hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Từ nội dung cơ cấu kinh tế, những nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội có thể đưa ra những nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang tính xu hướng sau:
1.2.2.1. Chuyển dịch cơ cấu ngành và nội bộ ngành
Tiếp cận về lý luận cho thấy: Cơ cấu kinh tế ngành và nội bộ ngành của bất cứ quốc gia nào cũng luôn ở trạng thái vận động, chuyển từ một cơ cấu kém hiệu quả sang một cơ cấu có hiệu quả hơn, các mối quan hệ cân đối tỷ lệ, được phát triển một cách hài hoà giữa các yếu tố của cơ cấu kinh tế ngành trong cả nước hoặc một địa phương. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và nội bộ ngành là
quá trình làm thay đổi cấu trúc các mối liên hệ giữa các ngành và nội bộ từng ngành của một nền kinh tế theo mục tiêu và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội nhất định.
Thực tiễn lịch sử, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành không chỉ đơn thuần phát triển công nghiệp mà còn làm thay đổi cơ cấu của các ngành và trong từng ngành, lĩnh vực, từng vùng và toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; không chỉ đi tuần tự qua các bước cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá mà còn kết hợp đồng thời các thành tựu trên nhiều lĩnh vực, mà còn phải chọn những mũi nhọn, đi tắt, đón đầu; không chỉ áp dụng những công nghệ tiên tiến mà còn phải biết kết hợp tận dụng và hiện đại hoá công nghệ truyền thống.
Ở nước ta, cơ cấu ngành và nội bộ ngành kinh tế ở miền Bắc bắt đầu xây dựng từ năm 1961 và được điều chỉnh qua các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng:
Cơ cấu ngành kinh tế lần đầu tiên được xác định là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm nhanh chóng xây dựng những cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta, nhằm biến miền Bắc nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên quá trình công nghiệp hoá thực hiện chưa được nhiều. Tuy vậy, cơ cấu ngành kinh tế thời kỳ này cũng thu được một số kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành công. Song nguồn lực chủ yếu để công nghiệp hoá thời kỳ này vẫn dựa vào sự viện trợ của Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, đất nước được thống nhất và cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã đề ra đường lối xây dựng nền kinh tế: “Đẩy mạnh công nghiệp hoá xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp thành một cơ cấu công - nông nghiệp, vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất, kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với việc xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; kết hợp kinh tế với quốc phòng”.
Thực hiện đường lối và kế hoạch tập trung phát triển công nghiệp nặng để từng bước hình thành cơ cấu công - nông nghiệp, chúng ta đã dồn quá nhiều vốn, vật tư, kỹ thuật và lao động cho công nghiệp nặng, nên ít quan tâm tới nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, làm mất cân đối trong đầu tư, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, đời sống khó khăn và làm cho nền kinh tế lâm vào khủng hoảng kinh tế năm 1979.
Đại hội Đảng lần thứ V (1982), Đảng ta đã xác định được điểm xuất phát của đất nước là “đang ở chặng đường đầu tiên” của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, đường lối công nghiệp hoá có sự điều chỉnh nhất định. Điểm nổi bật ở đây là coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, tập trung phát triển nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách và thiết yếu về lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng để dần dần ổn định đời sống.
Với sự điều chỉnh đó về cơ cấu ngành kinh tế nên đã tạo ra một bước phát triển nhất định trong nông nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng.
Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986) là cái mốc lịch sử mở đầu giai đoạn đổi mới toàn diện và sâu sắc ở nước ta, trong đó có sự đổi mới về các quan điểm kinh tế. Đảng ta chủ trương điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư theo hướng: phải tập trung sức người, sức của vào việc thực hiện cho được ba chương trình mục tiêu về lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Ba chương trình kinh tế là sự cụ thể hoá nội dung công nghiệp hoá trong chặng đường đầu tiên, định hướng cho sự phát triển tất cả các ngành, các hoạt động kinh tế, nhằm xây dựng cơ cấu ngành kinh tế hợp lý.
