Thực trạng về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý (Trang 40 - 47)

Theo Luật trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý ở Việt Nam hiện nay bao gồm: ở Trung ương có Cục trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp; ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp. Ở cấp huyện có các Chi nhánh trợ giúp pháp lý của Trung tâm và cấp xã có các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

2.1.1.1. Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp

Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

i) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn, tổ chức và theo dõi việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý; nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển trợ giúp pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện;

ii) Ban hành các quy định hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, quy chế cộng tác viên, nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý, Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;

iii) Quản lý, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm, của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; xây dựng các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý;

iv) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; quy định mẫu Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, mẫu thẻ Trợ giúp viên pháp lý, mẫu thẻ cộng tác viên, mẫu đơn đề nghị làm cộng tác viên, mẫu hợp đồng cộng tác; mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, mẫu phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý và các biểu mẫu, giấy tờ khác; ấn hành các tài liệu về trợ giúp pháp lý;

v) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về trợ giúp pháp lý;

vi) Chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng và thực hiện quản lý Quỹ trợ giúp pháp lý;

vii) Thanh tra, kiểm tra tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý; trong các trường hợp cần thiết tổ chức kiểm tra, đánh giá lại chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm trong hoạt động trợ giúp pháp lý;

viii) Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý;

ix) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật (Điều 44, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP).

Theo Luật trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý là Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.

2.1.1.2. Về Trung tâm vàChi nhánh của Trung tâm

Theo Luật trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng (Điều 14, Luật trợ giúp pháp lý). Trung tâm có quyền và nghĩa vụ như: Thực hiện trợ giúp pháp lý; quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Chi nhánh, hướng dẫn hoạt động đối với Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các hoạt động nghiệp vụ khác; đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý; bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong khi thực hiện trợ giúp pháp lý; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về trợ giúp pháp lý; giải quyết khiếu nại theo quy định. Giải quyết tranh chấp trong trợ giúp pháp lý; kiến nghị về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật (Điều 15, Luật trợ giúp pháp lý).

Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Trung tâm trợ giúp pháp lý

nhà nước chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh (Điều 16, Luật trợ giúp pháp lý).

Sau gần 15 năm hoạt động, đến nay trong toàn quốc đã có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và trên 160 Chi nhánh của Trung tâm ở cấp huyện.

Đến nay, đa số các Trung tâm được củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy, bố trí thêm biên chế để có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ. Hầu hết Trung tâm đã được kiện toàn bộ máy lãnh đạo và thành lập các Phòng chuyên môn nghiệp vụ để bảo đảm tính chuyên môn hoá, tách hoạt động quản lý hành chính nhà nước với các hoạt động mang tính tác nghiệp.

Đến hết tháng 9/2011 trong toàn quốc có 63/63 Trung tâm có Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm.

Đa số Trung tâm được cơ cấu tổ chức gồm có 02 phòng: Nghiệp vụ và Hành chính - Tổng hợp, một số địa phương thành lập từ 03 - 04 phòng nghiệp vụ (Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Hải Phòng, Kiên Giang...).

Nhiều địa phương đã thành lập được Chi nhánh ở tất cả các huyện, thị xã và đưa vào hoạt động (Hòa Bình - 11 Chi nhánh; Đồng Nai - 10 Chi nhánh; Lào Cai - 9 Chi nhánh); 53/63 Trung tâm tiến hành bổ nhiệm Trưởng Chi nhánh, trong đó có 26/63 Trưởng Chi nhánh chuyên trách và 27/63 Trưởng Chi nhánh do Trưởng Phòng Tư pháp kiêm nhiệm [9, tr. 3].

Tuy nhiên, cũng còn một số tỉnh chưa thành lập phòng chuyên môn (Lạng Sơn, Tây Ninh, Bạc Liêu...), 09 tỉnh chưa thành lập Chi nhánh (Cao Bằng, Lai Châu, Thái Bình; Nam Định; Ninh Bình; Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắc Nông, Tây Ninh) do chưa có đủ nguồn lực Trợ giúp viên pháp lý và biên chế hoặc mới thành lập được từ 01 đến 02 Chi nhánh (Bắc Ninh, Đà Nẵng), có nơi xác định không thành lập Chi nhánh, việc thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ do Trung tâm đảm nhiệm (Hà Nam). Một số địa phương đã thành lập được Chi

nhánh nhưng chưa đi vào hoạt động được vì thiếu Trợ giúp viên pháp lý (Quảng Ninh...) vì vậy đã ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động của Trung tâm.

2.1.1.3. Tổ chức tham gia trợ giúppháp lý

Theo Luật trợ giúp pháp lý, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: Tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng luật sư, Công ty luật theo quy định của pháp luật về luật sư) và tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Thực hiện chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, các địa phương đã làm tốt công tác vận động, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Đến nay trong cả nước, "có 21 Công ty luật, 242 Văn phòng luật sư và 57 Trung tâm tư vấn pháp luật đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý" [9, tr. 5]. Một số Chi nhánh của Văn phòng luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật đã và đang thực hiện việc đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý. Phần lớn trong số các Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và Hội Luật gia Việt Nam. Ngoài ra, một số Văn phòng tư vấn pháp luật miễn phí của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cũng đã và đang tích cực tham gia trợ giúp pháp lý. Phạm vi đăng ký chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tư vấn pháp luật phù hợp với lĩnh vực đăng ký hoạt động hoặc với Điều lệ của tổ chức chủ quản. Một số Trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia trong tất cả các hình thức, lĩnh vực được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động.

