Đầu tư đổi mới và hiện đại hoá máy móc thiết bị.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng Công ty Cơ Điện Xây Dựng Nông Nghiệp Và Thủy Lợi.docx (Trang 85 - 89)

II. Tình hình tài chính

CHƯƠNG 3: NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAONĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA

3.2.1. Đầu tư đổi mới và hiện đại hoá máy móc thiết bị.

Giai đoạn hiện nay, Tổng Công ty nên lập kế hoạch chiến lược cho đổi mới máy móc thiết bị và công nghệ đến năm 2015 vì kế hoạch đầu tư cho máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh phải luôn bám sát mục tiêu chiến lược của sản xuất kinh doanh. Đến năm 2015, mục tiêu chiến lược của Tổng Công ty là phải có hệ

thống máy móc thiết bị đồng bộ, hiện đại, thế hệ máy móc thiết bị phải là các thế hệ mới:

- Tự động hóa hoàn toàn dây chuyền sản xuất xi lanh thủy lực.

- Hệ thống nhà xưởng hiện đại phục vụ sản xuất các sản phẩm cơ khí thủy công và xi lanh thủy lực.

- Trang bị đầy đủ máy móc thiết bị thi công xây lắp và hoàn thiện hệ thống thí nghiệm kiểm định chất lượng. (Trừ một số thiết bị hiện đại chỉ sử dụng một vài lần Tổng Công ty có thể đi thuê).

Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, Tổng Công ty nên đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất sản phẩm chủ lực là xi lanh thủy lực. Việc sản xuất sản phẩm này nên giao cho một hoặc hai đơn vị mạnh có nhiều kinh nghiệm trong chế tạo cơ khí, coi đây là sản phẩm chính, nhiệm vụ chính của đơn vị đó để nâng cao trình độ chuyên môn hóa. Đơn vị đó chịu trách nhiệm cung ứng sản phẩm xi lanh thủy lực cho các công trình mà Tổng Công ty thi công và cung cấp cho các đối tác bên ngoài. Nếu chỉ để Trung tâm Công nghệ cao sản xuất thì dù có thể đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật và trình độ công nghệ nhưng không đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất và đảm bảo năng lực cạnh tranh lâu dài. Trung tâm công nghệ cao nên đi sâu nghiên cứu về trang thiết bị và công nghệ, các phương án đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm, hỗ trợ các đơn vị thành viên về lựa chọn phương án đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên chức năng của Trung tâm này không nên chỉ dừng ở mức độ tư vấn mà cần phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên để đảm bảo hiệu quả thiết thực của việc đổi mới hiện đại hóa máy móc thiết bị và công nghệ và sự phối hợp giữa các đơn vị thành viên, tránh tình trạng chênh lệch quá lớn về trình độ công nghệ giữa các đơn vị thành viên.

Muốn vậy, Trung tâm công nghệ cao phải có nhiều chuyên gia giỏi về máy móc thiết bị và công nghệ, hiểu đặc điểm các sản phẩm của Tổng Công ty.

Khi đầu tư cần đi sâu nghiên cứu về các quy trình, công nghệ sản xuất, tình hình sản xuất sản phẩm này hiện nay trong nước và trên thế giới, cần chú ý các dự báo về sự phát triển khoa học công nghệ và kỹ thuật trong nước và thế giới, tránh tình trạng lúc hoàn thành quá trình đầu tư cũng là lúc kết thúc chu kỳ công nghệ đó, như

vậy Tổng Công ty sẽ luôn luôn phải đuổi theo sự phát triển của khoa học – kỹ thuật mà không bao giờ bắt kịp được.

Toàn bộ quá trình đầu tư đòi hỏi nguồn vốn rất lớn vì vậy cần kết hợp hoạt động đầu tư với thực hiện đầy đủ yêu cầu sản xuất trong mỗi giai đoạn để đảm bảo tốc độ tăng trưởng cần thiết hàng năm. Mặt khác, để tăng dần năng lực cạnh tranh trong từng giai đoạn, củng cố và mở rộng thị phần, cần chú ý nghiên cứu hoàn thiện và cải tiến sản phẩm, mở rộng giá trị sử dụng cho sản phẩm xi lanh thủy lực (tìm ra những ứng dụng mới của sản phẩm). Bởi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi doanh nghiệp không chỉ cần chiếm lĩnh và mở rộng thị phần trong các thị trường sẵn có mà còn cần khai phá, tạo ra các thị trường mới, trở thành người đi đầu trong các thị trường đó mới đảm bảo lợi thế cạnh tranh và hiệu quả ứng dụng lâu dài của dây chuyền sản xuất xi lanh thủy lực. Nhiệm vụ này nên giao cho phòng Kỹ thuật chịu trách nhiệm nghiên cứu trên cơ sở các thông tin về hiện trạng và dự báo thị trường do bộ phận marketting, bộ phận kinh doanh hoặc các đơn vị thành viên cung cấp.

Về cơ sở hạ tầng, Tổng Công ty cần xây dựng quy hoạch tổng thể mặt bằng. Việc quy hoạch này phụ thuộc địa điểm hoạt động, quỹ đất hiện có và khả năng mở rộng mặt bằng của các đơn vị thành viên. Tổng Công ty chỉ nên quy hoạch tổng thể dựa trên các định hướng chiến lược về đầu tư sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh, các đơn vị thành viên sẽ căn cứ điều kiện cụ thể và phần nhiệm vụ họ phải đảm nhận trong toàn bộ hoạt động đầu tư để tiến hành xây dựng nhà xưởng phục vụ yêu cầu sản xuất trước mắt và lâu dài.