Tiếp đó, Đại hội VII và Đại hội VIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định và hoàn thiện thêm đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra. Trong giai đoạn này Đảng ta chủ trương chuyển dịch một cách căn bản và toàn diện về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá bao gồm cơ cấu ngành, cơ cấu vùng và cơ cấu thành phần kinh tế. Do vậy, qua 15 năm đổi mới, (1986 - 2000), việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đem lại những thành tựu to lớn trong đó, nền kinh tế đã hình thành cơ cấu 3 ngành rõ rệt theo tỷ trọng trong GDP như sau:
+ Nông nghiệp : 25% + Công nghiệp : 34,5% + Dịch vụ : 40,5%
Từ thực tiễn của 15 năm đổi mới, từ tình hình kinh tế -xã hội của đất nước và bối cảnh quốc tế, Đại hội IX của Đảng đã có sự bổ sung, phát triển một cách sâu sắc và toàn diện hơn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta đến năm 2010 và đến năm 2020 đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp tiên tiến và xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đến năm 2010, tỷ trọng các ngành trong GDP như sau:
+ Nông nghiệp : từ 16 - 17% + Công nghiệp : từ 40 - 41% + Dịch vụ : từ 42 - 43%
Có thể nói trên cơ sở nghiên cứu các tác phẩm của C.Mác, V.I.Lênin và của một số nhà kinh tế học, từ các quy luật khách quan, nhất là các quy luật kinh tế, lý luận về nội dung của cơ cấu kinh tế ngành, khảo sát sự vận động của lịch sử phát triển nền kinh tế thế giới và ở Việt Nam gắn với những thành công và chưa thành công liên quan đến sự vận động và phát triển của cơ cấu kinh tế giữa các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, có thể tìm ra xu hướng vận động cơ bản của cơ cấu kinh tế ngành và nội bộ ngành để từ đó xác định phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành có hiệu quả nhất:
Về cơ cấu ngành:
- Chuyển dịch đi từ cơ cấu kinh tế nông nghiệp lên cơ cấu kinh tế công nghiệp -nông nghiệp; từ cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp lên cơ cấu công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ; và từ cơ cấu công - nông nghiệp - dịch vụ lên cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp hiện đại.
- Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, theo hướng tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng lên trong GDP, trong đó ngành dịch vụ tăng nhanh hơn ngành công nghiệp.
Về cơ cấu nội bộ ngành:
- Ngành nông nghiệp: chuyển từ độc canh, thuần lương, tự cấp tự túc sang đa canh, phát triển toàn diện nông - lâm ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn nông nghiệp với tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ tại nông thôn.
- Ngành công nghiệp: Chuyển từ các ngành công nghiệp truyền thống (ngành sử dụng nhiều lao động chân tay và nhiều nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên) sang các ngành công nghiệp sử dụng ít lao động chân tay và nguyên liệu tự nhiên, tiến lên ngành công nghiệp công nghệ cao (Ngành sử dụng chủ yếu là lao động trí tuệ và vật tư nguyên liệu nhân tạo).
- Ngành dịch vụ: Dịch vụ thuần dịch vụ (dịch vụ cho con người) tăng nhanh hơn ngành dịch vụ sản xuất vật chất. Ngành dịch vụ vật chất gián tiếp (thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ…) tăng nhanh hơn ngành dịch vụ sản xuất trực tiếp.
1.2.2.2. Chuyển dịch cơ cấu vùng kinh tế
Lý luận và thực tiễn đều khẳng định rằng mọi cơ cấu kinh tế ngành và nội bộ ngành bao giờ cũng hoạt động trên những vùng kinh tế lãnh thổ nhất định. Do vậy, bất cứ nước nào trong quá trình công nghiệp hoá, đều phải gắn chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế và nội bộ ngành với chuyển dịch cơ cấu vùng kinh tế.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng lãnh thổ là trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng của từng vùng, để hình thành các vùng kinh tế thực hiện liên kết hỗ trợ nhau, làm cho tất cả các vùng đều phát triển. Đồng thời từng bước phát triển các đô thị và khu công nghiệp.
Thực tiễn nước ta, các vùng kinh tế hình thành một cách tự nhiên, tự phát và sau nhiều lần bổ sung, điều chỉnh mãi đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001- 2005) những tư tưởng cơ bản mang tính khoa học về cơ cấu kinh tế vùng mới được xác định. Đại hội đã chỉ rõ là phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm có mức tăng trưởng cao, tích luỹ lớn, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng khác trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng vùng, liên kết với vùng trọng điểm tạo mức tăng trưởng khá. Có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho
các vùng khó khăn để phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, đưa các vùng này vượt qua tình trạng kém phát triển. Như vậy, một mặt phải chấp nhận sự chênh lệch trong sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, mặt khác phải tạo điều kiện cho mọi vùng đều phát triển.
