Khái niệm về hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý (Trang 28 - 35)

Bất kỳ một hoạt động nào đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là tính hiệu quả và hiệu quả phải đạt ở mức độ cao nhất. Hiệu quả có thể được coi là vấn đề quan trọng bậc nhất.

Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học năm 2004 thì khái niệm "hiệu quả" được hiểu là kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại. Hiệu quả là kết quả đạt được trong việc thực hiện một nhiệm vụ nhất định.

Khi đánh giá về hiệu quả pháp luật có quan niệm cho rằng, hiệu quả pháp luật được hiểu là khả năng tác động vào các quan hệ xã hội theo hướng đã được xác định. "Khả năng của pháp luật có thể tác động được vào các quan hệ đó với xã hội và ý thức xã hội để điều chỉnh các quan hệ đó với những tổn thất vật chất và tinh thần ít nhất và mang lại kết quả theo hướng cần điều chỉnh và cần được xác định của pháp luật" [43, tr. 3].

Theo TS. Nguyễn Minh Đoan thì hiệu quả pháp luật không chỉ là những khả năng tác động của pháp luật, để quan niệm đầy đủ về hiệu quả pháp luật cần phải có cách tiếp cận hệ thống trên quan điểm toàn diện, nghĩa là cần xem xét không chỉ bản thân pháp luật, mà phải xem xét cả đối tượng tác động của nó trong những phạm vi không gian, thời gian với những số lượng và chất lượng nhất định. "Hiệu quả pháp luật là kết quả cụ thể đạt được trong quá trình pháp luật tác động vào các quan hệ xã hội nhằm đạt được những mục đích và yêu cầu đặt ra" [27, tr. 23].

Trong hoạt động lập pháp, hiệu quả pháp luật được hiểu là "kết quả cụ thể của sự tác động pháp luật đến các quan hệ xã hội so với yêu cầu đặt ra khi ban hành pháp luật". Theo các nhà luật học thì hiệu quả pháp luật chính là kết quả của sự tác động pháp luật được đặc trưng bằng các chỉ số chung: trạng thái pháp chế, trình độ và tính ổn định của trật tự pháp luật. Các chỉ số chung ấy thể hiện ở mối quan hệ giữa kết quả thực tế của sự tác động của các quy phạm pháp luật và mục đích xã hội mà các quy phạm pháp luật nhằm đạt đến.

Dưới góc độ kinh tế, hiệu quả là sự so sánh giữa các chi phí đầu vào với các giá trị của đầu ra, sự tăng tối đa lợi nhuận và tối thiểu chi phí, là mối tương quan giữa sử dụng nguồn lực và tỷ lệ đầu ra - đầu vào. Theo cách tiếp cận này thì hiệu quả chính là chỉ số so sánh giữa kết quả thu về với chi phí

công sức bỏ ra, hiệu quả của hoạt động là sự đạt được mục tiêu của hoạt động đặt ra với những chi phí ít nhất (nguồn lực con người, vật chất, ngân sách, tinh thần...). Khi nói đến hiệu quả kinh tế của bất kỳ một hoạt động nào thì đều phải xác định chi phí bỏ ra ít nhất nhưng mang lại kết quả (giá trị lợi ích) cao nhất. Hiệu số giữa giá trị lợi ích mang lại với chi phí bỏ ra càng cao thì hiệu quả kinh tế càng lớn.

Theo quan niệm này thì hiệu quả kinh tế của hoạt động trợ giúp pháp lý có thể tính toán được, nếu chi phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý ít hơn giá trị lợi ích mang lại thì hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả. Ngoài ra, hiệu quả kinh tế của hoạt động trợ giúp pháp lý căn cứ vào những tổn thất và chi phí của xã hội bỏ ra do có sự tác động của hoạt động trợ giúp pháp lý mang lại. Nếu hoạt động trợ giúp pháp lý chi phí ít nhưng mang lại những tổn thất lớn cho xã hội hoặc xã hội phải bỏ ra chi phí lớn hơn những lợi ích mà người được trợ giúp pháp lý được hưởng thì cũng không có hiệu quả kinh tế.

Để đưa ra khái niệm về hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cần xem xét các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý.

