Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các
hình thức trợ giúp pháp lý khác như tham gia hòa giải, hướng dẫn thủ tục hành chính, khiếu nại.
Sau 05 năm triển khai thực hiện Luật trợ giúp pháp lý, "đến hết tháng 6/2011, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các Chi nhánh của Trung tâm trong cả nước đã thực hiện được 489.082 vụ việc cho 497.617 đối tượng (trung bình mỗi năm thực hiện được 97.800 vụ việc với 99.500 đối tượng)" [8, tr. 12]. So với trước đây, trung bình mỗi năm tăng 26.245 vụ việc và 25.170 đối tượng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Con số này cho thấy nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ngày càng càng tăng và khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân từ phía Trung tâm ngày càng tốt hơn. Trong đó, chia theo địa điểm thực hiện: 156.113 vụ việc thực hiện tại trụ sở (chiếm 32%), 332.969 vụ việc thực hiện lưu động, Chi nhánh và các địa điểm khác (chiếm 68%); Chia theo người thực hiện: 203.677 vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện (chiếm 42%), 285.405 vụ việc do Cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện (chiếm 58%); Chia theo lĩnh vực trợ giúp pháp lý: Dân sự : 111.393 vụ việc (chiếm 22%); Hôn nhân - gia đình: 48.266 vụ việc (chiếm 9,9%); Hình sự: 38.219 vụ việc (chiếm 7,8%); Hành chính - khiếu nại: 47.335 vụ việc (chiếm 9,7%); Lao động, việc làm: 9.991 vụ việc (chiếm 2,06%); Đất đai: 109.367 vụ việc (chiếm 22%); Chế độ chính sách: 63.639 vụ việc (chiếm 13%) và lĩnh vực khác: 60.872 vụ việc (chiếm 12%). Chia theo hình thức trợ giúp pháp lý: Tư vấn: 446.918 vụ việc (chiếm 91%); đại diện: 6.794 vụ việc (chiếm 1,3%); bào chữa: 23.379 (chiếm 4,7%) vụ việc; đại diện ngoài tố tụng: 2.558 vụ việc (chiếm 0,52%); kiến nghị: 1.673 vụ việc (chiếm 0,34%); hoà giải: 2.481 vụ việc (chiếm 0,53%) và hình thức khác: 5.279 vụ việc (chiếm 1,1%) (Phụ lục 1).
Về diện người được trợ giúp pháp lý: 139.456 người nghèo (chiếm 28,02%; 71.510 người có công với cách mạng (chiếm 14,3%); 7.928 người già (chiếm 1,59%); 2.835 người tàn tật (chiếm 0,57%); 122.402 người dân tộc thiểu số (chiếm 24,6%); 21.955 trẻ em (chiếm 4,4%) và 131.531 đối tượng
thuộc diện khác (chiếm 26,4%). Tổng số 284.696 nam (chiếm 57,2%); 212.921 nữ (chiếm 42,8%) (Phụ lục 2).
Qua phân tích số liệu cho thấy, đối tượng trợ giúp pháp lý vẫn chủ yếu là nam giới, tỷ lệ nữ giới được trợ giúp pháp lý vẫn còn ít và đòi hỏi thời gian tới phải chú trọng hơn đến vấn đề giới và bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý, đặc biệt cần có giải pháp để nữ giới tham gia nhiều hơn vào công tác trợ giúp pháp lý. Về diện đối tượng, người được trợ giúp pháp lý vẫn chủ yếu là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người có công với cách mạng, diện đối tượng khác được trợ giúp pháp lý vẫn còn ít đặt ra yêu cầu cần có giải pháp để tăng cường hoạt động truyền thông và thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là trẻ em, người tàn tật và người già cô đơn không nơi nương tựa. Các vụ việc vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật; hình thức tham gia tố tụng chưa nhiều, các vụ việc đại diện ngoài tố tụng còn rất ít; lĩnh vực pháp luật chủ yếu vẫn là đất đai và vấn đề dân sự.
Phần lớn các vụ việc trợ giúp pháp lý của Trung tâm và Chi nhánh vẫn do đội ngũ cộng tác viên thực hiện. Các cộng tác viên chủ yếu thực hiện trợ giúp pháp lý tại Chi nhánh của Trung tâm, tham gia trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động và thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, sinh hoạt chuyên đề pháp luật. Phần lớn các vụ việc thực hiện tại trụ sở của Trung tâm do Trợ giúp viên pháp lý đảm trách. Do đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý mới có 304 Trợ giúp viên pháp lý, trừ các tỉnh miền núi, Luật sư cộng tác viên đảm nhiệm phần lớn các vụ việc tham gia tố tụng.
