Các yếu tố bảo đảm hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý (Trang 35 - 40)

Hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: hệ thống thể chế, hệ thống tổ chức, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, cơ sở vật chất, nguồn kinh phí dành cho hoạt động trợ giúp pháp lý, nhận thức của các cơ quan, ban ngành, sự phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý, hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý.

1.2.2.1. Về thể chế

Thể chế là yếu tố đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý. Nếu thống pháp luật về trợ giúp pháp lý hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, điều chỉnh toàn diện các vấn đề phát sinh về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; Các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn, dễ hiểu, dễ vận dụng, công khai, minh bạch sẽ tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý và ngược lại. Cụ thể, các văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, xây dựng, phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, thúc đẩy việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý, từng bước nâng cao chất lượng vụ việc, tăng cường công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với nước ngoài về trợ giúp pháp lý; có định hướng phát triển bền vững cho công tác trợ giúp pháp lý về lâu dài.

1.2.2.2. Tổ chức, bộ máy để thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý và đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý

Theo quan điểm hệ thống, hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý phụ thuộc vào hiệu quả tổ chức và hoạt động của từng tổ chức trợ giúp pháp lý

hợp thành hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý. Một tổ chức trợ giúp pháp lý hoạt động không có chất lượng, hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của toàn bộ hệ thống trợ giúp pháp lý và sẽ không mang lại lợi ích mong muốn.

Tổ chức, bộ máy của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý là yếu tố quan trọng để bảo đảm hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý. Bởi hoạt động trợ giúp pháp lý do chính tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện. Vì vậy, để hoạt động trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả thì cần có mạng lưới các tổ chức trợ giúp pháp lý ở tất cả các cấp từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận. Đồng thời, tổ chức phải thực sự vững mạnh có đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý đủ năng lực, trình độ thực hiện trợ giúp pháp lý.

Yếu tố con người luôn giữ vai trò then chốt trong mỗi hoạt động. Để hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng, hiệu quả thì trước hết cần có đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý đủ về số lượng đồng thời có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phải nắm vững các quy định của pháp luật đồng thời được trang bị các kỹ năng trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, lòng nhiệt tình, tận tâm với nghề nghiệp của những người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng đóng vai trò quan trọng. Khi nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ngày càng tăng trong khi đó đội ngũ người thực hiện quá ít cũng dẫn đến không đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Hoặc người thực hiện không có đủ năng lực, trình độ, không hiểu biết đầy đủ về các quy định của pháp luật sẽ dẫn đến nội dung trợ giúp pháp lý không chính xác sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù như người khuyết tật, người già cô đơn, người dân tộc thiểu số, trẻ em… và đặc biệt là tham gia tố tụng (đại diện, bào chữa) trước phiên toà mà người thực hiện trợ giúp pháp lý không có những kỹ năng cần thiết cũng sẽ dẫn đến hiệu quả của việc thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ không cao. Có thể nói, năng lực, trách nhiệm, kỹ năng và kinh nghiệm nghề

nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý có vị trí tiên quyết để vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện có chất lượng. Không thể có chất lượng nếu người thực hiện là người yếu kém về năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm, không có trình độ pháp luật, hoặc thiếu đạo đức nghề nghiệp và nhận thức xã hội.

Hơn nữa, nếu đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý của mỗi Trung tâm thường xuyên biến động, thường xuyên bị luân chuyển sẽ dẫn tới tâm lý không yên tâm công tác, cũng như không được chuyên sâu lĩnh vực pháp luật nhất định cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý.

Vì vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý chỉ có hiệu quả khi có mạng lưới tổ chức trợ giúp pháp lý rộng khắp từ Trung ương đến địa phương, huy động được các tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia trợ giúp pháp lý, có đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý có chất lượng.

1.2.2.3. Cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý

Khi đã có tổ chức, bộ máy, có con người nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị làm việc nghèo nàn, kinh phí hạn chế không bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý thì cũng sẽ dẫn đến hoạt động trợ giúp pháp lý không đạt hiệu quả. Với tính chất là hoạt động không có thu, miễn phí hoàn toàn nếu không được Nhà nước và xã hội đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động tương xứng với nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân thì khó mà đáp ứng được yêu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân và không thể đạt được mục tiêu mà trợ giúp pháp lý đặt ra. Nếu không có đủ cơ sở vật chất và kinh phí thì sẽ rất khó khăn trong việc triển khai các hoạt động như: cung cấp dịch vụ pháp lý, việc tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các thôn, bản, các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý; chi trả thù lao cho các cộng tác viên trợ giúp pháp lý; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao trình độ cho độ ngũ Trợ giúp viên

pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý; thuê luật sư giỏi để giải quyết các vụ việc phức tạp… Suy cho cùng là hoạt động trợ giúp pháp lý không có hiệu quả. Để hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả cần được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất (trụ sở, trang thiết bị làm việc thiết yếu), kinh phí hoạt động tương xứng với hoạt động trợ giúp pháp lý.

1.2.2.4. Nhận thức của các cơ quan, ban ngành về trợ giúp pháp lý

Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của nhà nước, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện tuy nhiên cần có sự phối hợp, tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ của tất cả các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân thì hoạt động trợ giúp pháp lý mới đạt được hiệu quả. Nếu như nhận thức về vị trí, vai trò hoạt động trợ giúp pháp lý của một số cơ quan, ngành chưa đầy đủ, chưa thống nhất sẽ dẫn đến hoạt động này chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức hoặc chưa nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời để triển khai có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.

1.2.2.5. Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý

Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua hoạt động truyền thông người dân biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý, địa chỉ của các tổ chức trợ giúp pháp lý và tìm đến các tổ chức này khi cần hỗ trợ về mặt pháp luật. Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cũng giúp cho cán bộ, Đảng viên, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của hoạt động này từ đó có sự quan tâm, phối hợp cũng như tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

1.2.2.6. Sự phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý

Hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ là nhiệm vụ riêng của các tổ chức trợ giúp pháp lý hay của ngành Tư pháp mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, tổ chức thì mới đạt được hiệu quả ví dụ như sự phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án mà người

được trợ giúp pháp lý là bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ, người bị hại, người có quyền, lợi ích liên quan; sự phối kết hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình trong việc thực hiện truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý; sự phối hợp trong việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu sự phối hợp hạn chế sẽ không phát huy được vị trí, vai trò của các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể để đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

Tiểu kết chương 1

Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận về hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, trong Chương 1, tác giả đã tập trung làm rõ khái niệm về trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý, các quan niệm trên thế giới và Việt Nam về hoạt động trợ giúp pháp lý; đặc điểm của hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam; khái niệm về hiệu quả hoạt động, xem xét các tiêu chí đánh giá hiệu quả trợ giúp pháp lý để đưa ra khái niệm về hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý và phân tích các yếu tố bảo đảm hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam. Những vấn đề lý luận được trình bày ở Chương 1 là cơ sở để phân tích, đánh giá thực trạng hiệu quả tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam trong thời gian qua.

Chương 2

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)