Hoạt động trợ giúp pháp lý do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện nhưng cần có sự phối hợp của các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể. Hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý phụ thuộc vào hoạt động phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp.
Để triển khai thực hiện Luật trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ có liên quan trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp lý hướng dẫn, triển khai và tổ chức thực hiện Luật trợ giúp pháp lý.
Đặc biệt, đáng chú ý hơn cả đó là công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Để thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng có hiệu quả Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ Công an, Quốc
phòng, Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao để ban hành Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC- VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong tố tụng. Sau gần 04 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007, phần lớn các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện việc cung cấp thông tin, giải thích, hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý và người thân thích của họ về quyền được trợ giúp pháp lý; hướng dẫn các thủ tục để được trợ giúp pháp lý. Đến nay, các cơ quan tố tụng đã thực hiện việc cấp hơn 20.000 lượt giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của bị cáo, đương sự trong vụ án hình sự, dân sự, hành chính cho Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên theo đúng quy định. Sau khi được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên đều được Toà án tạo điều kiện trong việc nghiên cứu hồ sơ, thu thập, củng cố chứng cứ tham gia tố tụng, được thông báo lịch xét xử, giải quyết vụ án, bảo đảm cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự. Việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên đã góp phần quan trọng bảo đảm để các vụ án được giải quyết, xét xử khách quan, chính xác, đúng pháp luật, đồng thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
Đồng thời, để tăng số lượng Cộng tác viên tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, nhất là Cộng tác viên là cán bộ làm việc trong các cơ quan tiến hành tố tụng, một số địa phương (Điện Biên, Lai Châu…), các cơ quan tiến hành tố tụng đã giới thiệu cán bộ làm Cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, số lượng người tiến hành tố tụng tham gia Cộng tác viên trợ giúp pháp lý chưa nhiều do còn cách hiểu khác nhau về Cộng tác viên và ràng buộc bởi Quy chế làm việc của mỗi ngành, quy định của các ngành hạn chế tiếp xúc với các đối tượng trong quá trình giải quyết vụ việc được giao. Nhiều địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng không cử người tham gia cộng tác viên với lý do quy
chế ngành không cho phép. Có tỉnh (Sóc Trăng), do những lý do trên mà việc tư vấn các vấn đề có liên quan đến tố tụng cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý về quyền, nghĩa vụ của họ, về trợ giúp pháp lý chưa được thực hiện.
Với những nỗ lực, cố gắng trong gần 04 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 10, đã có 25.765 vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, trong đó Trợ giúp viên pháp lý tham gia 3.846 vụ việc (chiếm 15%). Tại nhiều tỉnh (Quảng Ninh, Hải Phòng v.v...), trong số các vụ việc tham gia tố tụng, số vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu và đề nghị Trung tâm cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên thực hiện luôn chiếm tỷ lệ lớn so với số vụ việc do đối tượng tự tìm đến Trung tâm. Qua các năm cũng cho thấy, số vụ việc tham gia tố tụng tăng hơn so với trước khi có Thông tư liên tịch số 10 (trước năm 2008). Các vụ việc sau khi hoàn thành đều được Trung tâm tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia kiểm tra, đánh giá chất lượng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư cộng tác viên; đồng thời, thiết lập cơ chế phản hồi thông tin về chất lượng của người thực hiện trợ giúp pháp lý và của người tiến hành tố tụng để không sai sót trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cũng như giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, qua số lượng vụ việc tham gia tố tụng cho thấy, mặc dù số vụ việc do Trợ giúp viên tham gia tố tụng đã tăng lên theo từng năm, nhưng so với số vụ việc các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện cho người được trợ giúp pháp lý thì tỷ lệ vụ việc có luật sư hoặc Trợ giúp viên pháp lý tham gia còn đang rất thấp, chỉ chiếm khoảng từ 15-20% tổng số vụ án cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, giải quyết. Nhìn chung, tỷ lệ vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện còn thấp, nhiều nơi còn ỷ lại vào đội ngũ Luật sư cộng tác viên. Một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, do thiếu luật sư nên đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thực hiện hầu hết các vụ việc tham gia tố tụng. Các tỉnh ở đồng bằng và thành phố lớn,
Trợ giúp viên pháp lý thực hiện được vụ việc tham gia tố tụng ít hơn Luật sư rất nhiều, thậm chí có tỉnh, trong 04 năm Trợ giúp viên pháp lý chỉ thực hiện được một vài vụ.
Trong quá trình triển khai Thông tư liên tịch số 10 trong thực tiễn, một số địa phương gặp khó khăn, vướng mắc về thể chế, nguồn lực kinh phí v.v… dẫn đến lúng túng, triển khai thực hiện chưa hiệu quả. Thông qua các đợt kiểm tra liên ngành, một số thành viên Hội đồng liên ngành cũng đã có những hướng dẫn trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ của ngành mình đối với Hội đồng cấp tỉnh.
Ngoài ra, thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình Mục tiêu quốc gia, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành Tư pháp đã chủ động triển khai thực hiện và mang lại một số kết quả bước đầu như: nâng cao nhận thức về chính sách trợ giúp pháp lý cho các ngành, các cấp và người trực tiếp thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý một cách đồng bộ, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý bằng các hình thức khác nhau, đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân. Các hoạt động trợ giúp pháp lý đã bảo đảm được mục tiêu của Chương trình giảm nghèo, góp phần xây dựng nếp sống văn minh: Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phát huy dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia vào công tác xoá đói, giảm nghèo, tham gia quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Để thực hiện xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam để triển khai thực hiện Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho thành viên, Hội viên của các tổ chức này; huy động đội ngũ cán bộ Hội có kiến thức hiểu biết
pháp luật tham gia làm Cộng tác viên trợ giúp pháp lý hoặc tham gia hỗ trợ Trung tâm trong quá trình triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở. Bộ Tư pháp còn hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cho đội ngũ tư vấn viên pháp luật của các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tham gia trợ giúp pháp lý.
Ở địa phương, Sở Tư pháp đã phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý, trong quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để thông tin, truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với nhân dân; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở khi triển khai các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, phát triển đội ngũ Cộng tác viên cũng như thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
Có thể khẳng định, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý thời gian qua được thực hiện khá tốt, tương đối bài bản, khoa học, nhờ vậy đã thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào công tác này, đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.