Các khó khăn về tâm lý

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ người việt nam di cư trái phép sang anh hồi hương và nhu cầu về dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (Trang 79 - 82)

Kết quả khảo sát tại các địa phương của nghiên cứu này cho thấy yếu tố gia đình có vai trò quan trọng trong quyết định di cư. Hầu hết những người di cư t đều bàn bạc với gia đình và bạn bè trước khi đi Anh. Những người sang Anh với mục đích chính là tìm kiếm việc làm và có thu nhập cao, do đó việc họ ra đi mang lại sự kỳ vọng rất lớn đối với gia đình và người thân về một cuộc sống sung túc sau khi trở về. Tuy nhiên, những bất trắc trong quá trình di cư và cả những rủi ro trên đất Anh đã khiến cho sự kỳ vọng đó không như mong đợi của chính họ và người thân trong gia đình.

Mặc dù đã có sự bàn bạc, thống nhất trước khi đi, nhưng không ít người cảm thấy món nợ chưa trả do vay để đi Anh là một cản trở trong quá trình tái hòa nhập với gia đình. Có 26,7% số người được hỏi cho rằng gia đình họ đã mong đợi quá mức về số tiền mà họ mang về, và điều này khiến họ cảm thấy bị áp lực.

Những người di cư trẻ chưa lập gia đình cho rằng mình ít chịu áp lực ngay cả khi chưa trả được hết nợ, mà trái lại luôn nhận được sự động viên, chia sẻ từ người thân: “Khi về không có tiền thì gia đình vẫn nghĩ bình thường thôi. Mình về được là may lắm rồi, quan trọng là con người thôi. Nhà mình hiện cũng không phải trả lãi ngân hàng vì trước

đó có đất bán để đi Anh (NTH, nữ, 30 tuổi, Quảng Bình).

Trong khi đó những người đã lập gia đình thường có xu hướng lo lắng cho tương lai và phần nào hối hận về quyết định ra đi của mình. Có một số người gặp phải các vấn đề trong gia đình như quan hệ vợ chồng và anh em gặp trục trặc, không vừa lòng nhau (liên quan đến chuyện vay nợ để đi Anh và không mang được tiền về), con cái học hành sa sút, hư hỏng do ít được quan tâm. Anh NVH (35 tuổi, Hải Phòng) cho biết:“Chuyện vợ

69

chồng căng thẳng với nhau chắc chắn là có, nhất là lúc chuẩn bị đáo hạn nợ ngân hàng.

Nói chung là xoay như chong chóng. Lúc đó cãi vã là chuyện bình thường”. Còn anh

CDT (39 tuổi, Hà Tĩnh) thì cho rằng “áp lực, khó khăn lớn nhất là đi về không có tiền. Trong nhà nhiều khi vợ chồng con cái cũng lục đục”.

Có những người đi tới 3 - 4 năm, thậm chí là 5 - 7 năm mới về lại Việt Nam, vì vậy, giữa vợ và chồng không tránh khỏi việc nghi ngờ về sự chung thủy của nhau: “Mình

đi chẳng biết vợ ở nhà nó như thế nào” (NVH, nam, 35 tuổi, Hải Phòng). Một số ít trường

hợp trong mẫu nghiên cứu có gia đình bị đổ vỡ liên quan đến việc người chồng đi Anh:

Khi đi mình có vợ con, khi về thì không có vợ con nữa. Biết vợ nó bỏ mình thì kiểu gì

mình cũng ở lại bên đó chứ chẳng về đây nữa” (LVH, nam, 39 tuổi, Hà Nội). Một người

khác cũng ở Hà Nội thì cho biết: “Cái buồn nhất khi đi về là vợ chồng nó không còn được như cũ nữa, rồi ly dị. Đấy là cái sai lầm nhất của mình. Có khả năng là cũng vì xa nhau

quá, rồi cũng nhiều cái” (HVC, nam, 33 tuổi, Hà Nội).

Hộp 2.13. Gia đình đổ vỡ vì có người đi Anh

Hỏi: Anh có gia đình chưa?

Đáp: Đấy là cái buồn nhất khi đi về. Vợ chồng nó không còn được như cũ nữa. Lúc đi thì con đã được 1,5 tuổi.

Hỏi: Khi về thì vợ anh quyết định ly hôn?

Đáp: Đấy nó là cái sai lầm nhất của mình. Có khả năng là cũng vì xa nhau quá, rồi cũng nhiều cái.

Hỏi: Và anh cho rằng nó liên quan đến việc mình đã đi nước ngoài?

Đáp: Thì rõ ràng là nếu mình không đi thì không có chuyện ấy xảy ra.

Hỏi: Hồi anh về nước và chuyện vợ chồng gặp trục trặc thì anh và chị đã trao đổi với nhau như thế nào? Có tìm cách hàn gắn không?

Đáp: Cũng có. Về vợ làm đơn xin ly hôn xong rồi tự rút đơn về nói chuyện xong rồi bảo, thôi em sai bỏ qua sống vì con. Nhưng sau thì cũng, cuối cùng…

70

Việc những gia đình có người đi làm ăn ở nước ngoài gặp phải mâu thuẫn, trục trặc cũng được người dân địa phương thuộc địa bàn nghiên cứu chia sẻ:“Cứ 10 gia đình có vợ

hoặc chồng đi nước ngoài thì có đến chín gia đình có sự lục đục” (PVK, nam, 55 tuổi, Hà

Nội).