Về khu vực đô thị, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, là phát triển và phân bổ hợp lý mạng lưới đô thị trên các vùng với một số ít thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và hệ thống đô thị nhỏ, chú trọng phát triển đô thị miền núi.
Hiện đại hoá dần các thành phố lớn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông nghiệp. Không tập trung quá nhiều cơ sở công nghiệp và dân cư vào các đô thị lớn. Phát huy vai trò của đô thị là các trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá trên từng vùng, tạo thành vành đai nông nghiệp hiện đại ở các đô thị lớn.
Ngoài ra, Đại hội Đảng lần thứ IX còn coi trọng việc tập trung phát triển một số khu vực như: khu vực nông thôn đồng bằng; khu trung du miền núi; khu vực biển và hải đảo.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2001 - 2010 Đảng ta đã xác định nội dung việc chuyển dịch cơ cấu vùng kinh tế lãnh thổ theo hướng hình thành và phát triển 6 vùng kinh tế lớn sau:
- Đồng bằng Sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).
- Miền Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai và Vũng Tàu).
- Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Huế - Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất - Quy Nhơn - Khánh Hoà).
- Trung du và miền núi Bắc Bộ (Tây Bắc và Đông Bắc). - Tây Nguyên
- Đồng Bằng sông Cửu Long [14, tr.182- 187].
1. 2.2. 3. Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế
Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế từ đơn nhất sang nền kinh tế nhiều thành phần ở cả thành thị lẫn nông thôn hay nói cách khác, nội dung của chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế là đa dạng hoá các thành phần kinh tế.
Về cơ cấu thành phần kinh tế, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã chủ trương chuyển sang cơ cấu kinh tế nhiều thành phần coi đây là vấn đề có tính quy luật, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, là một đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nhất quán với quan điểm đổi mới của Đại hội VI, VII, VIII về phát triển cơ cấu nhiều thành phần kinh tế, Đại hội IX khẳng định: “Từ các hình thức sở hữu cơ bản: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân, hình thành nhiều thành phần kinh tế với những hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng, đan xen, hỗn hợp” [14, tr.96]. Theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ IX, hiện nay ở nước ta cơ cấu thành phần kinh tế gồm có 6 thành phần kinh tế:
- Kinh tế Nhà nước - Kinh tế tập thể
- Kinh tế cá thể, tiểu chủ - Kinh tế tư bản tư nhân - Kinh tế tư bản nhà nước
Các thành phần kinh tế này tạo thành một cơ cấu kinh tế thống nhất, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh nhau. Tất cả các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước trở thành thống trị, cùng với kinh tế tập thể hợp thành nền tảng của chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa.
Chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, các hình thức tổ chức kinh tế. Trong đó phải cải cách cơ bản thành phần kinh tế Nhà nước về cơ cấu ngành, cơ cấu sở hữu và cơ cấu vùng lãnh thổ để nó giữ được vai trò chủ đạo trong một số ngành, sản phẩm, và lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân ở cả thành thị và nông thôn
Cần ý thức sâu sắc rằng: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá qua ba nội dung nói trên đòi hỏi phải chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn cho phù hợp với thế mạnh của từng vùng, tạo ra những sản phẩm có lợi thế, những cụm công nghiệp chế biến, những thị trấn để giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập bằng tiền cho nông dân, trên cơ sở đó sẽ tạo ra sức mua lớn và phát triển thị trường tiêu thụ rộng lớn ở nông thôn.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đó là sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ tình trạng lạc hậu, mất cân đối, hiệu quả kém sang một cơ cấu kinh tế hợp lý, ngày càng hiện đại và có hiệu quả cao gắn với từng bước tiến của cơ sở vật chất kỹ thuật do công nghiệp hoá, hiện đại hoá tạo ra. Xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý (tối ưu) khi nó đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Phản ánh được và đúng các quy luật khách quan, nhất là các quy luật kinh tế và xu hướng vận động, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.