Thực hiện chính sách quản lý rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam – CN Sở giao dịch 1 Thực trạng và giải pháp (Trang 31 - 33)

CHI NHÁNH SỞ GIAO DỊCH

2.3.1.Thực hiện chính sách quản lý rủi ro tín dụng

Chi nhánh Sở giao dịch 1 luôn quán triệt sâu sắc chính sách quản lý rủi ro tín dụng do Hội sở chính xây dựng cho từng thời kỳ trong đó nêu ra các định hướng tín dụng cho từng ngành, thành phần kinh tế, định hướng cho đầu tư và một số vùng kinh tế, các sản phẩm tín dụng, quy định về thẩm quyền phê duyệt.

Để đảm bảo đưa hoạt động tín dụng của CN Sở giao dịch 1 phát triển theo đúng định hướng, đạt được mục tiêu an toàn, hiệu quả, tăng trưởng bền vững và kiểm soát được rủi ro cũng như tiến dần đến thông lệ quốc tế, chi nhánh đã xây dựng được chính sách quản lý rủi ro tín dụng với những nội dung cơ bản sau đây:

* Cơ chế phân cấp ủy quyền trong phê duyệt tín dụng được thực hiện theo nguyên tắc:

- Tạo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp điều hành, đảm bảo tuân thủ các chế độ và quy định, phù hợp với quy mô, điều kiện của từng đơn vị, trình độ, năng lực và phẩm chất của người được ủy quyền, bảo đảm hiệu quả, an toàn, chất lượng của hoạt động tín dụng, tuân thủ đúng, đủ các quy trình đánh giá, thẩm định và phê duyệt tín dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân cấp ủy quyền.

- Hội đồng quản trị không trực tiếp phê duyệt tín dụng, chỉ phê duyệt chính sách, các giới hạn tín dụng ở một số lĩnh vực, ngành nghề chủ yếu.

- Các cấp thẩm quyền phê duyệt tín dụng và được ủy quyền phê duyệt tín dụng do Tổng giám đốc quyết định.

- Người có thẩm quyền phê duyệt tín dụng quyết định các nội dung: Quyết định cho vay, quyết định giải ngân, quyết định xử lý thu hồi nợ vay, quyết định xử lý gia hạn nợ, điều chỉnh các kỳ hạn nợ...

Bên cạnh đó, Chi nhánh luôn quán triệt theo chỉ đạo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong việc thực hiện định huớng chung của toàn hệ thống về hoạt động tín dụng như:

*Sản phẩm tín dụng: bao gồm toàn bộ các hình thức cấp tín dụng cho mọi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và pháp luật không cấm.

*Giới hạn tín dụng cho toàn bộ hệ thống: Mục tiêu là giảm tỷ trọng cho vay trung-dài hạn, giảm tỷ trọng cho vay theo chỉ định.

*Một số lĩnh vực đầu tư chủ yếu: Xây lắp dân dụng, công nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, năng lượng, dầu khí, du lịch, các khu công nghiệp trọng điểm.

* Chính sách khách hàng trong hoạt động tín dụng: Lựa chọn khách hàng theo yêu cầu, có đầy đủ tư cách pháp nhân, thể nhân theo luật định, có tình hình tài chính lành mạnh, thời gian được phép kinh doanh hợp lý với thời gian vay vốn, hoạt động kinh doanh có lãi, thực hiện chuyển dịch cơ cấu khách hàng theo hướng giảm tỷ trọng cho vay doanh nghiệp nhà nước, tăng cho vay đối với khách hàng phi nhà nước, kết hợp chuyển dịch cơ cấu ngành nghề với cơ cấu khách hàng.

* Tài sản đảm bảo: Nội dung bảo đảm tiền vay được thực hiện phù hợp với quy định của chính phủ, NHNN và của Hội sở chính, việc nhận tài sản đảm bảo cần được xem xét cụ thể đối với từng khách hàng, trên cơ sở khả năng vay trả, định hạng rủi ro tín dụng, phát mại tài sản cầm cố, thế chấp…

* Quản lý tín dụng: Việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro được thực hiện theo quy định của NHNN và theo hướng dẫn của Tổng giám đốc ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam.

* Quy trình tín dụng: hiện nay BIDV đã ban hành các quy trình tín dụng, thẩm định theo tiêu chuẩn ISO, ngoài ra trong năm 2004 ngân hàng còn ban hành sổ tay tín dụng nhằm đảm bảo cho quá trình cấp tín dụng được đảm bảo theo đúng trình tự, phân tách được trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của các thành viên tham gia, nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế được rủi ro.

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam – CN Sở giao dịch 1 Thực trạng và giải pháp (Trang 31 - 33)