Để đánh giá chất lượng, hiệu quả của bất kỳ sự vật, hiện tượng, quá trình nào đều cần có những tiêu chí nhất định. Nhờ những tiêu chí đó, người ta có thể xác định được chính xác ″phẩm chất″, ″giá trị″ của đối tượng. Nói đến tiêu chí là nói đến ″ tính chất, dấu hiệu để dựa vào đó mà phân biệt, đánh giá, xếp loại một vật, một khái niệm″ [43, tr. 3]. Các tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả của các sự vật, hiện tượng nói chung và của trợ giúp pháp lý nói riêng là cơ sở để xác định được các mức độ chất lượng của đối tượng được đánh giá mà cụ thể ở đây là chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý.

Để đánh giá hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong giai đoạn hiện nay cần chú trọng các tiêu chí cơ bản sau: Mục đích, mục tiêu, yêu cầu của hoạt động trợ giúp pháp lý, chủ thể thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý, chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, những kết quả thực tế do hoạt động trợ giúp

pháp lý mang lại, tác động xã hội của hoạt động trợ giúp pháp lý, những chi phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý... Mỗi tiêu chí là một căn cứ để xác định hiệu quả của hoạt động ở một phương diện nhất định và tổng hợp lại là hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý.

1.2.1.1. Tiêu chí về mục đích của hoạt động trợ giúp pháp lý

Mục đích, mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động trợ giúp pháp lý là kết quả cần đạt được đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Muốn đánh giá được hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cần đánh giá trên cơ sở mục đích, mục tiêu, yêu cầu đặt ra của hoạt động này.

Mục tiêu của hoạt động trợ giúp pháp lý là cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ, có chất lượng cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khi có vướng mắc pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

1.2.1.2. Tiêu chí về chủ thể thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý

Chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả hay không, bởi chính chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nhằm đạt được mục tiêu mà hoạt động trợ giúp pháp lý đề ra.

Để thực hiện được các mục tiêu của hoạt động trợ giúp pháp lý, các chủ thể thực hiện phải có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của công việc, cụ thể phải có trình độ, có kiến thức pháp luật vững vàng, phải có đầy đủ kỹ năng trợ giúp pháp lý như kỹ năng tư vấn, kỹ năng tham gia tố tụng, kỹ năng đại diện ngoài tố tụng, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho từng nhóm đối tượng đặc biệt là các nhóm đối tượng đặc thù như người già cô đơn, trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân của tội buôn bán người hay người dân tộc thiểu số...

1.2.1.3. Tiêu chí về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Theo một số Từ điển Tiếng Việt thì chất lượng là giá trị về mặt lợi ích; là cái làm nên phẩm chất, giá trị của con người, sự vật; cái tạo nên bản chất sự vật, làm cho sự vật này khác với sự vật kia, phân biệt với số lượng. "Chất lượng sản phẩm là toàn bộ những đặc tính của sản phẩm thoả mãn những đòi hỏi nhất định tương ứng với công dụng của nó" 39, tr. 331 . Như vậy, sẽ không thể có chất lượng nếu như sự vật, hiện tượng, dịch vụ nhất định không chứa bên trong nó những đặc tính, phẩm chất vốn có của riêng nó và không có giá trị về mặt lợi ích.

Chất lượng dịch vụ pháp lý (theo nghĩa rộng) và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (theo nghĩa hẹp một vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể) là cái thuộc bản chất bên trong, tạo nên phẩm chất, giá trị của dịch vụ pháp lý nói chung và của vụ việc trợ giúp pháp lý nói riêng đối với người được trợ giúp pháp lý. Cụ thể thông qua dịch vụ trợ giúp pháp lý, giúp cho người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Do đối tượng phục vụ của trợ giúp pháp lý rất đặc thù, là người nghèo và các đối tượng chính sách nên đòi hỏi hoạt động trợ giúp pháp lý phải theo quy chuẩn nhất định, để tránh tình trạng "làm miễn phí thì thế nào cũng được", hoặc kiểu ban ơn, không đem lại hiệu quả. Làm trợ giúp pháp lý khó hơn cung cấp dịch vụ pháp lý cho những người dân khác có trình độ và sống ở môi trường thuận lợi. Vì người dân khá giả thông thường có trình độ cao hơn thì biết cách lưu giữ chứng cứ, tài liệu, biết khai thác thông tin, biết trình bày đơn, từ... còn người nghèo thì vừa không biết lưu giữ tài liệu, lại vừa không biết trình bày, lo lắng, thiếu niềm tin và người dân tộc thiểu số còn bị bất đồng ngôn ngữ... Do đó, bên cạnh việc trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải

quyết vụ việc liên quan đến quyền lợi của người dân đã được quy định theo hướng công khai, minh bạch, dễ hiểu, đơn giản hóa tới mức tối đa, linh hoạt, tránh phiền hà tại địa điểm tiếp dân thuận lợi, dễ tiếp cận, thì pháp luật còn đặt ra một yêu cầu rất cao là trợ giúp pháp lý phải có chất lượng, có hiệu quả.

