hoá, hiện đại hoá thời gian qua ở tỉnh Lạng Sơn
Từ năm 1986 trở về trước, Lạng Sơn là một tỉnh được tách ra từ tỉnh Cao Lạng (1978), sau đó lại bị tàn phá hết sức nặng nề bởi cuộc xung đột biên giới tháng 2/1979, do vậy tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của một tỉnh miền núi vốn đã thấp kém lại càng thấp kém hơn; các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương nghiệp toàn tỉnh hầu như không còn gì đáng kể; trường học, bệnh viện, nhà dân cũng bị phá sập; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân hết sức khó khăn. Trong giai đoạn này Lạng Sơn cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng: bảo vệ độc lập chủ quyền biên giới quốc gia và xây dựng Tổ quốc; vừa khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX (1981 - 1985), tỉnh đã khôi phục được một bước cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng, sản xuất đã được khôi phục và phát triển đạt tốc độ khá hơn giai đoạn trước, tổng sản phẩm xã hội tăng 6,9% (cả nước tăng 7,5%). Năm 1986, cơ cấu kinh tế ngành của tỉnh (tính theo giá thực tế) là: nông - lâm nghiệp: 63,17%; công nghiệp - xây dựng: 8,32%; thương mại - dịch vụ: 28,51%.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói chung và Lạng Sơn nói riêng.
Qua gần 20 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu, kinh tế Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,74%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; tình hình chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng ngày càng ổn định, vững chắc; cơ cấu kinh tế từng bước được chuyển dịch đúng hướng.
Để thấy rõ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh Lạng Sơn, luận văn đi sâu nghiên cứu từ thời kì 1991 đến nay.