Kết quả đạt được

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam – CN Sở giao dịch 1 Thực trạng và giải pháp (Trang 39 - 42)

Khách hàng

2.4.1.Kết quả đạt được

Thứ nhất, cơ cấu tổ chức ngày càng được hoàn thiện

Với mục tiêu hướng tới một ngân hàng hiện đại, mô hình tổ chức hoạt động của chi nhánh đã được thay đổi căn bản về cơ cấu tổ chức nhằm hướng tới khách hàng, thúc đẩy và cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng. Việc tạo lập cơ cấu tổ chức mới như: có bộ phận chuyên xử lý nợ xấu/nợ chỉ định và bộ phận chuyên quản lý rủi ro tín dụng tại các chi nhánh đã tạo ra sự tách bạch rõ ràng chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận trong hoạt động tín dụng giúp cho BIDV nói chung và CN SGD1 nói riêng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, tăng khả năng hạn chế rủi ro. Đồng thời việc đổi mới mô hình tổ chức kiểm tra kiểm soát cho phù hợp với luật sửa đổi, bổ sung luật tổ chức tín dụng đã góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát.

Thứ hai, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2006

Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của BIDV là sự kết hợp của ba phương pháp: phương pháp chấm điểm các nhóm chỉ tiêu tài chính và phi tài chính của từng khách hàng, phương pháp chuyên gia và phương pháp thống kê để xếp hạng khách hàng. Các phương pháp phân tích/ đo lường tín dụng này được đánh giá là gần với thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, phương pháp chấm điểm trong hệ thống tín dụng nội bộ của BIDV là phương pháp phổ biến trên thế giới, được các tổ chức định hạng quốc tế như S&P… sử dụng, theo đó việc xếp hạng khách hàng được thực hiện thông qua việc chấm điểm một bộ các chỉ tiêu liên quan đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng. Hệ thống xếp hạng tín dụng của BIDV bao gồm 14 chỉ tiêu tài chính (như vốn chủ sở hữu/tổng tài sản, nợ dài hạn/vốn chủ sở hữu, lợi nhuận/doanh thu…) và 40 chỉ tiêu phi tài chính (như khả năng trả nợ từ lưu chuyển tiền tệ, trình độ quản lý, quan hệ với ngân hàng…), được phân đến 3 cấp. Các chỉ tiêu này có mối quan hệ với nhau, bổ sung lẫn nhau và được lượng hóa tối đa nhằm giảm thiểu các sai sót chủ quan của người đáng giá. Mặt khác các thông tin trong bảng xếp hạng tín dụng nội bộ được xây dựng trên cơ sở các chỉ tiêu bù trừ lẫn nhau vì thế nó có khả năng tự bộc lộ những bất cập của kết quả đánh giá nếu như cán bộ tín dụng đánh giá sai. Điều này sẽ giúp người phê duyệt dễ dàng phát hiện các sai sót trong quá trình chấm điểm của cán bộ tín dụng.

Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ được xây dựng thành ba mô hình cho ba loại khách hàng chính là khách hàng là tổ chức tín dụng, khách hàng là tổ chức kinh tế và khách hàng là tổ chức cá nhân trong đó cơ cấu xếp hạng đối với khách hàng là tổ chức kinh tế là cốt lõi bởi đây là đối tượng khách hàng có tổng dư nợ chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Hệ thống xếp hạng tín dụng theo thông lệ quốc tế là tiền đề để BIDV nói chung và Chi nhánh SGD1 nói riêng hoàn thiện các quy trình, thủ tục cấp tín dụng qua đó nâng cao chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Hệ thống xếp hạng tín dụng của BIDV khi thực hiện cổ phần hóa, trợ giúp cho BIDV trong việc kiểm soát toàn bộ danh mục tín dụng cũng như đánh giá khách hàng vay vốn một cách có hệ thống trên cơ sở tập hợp các thông tin chuyên ngành và thông tin tổng hợp về nền kinh tế nói chung trong mối liên hệ tới quy mô khách hàng. Ngoài ra hệ thống còn giúp ngân hàng có cơ sở đánh giá thống nhất và mang tính hệ thống trong suốt quá trình tìm hiểu về khách hàng, xem xét dự án đầu tư, đánh giá phân tích, thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng, định giá các khoản vay.