Để bảo đảm vụ việc trợ giúp pháp lý có chất lượng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (Quyết định số 11/2008/QĐ-BTP ngày 29/12/2008), trong đó xác định rõ tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý là căn cứ để kiểm tra, đánh giá lại quá trình thực hiện, việc tuân thủ quy tắc nghề nghiệp và việc áp dụng pháp luật của người thực hiện trợ giúp pháp lý; tạo cơ sở để xác định trách nhiệm của người thực hiện đối với vụ việc; riêng đối với cộng tác viên còn để xem xét mức trả bồi dưỡng (căn cứ vào công sức và kết quả). Một vụ việc trợ giúp pháp lý có chất lượng là vụ việc phải đáp ứng các tiêu chí sau đây: i) Tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý tiếp xúc, trình bày và cung cấp thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý; ii) Tính khách quan, toàn diện và kịp thời; iii) Đáp ứng được yêu cầu hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; iv) Tuân thủ và phù hợp với pháp luật, không trái đạo đức xã hội; v) Đáp ứng các yêu cầu về trình tự, thủ tục; vi) Kiểm soát được hậu quả pháp lý phát sinh từ nội dung trợ giúp pháp lý; vii) Việc lập hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý đúng quy định của pháp luật.

1.2.1.4. Tiêu chí về kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý

Kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý được thể hiện ở số lượng vụ việc mà các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện được cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó chia theo hình thức trợ giúp pháp lý, lĩnh vực pháp luật được trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý, địa điểm thực hiện trợ giúp pháp lý; nếu như các vụ việc trợ giúp pháp lý chỉ thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật, hoặc chỉ thực hiện tại trụ sở thì hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ không cao; số lượt người được trợ giúp pháp lý, trong đó có chia theo giới tính và diện đối tượng được trợ giúp pháp lý.

1.2.1.5. Tiêu chí về những kết quả thực tế thu được do hoạt động trợ giúp pháp lý mang lại

Tiêu chí quan trọng và cơ bản nhất cần xác định khi đánh giá hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý là kết quả thực tế đạt được do hoạt động này mang lại. Đây là tiêu chí phức tạp nhất, khó xác định nhất, bởi kết quả thực tế thu được do sự tác động của hoạt động trợ giúp pháp lý rất đa dạng và khó đánh giá. Việc xác định kết quả đạt được của trợ giúp pháp lý căn cứ vào trạng thái ban đầu khi chưa có hoạt động trợ giúp pháp lý. Không có hoạt động trợ giúp pháp lý quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, người có công với cách mạng trong nhiều trường hợp không được bảo vệ, các tranh chấp không được giải quyết, mẫu thuẫn, kiện cáo trong cộng đồng dân cư xảy ra nhiều do người dân thiếu hiểu biết pháp luật... Hoạt động trợ giúp pháp lý đã giảm bớt khiếu kiện không cần thiết, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính.

1.2.1.6. Tiêu chí về chi phí cho công tác trợ giúp pháp lý

Để đánh giá chính xác, đầy đủ hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, ngoài việc xác định mục đích của hoạt động trợ giúp pháp lý, kết quả tác động thực tế của công tác này còn phải tính đến những chi phí để đạt được những mục đích, mục tiêu, yêu cầu đó. Có thể nói hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ phụ thuộc vào việc giải quyết các mục đích, nhiệm vụ đặt ra trong thực tế mà còn phải giải quyết những chi phí tối thiểu về vật chất, về con người, về thời gian và các chi phí khác có liên quan tới quá trình tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Tất cả những chi phí cho việc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải ở mức độ thấp nhất nhưng phải bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý đạt được mục tiêu ở mức cao nhất.

Trên cơ sở phân tích cơ sở lý luận, các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trên đây có thể đưa ra khái niệm về hiệu quả hoạt động

trợ giúp pháp lý như sau: hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý là kết quả thực tế đạt được do hoạt động trợ giúp pháp lý mang lại trong những phạm vi và điều kiện nhất định phù hợp với mục tiêu chính trị, sự phát triển kinh tế - xã

hội nhằm đạt được những mục đích và yêu cầu đề ra với mức chi phí thấp nhất.

Một phần của tài liệu Các giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)