định phương hướng, giải pháp đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Từ tổng quan đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường thể chế có thể rút ra những thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh Lạng Sơn như sau:
* Về thuận lợi:
- Do những đặc điểm về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội nói trên, Lạng Sơn có rất nhiều lợi thế cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lạng Sơn có tiềm năng và lợi thế so sánh để phát triển ngành thương mại - dịch vụ, kinh tế cửa khẩu. Thực hiện quyết định số 748/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/9/1997 về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại một số khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn, tiếp đến là từ khi quốc lộ 1A mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ, nhất là kinh tế cửa khẩu phát triển, góp phần tăng nhanh nguồn thu ngân sách Nhà nước; kích thích sản xuất nông, công nghiệp, xây dựng phát triển; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, kinh tế vùng, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Ngành công nghiệp Lạng Sơn trong những năm gần đây đã hình thành các nhóm ngành phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, các sản phẩm sản xuất ra ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng được nâng cao. Tốc độ chuyển dịch của ngành công nghiệp ngày càng tăng, khi tổ hợp than điện Na Dương hoạt động (cuối 2004) thì tốc độ chuyển dịch còn nhanh hơn nữa.
- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, con em các dân tộc Lạng Sơn được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ (trường học kiên cố, các lớp tạo nguồn, các lớp cử tuyển của Trung ương và địa phương…) đây chính là nguồn nhân lực quan trọng của tỉnh.
* Những khó khăn:
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, kinh tế - xã hội chậm phát triển trình độ dân trí thấp, do vậy khó khăn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế là rất lớn:
Là một tỉnh miền núi đất canh tác có độ dốc lớn, do canh tác lâu năm làm cho tầng đất mầu bị trôi kiệt; để lại đất trống đồi trọc. Sự phân bố đất đai không đều giữa các vùng; vùng cao, khe dọc, vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, việc định canh định cư cho đồng bào vùng cao chưa ổn định, sản xuất nông lâm nghiệp chưa toàn diện, mất cân đối.
Là một tỉnh của hơn 80% dân tộc thiểu số, chủ yếu sống ở vùng nông thôn, trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật còn rất thấp, kinh tế chủ yếu là tự cấp tự túc, phân tán, nhỏ lẻ, không thành vùng sản xuất hàng hoá. Do vậy sản xuất chưa có tích luỹ, không có điều kiện tái sản xuất mở rộng. Mức tăng dân số bình quân còn cao (hơn 2%).
Sản xuất công nghiệp địa phương còn nhỏ bé phân tán, đặc biệt là công nghiệp chế biến sau thu hoạch, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, nên sản phẩm nông sản, lâm sản hàng hoá không được chế biến chỉ ở dạng nguyên liệu, giá trị kinh tế đem lại thấp. Các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có đều trong tình trạng quy mô nhỏ, công nghệ và trang thiết bị lạc hậu nên năng suất và sản phẩm có chất lượng thấp, thiếu sức cạnh tranh.
Với địa bàn là một trung tâm giao lưu kinh tế, văn hoá thuận lợi, sống động, mặt trái của kinh tế thị trường có nhiều tác động không ít tiêu cực tới đời sống xã hội: buôn lậu, tham ô, nghiện hút, cờ bạc, mại dâm…ảnh hưởng tới sự ổn định và phát triển.
Kết cấu hạ tầng còn nghèo nàn và lạc hậu, đặc biệt hệ thống đường giao thông ở nhiều vùng nông thôn còn chưa được mở rộng và nâng cấp, hạn chế lớn
trong việc đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hoá. Các công trình thuỷ lợi mới tập trung chủ yếu cho sản xuất lúa, đối với cây trồng cạn chưa được quan tâm, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Sự thiếu hụt về lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật là một trở ngại đối với tiến trình phát triển của tỉnh khi chuyển sang giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá.