hoạt động trợ giúp pháp lý
Những năm gần đây, cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động cho các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cũng đã được quan tâm, chú trọng hơn. Qua thống kê: Hiện nay, trong cả nước đã có 24/63 Trung tâm có trụ sở làm việc riêng, độc lập, thuận tiện cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận; 39 Trung tâm vẫn làm việc trong trụ sở làm việc của Sở Tư pháp; có 21 Trung tâm được trang bị xe ôtô để đi trợ giúp pháp lý lưu động và phục vụ các hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở [9, tr. 8]. Được sự hỗ trợ của các Dự án hợp tác quốc tế, Quỹ trợ giúp pháp lý và ngân sách địa phương, các Trung tâm đều đã được trang bị các phương tiện
làm việc cần thiết như máy vi tính, máy photocopy, trong đó 62 Trung tâm đã kết nối Internet... Mặc dù vậy, sau thời gian dài sử dụng, một số máy móc, trang thiết bị làm việc đã hết khấu hao, bị hư hỏng, vì vậy cần thiết phải bổ sung ngân sách địa phương để mua sắm mới trong thời gian tới.
Để bảo đảm thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý, các Trung tâm còn được sự hỗ trợ của Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam và các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Năm 2008, Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý là 800 triệu đồng; năm 2009 hỗ trợ 2,6 tỷ đồng; nguồn kinh phí cấp từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 cho hoạt động trợ giúp pháp lý cũng tăng lên theo các năm, năm 2008 được cấp 6 tỷ, năm 2009, đã được cấp tăng lên 7 tỷ, năm 2010 được cấp 13 tỷ [9, tr. 8].
Đặc biệt, ngân sách của địa phương cấp cho công tác trợ giúp pháp lý cũng được nâng lên. Năm 2011, khi không còn kinh phí từ các Chương trình giảm nghèo các địa phương đã chủ động bố trí ngân sách bảo đảm với trên 64 tỷ đồng cho 63 Trung tâm. Có 37/63 Trung tâm kinh phí được giao hàng năm theo đầu người trên 63 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, cũng có một Trung tâm, ngân sách địa phương cấp cho hoạt động trợ giúp pháp lý năm 2011 dưới 25.000.000đ/người/năm (Phú Thọ, Quảng Bình, Bình Định, Bắc Ninh, Đồng Nai).
Sau 05 năm thi hành Luật trợ giúp pháp lý, cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm cho công tác trợ giúp pháp lý đã được chú trọng hơn và từng bước được nâng lên với nhiều nguồn kinh phí khác nhau: kinh phí do ngân sách nhà nước ở địa phương bảo đảm; kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ từ Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam, đặc biệt là nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn Dự án hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam giai đoạn 2006 - 2009. Phần lớn kinh phí do Dự án hỗ trợ và từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam được chi trả cho các hoạt động
chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý (bao gồm chi trả thù lao cho Cộng tác viên, trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý…). Trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho công tác trợ giúp pháp lý đã được tăng lên đáng kể so với trước thời điểm Luật trợ giúp pháp lý có hiệu lực (chiếm trên 50%); được tăng dần theo từng năm, tương xứng với tổ chức bộ máy, cán bộ và số lượng các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý được triển khai.
Tuy vậy, nguồn kinh phí hỗ trợ từ phía các dự án hợp tác quốc tế vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách thích hợp để kịp thời chuẩn bị các nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý trong trường hợp nguồn kinh phí hỗ trợ từ phía các dự án giảm đi và kết thúc vào những năm tới. Việc phân bổ kinh phí từ ngân sách địa phương ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý của Trung tâm. Những địa phương cấp kinh phí bình quân theo đầu người dưới 25 triệu đống/năm, khi kết thúc dự án các Trung tâm hầu như không thể triển khai các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý như tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý hay thuê luật sư giỏi đối với những vụ việc phức tạp.