Đến nay, BIDV vẫn được xem là ngân hàng đi đầu trong việc triển khai thực hiện phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu theo chuẩn mực quốc tế của BIDV nói chung và Chi nhánh SGD 1 nói riêng có xu hướng giảm đáng kể. Từ năm 2010 đến năm 2012 tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh lên tục giảm. Điều này thể hiện sự cố gắng nỗ lực của toàn chi nhánh trong việc triển khai thực hiện chính sách quản lý rủi ro tín dụng đem lại hiệu quả cao. Tỷ lệ nợ xấu nằm trong giới hạn an toàn và đạt được kế hoạch được giao của Hội sở chính.

Thứ tư, kiểm soát tốt nợ quá hạn

Năm 2010, sau một thời gian gia nhập tổ chức thương mại thế giới, tình hình kinh tế Việt Nam cũng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Cùng với đó là sự xuất hiện của rất nhiều các doanh nghiệp mới, những doanh nghiệp này mới hoạt động nên chưa có kinh nghiệm lại vấp phỉa sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nên điều tất yếu gặp phải là kinh doanh chưa hiệu quả. Nền kinh tế có nhiều biến động như năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế Thế giới đã ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế trên Thế giới. Về phía Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp thì cũng có giới hạn vì Việt Nam chưa tham gia nhiều vào thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp thông qua kênh lãi suất tín dụng giữa các ngân hàng Libor và kênh vốn đầu tư trực tiếp FDI. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn, tình trạng không có khả năng thực hiện nghĩa vụ theo cam kết với ngân hàng là điều khó tránh khỏi. Và cho đến năm 2010, nền kinh tế có chiều hướng đi xuống đặc biệt là đối với ngành ngân hàng, vấn đề rủi ro tín dụng luôn là vấn đề cấp bách được đặt lên hàng đầu tại mỗi ngân hàng. Mặc dù vậy, Chi nhánh Sở giao dịch 1 đã rất thành công trong việc kiểm soát nợ quá hạn. Điều này khẳng định, Chi nhánh đã rất cố gắng và thận trọng trong tất cả các khâu của qui trình cho vay để đôn đốc kịp thời việc thu hồi các khoàn nợ gốc và lãi nhằm đem lại sự an toàn về tài sản cho Ngân hàng.

Thứ năm, cơ cấu tín dụng có sự chuyển biến tích cực

Cơ cấu tín dụng theo loại hình khách hàng chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng cho vay các doanh nghiệp nhà nước, tăng dần tỷ trọng cho vay đối với thành phần kinh tế phi nhà nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế kinh tế hiện nay.

Tăng tỷ trọng cho vay ngắn hạn, giảm tỷ trọng cho vay trung dài hạn, tăng tỷ trọng cho vay thương mại và giảm dần tỷ trọng cho vay chỉ định. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì việc tách bạch giữa cho vay thương mại và chỉ định là một trong những yêu cầu của ngân hàng thế giới và điều này góp phần giúp cho BIDV nói chung và Chi nhánh SGD1 nói riêng hướng tới một ngân hàng hiện đại trong tương lai.

Thứ sáu, tập trung hóa cơ sở dữ liệu khách hàng

Chi nhánh SGD 1 là một trong 7 chi nhánh trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống BIDV triển khai hệ thống ngân hàng tích hợp. Việc triển khai thành công dự án hiện đại hóa, BIDV đã thay đổi kiến trúc của hệ thống ứng dụng hiện tại từ định hướng theo tài khoản sang định hướng theo khách hàng theo thông lệ quốc tế (dựa trên việc tập trung hóa cơ sở dữ liệu khách hàng và tài khoản). Qua đó, hệ thống thông tin quản lý cũng được thay đổi một cách căn bản. Đây là một bước tiến quan trọng đưa BIDV trở thành một ngân hàng hiện đại, tăng hiệu suất kinh doanh và phát triển một cách bền vững.

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam – CN Sở giao dịch 1 Thực trạng và giải pháp (Trang 39 - 42)