Về trang thiết bị cho thi công xây lắp, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, quá trình phát triển của ngành xây dựng ít có những thay đổi lớn mà sự phát triển thường thể hiện dưới hình thức cải tiến dần và liên tục về kỹ thuật cũng như vật liệu xây dựng. Xu hướng phát triển của ngành xây dựng trên thế giới là kết hợp phương tiện kỹ thuật hoàn chỉnh và trình độ công nghiệp hóa rất cao để phát huy những ứng dụng mới như vật liệu và các kết cấu dự ứng lực, lắp ghép đồng bộ và toàn bộ đã hoàn thiện, kết cấu vỏ cực mỏng và thành cực mỏng (kể cả thân đập lớn), kết cấu nhẹ , khẩu độ lớn và rất lớn, thăm dò và xử lý hiện trường trong những điều kiện rất phức tạp, quy mô lớn, tăng hiệu quả thi công bằng những giải pháp liên hoàn.

Trong ngành vật liệu xây dựng và máy xây dựng có xu hướng tăng sử dụng vật liệu đia phương có gia công bằng công nghệ hiện đại, chế tạo vật liệu có cường độ cao, nhiều tính năng, chế tạo các tổ hợp máy xây dựng với các thiết bị vạn năng, tăng độ tin cậy của thiết bị để tăng năng suất. Kỹ thuật tự động hóa và điện tử đang được áp dụng vào các khâu từ khảo sát thiết kế đến thi công. Vì vậy, khi đầu tư trang thiết bị cho thi công xây lắp Tổng Công ty cần chú ý đến các xu hướng này. Tổng Công ty cần lựa chọn đầu tư vào những trang thiết bị sử dụng thường xuyên một cách đồng bộ và hiện đại. Một số trang thiết bị hiện đại thường rất đắt lại chỉ dùng một vài lần nên lựa chọn phương án đi thuê. Có hai cách thuê là thuê hoạt động và thuê tài chính. Hình thức thuê tài chính mới có ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Thực chất đây là một phương pháp huy động vốn trung và dài hạn để đầu tư cho trang thiết bị hiện đại. Cách thuê này khá thuận lợi cho doanh nghiệp vì không phải đầu tư ngay một lúc một số vốn rất lớn mà vẫn được sử dụng trang thiết bị, thường không yêu cầu thế chấp. Kết thúc thời hạn thuê có thể được mua lại với giá rẻ, được tiếp tục thuê hoặc được chuyển giao ngay quyền sở hữu trang thiết bị.

Một phương án nữa là Tổng Công ty có thể tham gia liên doanh liên kết trong thi công, sẽ tranh thủ tiếp cận với các phương pháp và trang thiết bị thi công hiện đại để học hỏi. Rất nhiều doanh nghiệp xây dựng của Việt Nam sau một, hai lần liên doanh liên kết với nước ngoài đã nhanh chóng tiếp thu làm chủ được những kỹ thuật xây dựng hiện đại và trở thành những đơn vị dẫn đầu về công nghệ thi công đó ở Việt Nam.

Trong quá trình đầu tư hiện đại hóa máy móc thiết bị và công nghệ cần chú ý một số vấn đề sau:

- Tập trung đầu tư vào một số đơn vị trụ cột trong mỗi lĩnh vực, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu tính toán, gây lãng phí và kém hiệu quả, không tận dụng hết năng lực trang thiết bị.

- Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, khi đầu tư đổi mới, hiện đại hóa máy móc thiết bị và công nghệ, đa số thực hiện theo phương thức chuyển giao ngang. Phương thức này đỡ tốn kém hơn chuyển giao dọc và khả năng ứng dụng thành công cũng cao hơn nhưng phải tránh tình trạng đổi mới một cách thụ động, chỉ tiếp nhận

những gì có sẵn mà không phát triển (đổi mới mang tính tiêu cực). Tổng Công ty cần tiếp nhận công nghệ một cách chủ động, phải có cải tiến, đổi mới và phát triển (đổi mới tích cực), cần coi máy móc thiết bị và công nghệ là một loại hàng hóa đặc biệt có những tiềm năng to lớn có thể khai thác trong quá trình sử dụng. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có nhân lực để tiếp nhận, lắp đặt, vận hành, còn nhân lực khai thác triệt để, có khả năng nâng cao hiệu quả của công nghệ là rất ít vì vậy Tổng Công ty cần kết hợp với bộ phận lao động tiền lương để chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ cao để sử dụng công nghệ một cách tốt nhất, có thể nắm bắt các bí quyết, các kỹ năng trong sử dụng máy móc thiết bị và công nghệ để tận dụng hết năng lực thiết bị, đảm bảo hiệu quả cao nhất của hoạt động đầu tư.

Những đơn vị không được tập trung đầu tư cũng cần chú ý đầu tư dần từng phần để tăng năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh. Quy mô đầu tư vừa phải nhưng phải luôn phù hợp với mục tiêu chiến lược chung của cả Tổng Công ty.

Nếu thực hiện thành công các giải pháp về đổi mới công nghệ và hiện đại hóa máy móc thiết bị thì không những tăng được năng lực cạnh tranh lâu dài cho Tổng Công ty mà còn có ý nghĩa quyết dịnh đối với sự tăng trưởng vì trang thiết bị và công nghệ được coi là yếu tố quan trọng có thể tạo ra những bước nhảy vọt trong nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng Công ty Cơ Điện Xây Dựng Nông Nghiệp Và Thủy Lợi.docx (Trang 85 - 89)