Đặc biệt, phụ nữ thườnggặp nhiều khó khăn hơn trong chuyện hôn nhân gia đình khi hồi hương. Những người này thường bị dư luận xã hội dị nghị và đàm tiếu. Có người bị nghi đã làm nghề bán dâm hoặc có mối quan hệ tình cảm – tình dục với người không phải chồng mình trong khi ở nước ngoài: “Mình sang bên đó trông trẻ chứ có đi làm gì

đâu mà xung quanh họ nhìn mình với ánh mắt khác - ám chỉ dư luận thường nghi ngờ

người phụ nữ có thể làm mại dâm để kiếm tiền” (TTL, nữ, 39 tuổi, Hà Nội).

Ngoài những khó khăn nêu trên, phụ nữ di cư trái phép hồi hương mà bị thất bại cũng ít nhận được sự thông cảm từ người chồng hơn so với sự thông cảm mà phụ nữ dành cho chồng mình khi hồi hương: “Ông ấy hay đánh chị. Cứ bạn bè ông ấy khích bác hay khi ông ấy uống rượu say là ông ấy lại lôi chị ra đánh. Ông ấy rủa chị mấy năm đi Tây mà chỉ mang được mấy đồng bạc về. Ông ấy đâu có biết chị ở bên đấy chị cực khổ như thế nào. Ngày trước, trước khi chị đi, ông ấy cũng đã từng đánh chị nhưng sau khi chị đi

về ông ấy đánh chị nhiều hơn” (LTT, nữ, 42 tuổi, Quảng Bình).

Những ảnh hưởng tiêu cực ở các gia đình có người di cư sang Anh được đề cập ở đây cũng giống với những ảnh hưởng tiêu cực xảy ra với các gia đình có người đi xuất khẩu lao động mà các nghiên cứu khác đã đề cập. Đây là sự nhắc nhở đối với các gia đình đã, đang và sắp có người đi làm ăn xa nói chung và đi nước ngoài nói riêng, đặc biệt là các trường hợp đi trái phép trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình và chăm lo cho con cái. Và đây cũng là những gợi ý đối với các chương trình hỗ trợ người xuất khẩu lao động nói chung và người di cư trái phép sang Anh nói riêng. Theo đó, hoạt động cung cấp thông tin, hướng dẫn và tư vấn trước khi đi và tư vấn, hỗ trợ sau khi hồi hương để tái hòa nhập cần được nhấn mạnh để những người di cư và gia đình của họ đương đầu và giải quyết được các ảnh hưởng tiêu cực tới gia đình.

71

Cùng với những vấn đề liên quan đến quan hệ trong gia đình thì những khía cạnh khác cũng đã được đề cập trong chương này để hoàn thiện chân dung xã hội của người di cư trái phép sang Anh hồi hương. Từ thông tin về địa bàn cư trú và nhân khẩu học cho đến sự gian nan và nguy hiểm trên hành trình di chuyển, những khó khăn và rủi ro khi cư trú và lao động bất hợp pháp ở Anh, và những thách thức mà người di cư phải đối mặt trong quá trình tái hòa nhập sau khi hồi hương.

Chúng ta thấy được là phong trào đi Anh đã diễn ra rầm rộ ở một số địa phương. Với niềm tin sang Anh sẽ có việc làm thu nhập cao, họ đã tốn rất nhiều tiền, mà đa phần phải đi vay, cho các đường dây đưa người để được đi Anh theo cách hoàn toàn trái phép. Cư trú ở Anh mà không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, họ được coi là “người rơm”. Đây cũng chính là lý do khiến cho họ khó tìm được việc làm hoặc chỉ được trả công thấp bởi ai thuê lao động bất hợp pháp ở Anh sẽ bị chính quyền phạt. Không xin được việc làm hợp pháp họ đã tìm đến việc làm bất hợp pháp là các cơ sở trồng cây cần sa. Tuy nhiên cũng có không ít người đã xác định ngay từ đầu là sang Anh để trồng cần sa vì lợi nhuận từ công việc này quá lớn. Tuy nhiên, thuận lợi chỉ đến với những người sang Anh giai đoạn đầu khi chính quyền sở tại chưa xiết chặt các biện pháp về quản lý nhập cư, lao động và hoạt động trồng cần sa. Những người đi giai đoạn sau đã nhanh chóng vỡ mộng vì không những không có việc làm và thu nhập như mong đợi mà còn bị bắt giữ và xử tù.

Hồi hương về Việt Nam trong khi chưa kiếm đủ số tiền đã vay để đi Anh, nhiều người gặp phải các thách thức không dễ vượt qua trong quá trình tái hòa nhập. Đó là gánh nặng nợ nần và áp lực đi kèm, khó tìm việc làm và thu nhập ổn định đủ để trang trải cuộc sống và quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng. Đối mặt với các khó khăn này, người di cư hồi hương quan tâm đến những hỗ trợ nào để giúp họ ổn định cuộc sống? Chương 3 của nghiên cứu đi sâu vào vấn đề này.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ người việt nam di cư trái phép sang anh hồi hương và nhu cầu về dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)