HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN CỦA NHÀ ĐẦU TƢ NƢỚC NGOÀI TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
3.1.2. Sự hấp dẫn đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoà
Việc thu hút đầu tư nước ngoài được coi là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng và Nhà nước ta chủ trương “tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn quốc tế, thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, công nghệ nguồn, mở rộng thị trường xuất khẩu”. [15]
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn, Việt Nam đã và đang có một số chủ trương chính sách quan trọng, đó là:
Thứ nhất, Việt Nam đã thông qua Luật đầu tư năm 2005 chung cho các loại hình doanh nghiệp, đối xử bình đẳng quốc gia, không phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, hoàn toàn xóa bỏ phân biệt về giá và lệ phí đối với nhà đầu tư nước ngoài. Môi trường pháp lý và thể chế kinh tế thị trường của nước ta tiếp tục được hoàn thiện hơn và phù hợp với khu vực và thế giới. Văn bản pháp lý cơ bản hướng dẫn thực thi Luật Đầu tư năm 2005 đang được tiến hành rà soát và sẽ được sửa đổi như Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư.
Các biện pháp bảo đảm đầu tư được quy định trong Luật đầu tư năm 2005 và được quy định cụ thể trong Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 góp phần tăng thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Các biện pháp bảo đảm đầu tư được hiểu là các cam kết của Nhà nước Việt Nam về việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong quá trình tiến hành dự án đầu tư tại Việt Nam. Những biện pháp này bao gồm: bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm sự đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư, bảo đảm cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động đầu tư, bảo đảm việc chuyển lợi nhuận và thu nhập hợp pháp khác của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư khi có những thay đổi bất thường của chính sách, pháp luật và một số biện pháp bảo đảm đầu tư khác. Với mục tiêu kinh doanh để thu lợi nhuận, Nhà nước Việt Nam không những cam kết bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với phần lợi nhuận mà nhà đầu tư nước ngoài tạo ra trong quá trình thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam mà còn cam kết bảo đảm quyền được chuyển phần lợi nhuận đó ra nước ngoài. Những khoản hợp pháp
được chuyển ra nước ngoài bao gồm: Lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh; những khoản tiền trả cho việc cung cấp kỹ thuật, dịch vụ, sở hữu trí tuệ; tiền gốc và lãi các khoản vay nước ngoài; vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư; các khoản tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư; thu nhập hợp pháp của người lao động nước ngoài làm việc cho các dự án đầu tư. Theo pháp luật hiện hành về thuế và đầu tư của Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài không phải nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài như trước đây nữa. Đây là một chủ trương đúng của Nhà nước ta nhằm tránh đánh thuế trùng lặp, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nhà đầu tư.
Các biện pháp khuyến khích đầu tư cũng là một trong những biện pháp thu hút vốn đầu tư có hiệu quả. Theo tinh thần của Luật đầu tư năm 2005, các biện pháp khuyến khích đầu tư bao gồm ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư, cụ thể: các biện pháp khuyến khích về thuế, các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ về thủ tục hành chính, các biện pháp hỗ trợ phát triển trong quá trình đầu tư (hỗ trợ về đào tạo; khuyến khích phát triển dịch vụ đầu tư); các biện pháp liên quan đến chính sách sử dụng đất, mặt nước, mặt biển và các nguồn tài nguyên khác…
Thứ hai, ngoài các chương trình hợp tác đa phương, Chính phủ Việt Nam đã ký
hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 48 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam đã ký kết và tham gia vào các điều ước và diễn đàn quốc tế khu vực như Hiệp định khung về đầu tư khu vực ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO. Các cam kết quốc tế của Việt Nam đều hướng tới mục tiêu chung là nhằm mở cửa thị trường, tự do hóa hoạt động đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện giảm thiểu thủ tục hành chính trong khuôn khổ Đề án
30 của Chính phủ đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với phạm vi rộng lớn hơn, bao gồm cả một số tổng công ty, doanh nghiệp lớn làm ăn có hiệu quả, kể cả các ngành trước nay nhà nước giữ độc quyền như: Điện lực, bưu chính viễn thông, ngân hàng...Các nhà đầu tư nước ngoài đều được mua cổ phiếu của các doanh nghiệp trong nước.
“Theo đánh giá của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), giai đoạn 2008-2010 Việt Nam đứng thứ 11 trong số các quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất thế giới; giai đoạn 2011-2012 cũng theo đánh giá của tổ chức này, Việt
Nam đã vươn lên 3 bậc, xếp thứ 8 trong số các quốc gia hấp dẫn đầu tư. Đây là một trong những tín hiệu khả quan, chứng tỏ tình hình thu hút FDI tại Việt Nam sẽ được cải thiện trong thời gian tới- ông Đỗ Nhất Hoàng khẳng định. Điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) 2009-2011 của Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, Việt Nam vẫn được các công ty xuyên quốc gia (TNCs) đánh giá là một trong mười lăm nền kinh tế hấp dẫn cho đầu tư”. [81] Thời gian qua, một số quốc gia trên thế giới cũng đã bắt đầu quay lại Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư như: Vương quốc Bỉ, Hàn Quốc, Singapore, Italia, Nhật Bản,… điều này khẳng định sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư đồng thời khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trong số đó, tiêu biểu nhất là Nhật Bản, quốc gia hiện đang đứng thứ 4 trong tổng số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Như vậy, với tình hình chính trị ổn định, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài và tích cực thực hiện các hoạt động kinh tế đối ngoại trong năm 2011 sẽ tiếp tục củng cố lòng tin và làm gia tăng mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với nước ta trong năm 2011 và thời gian tới. Xuất phát điều này đòi hỏi nước ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật đầu tư.