanh nghiệp xây dựng) có nhiều hơn nên việc cạnh tranh càng trở nên gay gắt. Nếu người mua là Nhà Nước còn có thể chủ động áp đặt giá mua và doanh nghiệp nào muốn thắng thầu thì buộc phải chấp nhận, không thể đàm phán hoặc mặc cả.

Trong ngành xây dựng nói chung và xây dựng các công trình thủy lợi – thủy điện nói riêng, thời gian gần đây, Nhà nước không giao thầu theo kế hoạch cho các bộ và địa phương nữa. Chủ trương của Nhà nước là tất cả các công trình (trừ công trình bí mật quốc gia và an ninh quốc phòng) có đủ điều kiện đều có thể và cần được đưa ra đấu thầu. Một số công trình trọng điểm Nhà nước thực hiện giao thầu theo cơ chế 797 nhưng các đơn vị phải lập hồ sơ pháp lý chứng tỏ năng lực thực sự mới có thể hy vọng được giao thầu.

Muốn thắng thầu hoặc được giao thầu theo cơ chế 797 doanh nghiệp phải đầu tư thích đáng, chuẩn bị kỹ lưỡng các nguồn lực, các luận chứng kinh tế kỹ thuật, các điều kiện tối thiểu và tối đa có thể có được, kể cả quan hệ ngoại giao và tài chính.

Nếu trúng thầu thì khả năng thu lợi nhuận mới có thể trở thành hiện thực, nếu không thì toàn bộ chi phí bỏ ra cho khâu tranh thầu có thể không thu hồi được.

Mặt khác, để tạo uy tín và vị thế trên thị trường, đẩy nhanh tiến độ thi công và nhanh chóng hoàn thành công trình, nhiều trường hợp doanh nghiệp xây dựng phải ứng trước vốn cho chủ đầu tư (bên A) nhưng khi đã hoàn thành thậm chí đưa vào sử dụng chủ đầu tư vẫn chưa trả hết vốn ứng trước cho các doanh nghiệp xây dựng. Hiện tượng này khá phổ biến khi xây dựng các công trình do Nhà Nước đầu tư.

Các đối thủ cạnh tranh là nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng trực tiếp nhất đến khả năng trúng thầu của Tổng Công ty. Để trúng thầu, Tổng Công ty phải đảm bảo năng lực vượt trội để chiến thắng tất cả các đối thủ cạnh tranh hiện tại và đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn. Hiện nay các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài có trình độ phát triển cao và phần yếu thế thường nghiêng về doanh nghiệp trong nước làm giảm cơ hội trúng thầu và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước. Như trường hợp đối với gói thầu cửa dẫn dòng thuỷ điện Sơn La, nếu Tổng Công ty không mạnh dạn xin nhận thầu và được Chính Phủ chỉ định thầu thì Tổng Công ty không thể cạnh tranh được với các nhà thầu nước ngoài.

Với hai hoạt động chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí thuỷ công và xây lắp tại các công trình thuỷ lợi và thuỷ điện, Tổng Công ty Cơ Điện Xây Dựng Nông Nghiệp và Thuỷ Lợi có những đối thủ cạnh tranh rất mạnh như Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng Công ty máy và Thiết bị Công nghiệp (MIE), Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM), Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (COMA), và một số công ty địa phương khác. Theo định hướng mới của Chính Phủ, ngành xây dựng Việt Nam sẽ thiết lập tập đoàn xây dựng trong thời gian tới nhằm tập trung nguồn lực tạo năng lực cạnh tranh cho ngành xây dựng. Như vậy Tổng Công ty sẽ phải cạnh tranh với một đối thủ rất mạnh. Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm và uy tín, song do đây là một thị trường đặc thù, muốn khác biệt hoá sản phẩm để đảm bảo năng lực cạnh tranh đòi hỏi Tổng công ty cần đầu tư nghiên cứu và nỗ lực rất nhiều.

Khách hàng của Tổng Công ty là các chủ đầu tư, hàng hoá được mua bán là các sản phẩm xây dựng hoặc sản phẩm cơ khí xây dựng có giá trị rất lớn, việc mua bán diễn ra trong quá trình đấu thầu (trước khi tiến hành sản xuất sản phẩm). Để cạnh

tranh thắng lợi Tổng Công ty không chỉ cần làm tốt công tác chuẩn bị trước khi đấu thầu mà còn phải nâng cao năng lực sản xuất, thiết kế sản phẩm, tạo dựng uy tín, thương hiệu bằng những sản phẩm và công trình.

Lĩnh vực sản xuất của Tổng Công ty phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các ngành như luyện kim, cơ khí chế tạo máy, vật liệu xây dựng. Do cơ cấu công nghiệp của Việt Nam chưa được hoàn thiện, các ngành này phát triển chậm nên Tổng Công ty vẫn phải nhập nguyên vật liệu dẫn tới làm tăng chi phí đầu vào, phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp. Đối với thị trường xây dựng, danh tiếng, sự đảm bảo của nhà cung cấp có ảnh hưởng rất lớn đến chủ đầu tư do có sự liên quan trực tiếp đến chất lượng công trình.

Trong những năm đầu chuyển sang cơ chế thị trường ngành cơ khí đã gặp nhiều khó khăn do bị thả nổi, tự lo về mọi mặt. Để giúp ngành cơ khí vượt qua giai đoạn đó, Đảng và Nhà Nước đã có những chủ trương chính sách tạo điều kiện cho ngành cơ khí phát triển vì trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước không thể thiếu vai trò của cơ khí. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, quyết định 186/2002/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí với tám nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm. Chính Phủ đã tạo điều kiện cho các dự án sản phẩm theo “chương trình cơ khí trọng điểm” được vay vốn ưu đãi nhưng sự chồng chéo của các chính sách đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ: theo nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31/7/2000 thì doanh nghiệp thực hiện “chương trình cơ khí trọng điểm” được vay vốn tín dụng lãi suất 3%/năm thời hạn 12 năm thông qua quỹ hỗ trợ phát triển và có 50 dự án trong danh mục được hưởng ưu đãi này. Nhưng Nghị định NĐ 106/2004/CP ngày 01/4/2004 đã thu hẹp chỉ còn 24 dự án được vay vốn và đòi hỏi 30% vốn đối ứng trong khi tổng mức đầu tư cho các dự án đòi hỏi số tiền rất lớn, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện này nên đã không được vay vốn.

Chính Phủ chưa có các chính sách đồng bộ phát triển ngành cơ khí – luyện kim và hỗ trợ cho hàng cơ khí trong nước, một số doanh nghiệp cơ khí sản xuất máy công cụ phải cạnh tranh sòng phẳng với máy công cụ nhập khẩu chịu thuế nhập khẩu không đáng kể.

Điều đó cho thấy mặc dù Đảng và Nhà Nước đã đề ra các chủ trương đúng đắn để phát triển ngành cơ khí nhưng lại chưa có các chính sách đảm bảo cho việc thực hiện như các chính sách về vốn, về nhân lực, về chi phí đầu vào, về cơ chế hành chính…Việc tìm ra các giải pháp tổng thể để tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh là một đòi hỏi bức thiết hiện nay.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng Công ty Cơ Điện Xây Dựng Nông Nghiệp Và Thủy Lợi.docx (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(122 trang)
w