Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý (Trang 61 - 62)

Hoạt động truyền thông có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban, ngành về công tác trợ giúp pháp lý và đặc biệt đưa công tác này ngày càng gần đến với người dân, được người dân tin tưởng và ủng hộ. Các hình thức truyền thông khác nhau được thực hiện rộng rãi như: Ở Trung ương, Cục trợ giúp pháp lý đã phát hành 50 loại tờ gấp pháp luật với 5.510.000 tờ, 10 loại cẩm nang pháp luật, hoàn thiện nội dung "Sổ tay nghiệp vụ trợ giúp pháp lý", phát hành cuốn "Văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý" tập 1, tập 2 và cuốn sách "Các vụ việc trợ giúp pháp lý điển hình" để phát cho 63 Trung tâm trong toàn quốc.

Ở địa phương, các Trung tâm đã đặt 14.350 bảng thông tin về trợ giúp pháp lý; Hộp tin trợ giúp pháp lý với nhiều loại tờ gấp, tài liệu pháp luật khác tại trụ sở tiếp dân của các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ và Uỷ ban nhân dân các cấp. Đồng thời, các Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí) để thực hiện chuyên trang, chuyên mục và phát sóng để thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý đến với nhân dân; cung cấp băng cát - sét/VCD/CD (bằng Tiếng Việt và bằng tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số); cấp phát cho người được trợ giúp pháp lý tờ gấp pháp luật, cẩm nang, tài liệu pháp luật khác qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và nhiều hình thức khác.

Do làm tốt công tác thông tin, truyền thông, phổ biến về trợ giúp pháp lý nên đến nay, nhận thức về trợ giúp pháp lý và pháp luật về trợ giúp pháp lý trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt so với

trước đây (năm 2005, kết quả khảo sát của UNDP là 6% người dân biết về trợ giúp pháp lý, đến 2009 tỷ lệ này là 60%). Ngày càng có nhiều người dân biết được thông tin, địa chỉ và tìm đến với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để yêu cầu trợ giúp pháp lý nên số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Người dân đã và đang hình thành thói quen tiếp cận và sử dụng trợ giúp pháp lý mỗi khi có vướng mắc, bất cập hoặc cần hỗ trợ về mặt pháp luật. Các cấp uỷ đảng, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý và quan tâm hơn đến công tác trợ giúp pháp lý; đã khuyến khích, huy động, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, thành viên, hội viên của tổ chức mình tham gia làm Cộng tác viên. Chất lượng thực thi công vụ, giải quyết công việc của người dân của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức nhà nước từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý ở một số nơi còn mang tính thời vụ, thiếu thường xuyên, chưa đổi mới phương thức nên hiệu quả chưa cao. Nhiều người nghèo ở miền núi và vùng sâu, vùng xa còn chưa biết về hoạt động trợ giúp pháp lý.

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý (Trang 61 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)