Về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, cùng với việc tăng số lượng vụ việc, kịp thời đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã chú trọng hơn đến công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý để bảo đảm cho người được trợ giúp pháp lý được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý với chất lượng tốt nhất. Với việc ra đời Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (ban hành
kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BTP ngày 29/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), đã tạo cơ sở pháp lý để người thực hiện trợ giúp pháp lý tự kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của mình hoặc được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý đánh giá bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho người được trợ giúp pháp lý.
Theo quy định của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, để bảo đảm vụ việc trợ giúp pháp lý có chất lượng, mỗi vụ việc trợ giúp pháp lý khi hoàn thành phải được người thực hiện tự đánh giá. Sau đó, Trung tâm, Chi nhánh tổ chức phân công người thực hiện đánh gí chất lượng vụ việc đó. Khi có khiếu nại hoặc có thông tin về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc cho rằng trợ giúp pháp lý không có chất lượng các cơ quan quản lý nhà nước (Cục trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp) tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc theo kế hoạch hoặc lựa chọn điểm; đối với vụ việc do Cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện, Trung tâm đều phân công Trợ giúp viên pháp lý đánh giá chất lượng trước khi quyết định thanh toán tiền bồi dưỡng cho cộng tác viên. Qua kết quả công tác đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý đến nay, chưa có vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc vụ việc nào yêu cầu Trung tâm phải bồi thường thiệt hại do trợ giúp pháp lý sai, gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý.
Theo báo cáo của 59/63 Trung tâm trợ giúp pháp lý, sau 03 năm triển khai thực hiện Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã tổ chức đánh giá 57.126/218.502 vụ việc đã hoàn thành (chiếm 26,1%), trong đó có 46.241 vụ việc do người thực hiện trợ giúp pháp lý tự đánh giá (chiếm 80,8%), 35.389 vụ việc do Trung tâm trợ giúp pháp lý đánh giá và 885 vụ việc do tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý đánh giá, trong đó: Tư vấn pháp luật: 49.503 vụ việc/180.917 tổng số vụ việc (chiếm tỷ lệ 27,4%); Tham gia tố tụng: 7.367 vụ việc/
10.252 tổng số vụ việc (chiếm tỷ lệ 71,8%); Đại diện ngoài tố tụng: 140 vụ việc/291 tổng số vụ việc (chiếm tỷ lệ 48,1%); Hòa giải: 376 vụ việc/637 tổng số vụ việc (chiếm tỷ lệ 59%); Hình thức khác: 434 vụ việc/730 tổng số vụ việc (chiếm tỷ lệ 59,5%).
Về chất lượng vụ việc qua đánh giá: Vụ việc đạt chất lượng tốt: 37.920 vụ việc (chiếm 66,4% tổng số vụ việc); Vụ việc đạt chất lượng: 18.350 vụ việc (chiếm 32,1% tổng số vụ việc); Vụ việc không đạt chất lượng: 856 vụ việc (chiếm 1,5% tổng số vụ việc) [8, tr. 13]. Hàng năm, Cục trợ giúp pháp lý đều tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng khảo sát và đánh giá điểm về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tại một số Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Năm 2009, khi thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tại 09 Trung tâm (Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên và Hải Dương), bên cạnh việc phỏng vấn trực tiếp những người có liên quan, kiểm tra trực tiếp hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý, Cục trợ giúp pháp lý còn gửi phiếu khảo sát tới 1.000 đối tượng là người đã được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại 18/63 tỉnh, thành phố lấy ý kiến phản hồi của người được trợ giúp pháp lý. Kết quả cho thấy 81,3% hài lòng với chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; 18,7% chưa hài lòng với thái độ, cách thức tiếp dân và nội dung trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý và 77,7% ý kiến của các Thẩm phán phản ánh tinh thần tích cực, ý thức trách nhiệm cao của các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - cộng tác viên khi tham gia tố tụng. Các ý kiến tranh tụng cũng như đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - cộng tác viên đã góp phần tích cực cho Hội đồng xét xử ra các bản án, quyết định phù hợp pháp luật, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; 22,3% các Thẩm phán được hỏi cho rằng một số Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên còn hạn chế về năng lực và chưa sâu sắc trong việc nghiên cứu hồ sơ cũng như khi tranh luận tại phiên toà.
Nhìn chung, dịch vụ pháp lý do các Trung tâm trợ giúp pháp lý cung cấp đều bảo đảm chất lượng, chưa có trường hợp nào khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại do trợ giúp pháp lý gây ra. Tuy nhiên, còn gần 20% người được trợ giúp pháp lý chưa hài lòng với thái độ, kỹ năng tiếp đối tượng trợ giúp pháp lý. Các Trung tâm trợ giúp pháp lý cũng đang ở tình trạng chưa có đủ nhân lực để kiểm tra, đánh giá 100% vụ việc đã hoàn thành trong khi phải tiếp tục thực hiện có chất lượng vụ việc các vụ việc mới.