Tuy nhiên, đội ngũ người tham gia trợ giúp pháp lý trong các tổ chức này vẫn còn mỏng. Đối với các tổ chức hành nghề luật sư phần lớn là các luật

sư trẻ, đang trong thời gian đầu hành nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm vì vậy chất lượng thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý chưa cao. Đối với Trung tâm tư vấn pháp luật, phần lớn cán bộ cao tuổi, một số đã nghỉ hưu nên không có điều kiện cập nhật kiến thức pháp luật mới, việc đi lại khó khăn. Đối với các luật sư, tư vấn viên pháp luật, phần lớn tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý với tư cách là Cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh. Số lượng vụ việc được thực hiện vẫn còn ít, chủ yếu tập trung vào các vụ việc tư vấn pháp luật đơn giản và các đợt tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến với nhân dân. Việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo không thường xuyên; chưa đề xuất Nhà nước thực hiện các biện pháp hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết; cơ chế phối hợp giữa các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý với Trung tâm thiếu thường xuyên, chưa thật chặt chẽ; công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc chưa được thực hiện đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động.

2.1.1.4. Về mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở

Mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở có lịch sử gắn liền với sự ra đời và phát triển của hệ thống trợ giúp pháp lý nhà nước, một mô hình trợ giúp pháp lý cộng đồng để người dân có thể tiếp cận và sử dụng ngay tại địa bàn dân cư. Do thiếu nguồn Trợ giúp viên pháp lý và nguồn cán bộ cho Chi nhánh nên nhiều địa phương chưa triển khai việc thành lập Chi nhánh tại cấp huyện. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước đã thành lập được các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại cấp xã để hỗ trợ hoạt động cho Trung tâm và Chi nhánh. Qua thống kê cho thấy, hiện cả nước có 6.452 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý là hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý cộng đồng, được lập ra để người được trợ giúp pháp lý và những người có hoàn cảnh đặc biệt khác ở địa phương tham gia sinh hoạt, trao đổi những vướng mắc pháp luật của họ với nhau, nhằm tăng cường khả năng tự giải quyết hoặc

hỗ trợ giải quyết vướng mắc thông qua tư vấn pháp luật, giúp đỡ kiến thức pháp luật để hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cũng là một trong những hình thức hoạt động quan trọng để triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo. Các Câu lạc bộ hoạt động theo Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ngay khi được thành lập và đi vào hoạt động, nề nếp sinh hoạt dần ổn định, nội dung hoạt động được đổi mới, phong phú, cách thức tổ chức hoạt động linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của người được trợ giúp pháp lý. Trong thời gian qua, mô hình này đã được triển khai rộng rãi và có hiệu quả tại nhiều địa phương và được người dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, tại một số địa phương việc duy trì hoạt động và phát triển hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý này hiện đang gặp phải nhiều khó khăn dẫn đến hiệu quả hoạt động còn hạn chế như: Các thành viên câu lạc bộ chủ yếu là kiêm nhiệm nên quỹ thời gian dành cho hoạt động sinh hoạt trợ giúp pháp lý còn hạn chế; Ban Chủ nhiệm thiếu kỹ năng tổ chức các buổi sinh hoạt nên chưa thực sự thu hút hội viên, thiếu nguồn tài liệu, văn bản pháp luật để tuyên truyền, phổ biến cho người dân. Các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, chính sách của Đảng chưa được cập nhật, bổ sung kịp thời nên khó khăn trong việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân. Thêm vào đó, nguồn kinh phí cho hình thức sinh hoạt này còn eo hẹp...

Ngoài mô hình Chi nhánh và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, hiện còn 34 tỉnh duy trì mạng lưới Tổ hoặc Điểm trợ giúp pháp lý ở cấp huyện để kịp thời đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân trong điều kiện chưa thể thành lập được Chi nhánh. Theo thống kê hiện có 252 Tổ và 494 Điểm trợ giúp pháp lý. Đây là mô hình quá độ trong điều kiện chưa có đủ nguồn lực hoặc chưa đủ tiêu chuẩn để thành lập Chi nhánh, về lâu dài cần chuyển đổi mô hình Tổ Cộng tác viên thành Chi nhánh khi có đủ điều kiện về nguồn nhân lực cũng như kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm.

Có thể khẳng định, mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động trợ giúp pháp lý, thực sự là cầu nối giữa người được trợ giúp pháp lý với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; kịp thời thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý và các quy định của pháp luật đến với nhân dân; tháo gỡ những vướng mắc pháp luật đơn giản ngay tại cơ sở, tạo thuận lợi nhất cho người dân, kịp thời chuyển các vụ việc phức tạp đến Trung tâm, Chi nhánh để thực hiện. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, mạng lưới này chưa thực sự phát triển đồng đều và thiếu tính bền vững. Chất lượng hoạt động của một số Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tổ, điểm trợ giúp pháp lý còn chưa bảo đảm, thậm chí còn hình thức, nặng về tổ chức hành chính, hoạt động thường gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật hơn là tư vấn, giải quyết các vụ việc có vướng mắc pháp luật của người dân. Có địa phương, mối quan hệ giữa Trung tâm, Chi nhánh và Câu lạc bộ còn thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên.

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý (Trang 40 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)