Đặc điểm tình hình tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố Hà Nội.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các đơn vị cơ sở hành chính, sự nghiệp của thành phố Hà Nội doc (Trang 51 - 57)

quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố Hà Nội.

Đối với các cơ quan hành chính của Thành phố Hà Nội.

Hiện nay số cơ quan hành chính từ thành phố đến cơ sở của Thành phố sau khi mở rộng là 23 sở, ban, ngành cấp Thành phố, 29 quận, huyện, thị xã và 589 xã, phường, thị trấn. Theo báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, bộ máy chính quyền, đoàn thể mới đã giải quyết thành công nhiều vụ việc, bố trí sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, điều kiện làm việc của các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm sự đoàn kết thống nhất vận hành thông suốt. Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; xác định cải cách thủ tục hành chính và công tác cán bộ là khâu đột phá. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy và cán bộ. Xây dựng cơ chế và thực hiện luân chuyển cán bộ, công chức trong quá trình công tác theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Hoàn thành xây dựng Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tiêu chuẩn ISO gắn với cải cách hành chính. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của của nhân dân trong các hoạt động kinh tế - xã hội của Thành phố.

Tuy nhiên, sau hơn một năm mở rộng, vẫn còn thực trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, số lãnh đạo cấp phó ở một số sở, ngành còn nhiều, chất lượng chưa đồng đều. Việc phân công công việc chưa hợp lý. Ngoài ra, thủ tục hành chính ở một số nơi còn rườm rà. Trong bộ máy chính quyền, trách nhiệm, kỷ cương ở một số nơi bị giảm sút nên hiệu quả quản lý, điều hành chưa tốt; tiến độ thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp còn

51

chậm. Các cấp chính quyền chưa thật sự nhận thức sâu sắc “chính quyền của dân, do dân, vì dân”; chưa chuyển được nhận thức thành trách nhiệm và hành động tự giác, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn chưa đạt yêu cầu và còn bộc lộ những yếu kém. Không ít cơ quan năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên chưa ngang tầm nhiệm vụ, chất lượng sinh hoạt, tự phê bình và phê bình yếu; chưa thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; việc đánh giá, phân loại tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên ở nhiều nơi chưa phản ánh đúng thực chất.

Cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Số chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở trong các cơ quan, đơn vị hành chính là 1.605 chi bộ, với 15.587 đảng viên. Tổ chức cơ sở đảng và chi bộ trong các cơ quan, đơn vị hành chính không trực tiếp quyết định công tác chuyên môn và công tác cán bộ của đơn vị, nhưng có nhiệm vụ tham gia lãnh đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhìn chung các tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan hành chính đã thực hiện được vai trò là hạt nhân chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.

Hạn chế chung trong hoạt động của các chi bộ, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị hành chính là khối lượng công việc nhiều, thường bị chi phối bởi nhiệm vụ chuyên môn, thời gian và sức lực dành cho sinh hoạt chi bộ nói riêng và hoạt động công tác đảng nói chung còn hạn chế.

Mô hình tổ chức chi bộ trong các cơ quan, đơn vị hành chính tương đối gọn, thường là mỗi đơn vị công tác trong một cơ quan có 3 đảng viên chính thức trở lên, thành lập một chi bộ, cho nên số chi bộ ghép giữa các đơn vị có nhiệm vụ chuyên môn tương đối khác nhau không nhiều, chủ yếu tập trung ở các chi bộ cơ quan đối với xã, phường, thị trấn, nhưng tổ chức sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt chuyên môn đôi khi lẫn lộn, chồng chéo nhau. Nhiều chi bộ nghiêng về sinh hoạt chuyên môn là chủ yếu. Mặt khác, các cơ quan hành chính thực hiện cơ chế quản lý và điều hành theo chế độ thủ trưởng, tổ chức

52

cơ sở đảng và chi bộ không trực tiếp quyết định nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ; vì vậy, nếu thủ trưởng cơ quan không kiêm bí thư thì công tác đảng thường gặp khó khăn, bị động, lúng túng, ngược lại, nếu đồng chí thủ trưởng kiêm bí thư nhưng không dành thời gian thích đáng cho công tác đảng, thì công tác đảng cũng gặp khó khăn.

Đối với các đơn vị sự nghiệp.

Với tầm vóc của Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện, các viện nghiên cứu trực thuộc Trung ương, vùng và địa phương. Hiện nay có khoảng 93 trường đại học, cao đẳng, có 54 bệnh viện, 71 viện nghiên cứu, chưa kể các trường dạy nghề, phổ thông trung học, phổ thông cơ sở và tiểu học, các trung tâm y tế, trung tâm văn hóa, thể thao. Những năm gần đây, Hà Nội đẩy mạnh phát triển các cơ sở sự nghiệp văn hóa, xã hội; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế”. Tiếp tục ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đẩy mạnh việc thực hiện chương trình kiên cố hóa, hiện đại hóa trường lớp, lựa chọn chương trình, mục tiêu về nâng cao điều kiện vật chất các trường lớp phục vụ giảng dạy và học tập; đưa tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2009 lên trên 19%. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh và quản lý. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế, chú trọng các hoạt động về chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng, ngăn ngừa; chủ động xử lý kịp thời các dịch bệnh, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất tuyến y tế cơ sở, nâng tỷ lệ trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia năm 2009 lên 82%.

Các chi bộ giáo viên trong các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các trường PTTH có nhiệm vụ chủ yếu là lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, giáo dục và rèn luyện học sinh, sinh viên. Chi bộ ban, phòng chức năng trong các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề có nhiệm vụ lãnh đạo các ban, phòng (như quản lý đào tạo, quản lý khoa học, tổ chức - cán bộ, hành chính - quản trị, các trung tâm, trạm, trại, xưởng thực hành…) làm nhiệm vụ quản lý và tham mưu từng mặt công tác: đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào sản xuất, quản lý cơ sở vật chất… Các chi bộ sinh viên được tổ chức ở các khoa, khối lớp có đông đảng viên là sinh viên. Nhiệm vụ của chi bộ sinh viên là lãnh đạo sinh viên trong học tập, rèn luyện và công tác; kết nạp đảng trong sinh viên. Một số cơ sở đào tạo thành lập các đảng bộ bộ phận ở những bộ phận có đông đảng viên và nhiều chi bộ trực thuộc. Một số trường đại học, cao đẳng, có các bộ phận chức năng có đông đảng viên và thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ khác nhau tổ

53

chức thành các đảng bộ bộ phận, giúp đảng ủy cơ sở tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc.

Mặt khác, do số lượng đảng viên sinh hoạt và mô hình tổ chức đặc thù, trong một số đơn vị còn có loại mô hình tổ chức chi bộ độc lập và chi bộ ghép. Chi bộ độc lập gồm các đảng viên cùng đơn vị chuyên môn; chi bộ ghép giữa các ban, phòng, trạm, trại, ghép sinh hoạt giữa sinh viên các lớp trong một khoa, một khối, ghép sinh hoạt giữa đảng viên là giáo viên, cán bộ với sinh viên. Trong các chi bộ độc lập có 2 dạng, hoặc gồm những sinh viên cùng lớp, hoặc cùng chuyên ngành, cùng khối.

Chất lượng sinh hoạt của chi bộ có phần phụ thuộc vào mô hình tổ chức chi bộ. Trong các chi bộ độc lập, vì có cùng chức năng chuyên môn, nên việc xác định nội dung, hình thức sinh hoạt, tổ chức sinh hoạt thuận lợi hơn, đặc biệt trong các nội dung lãnh đạo thực hiện công tác chuyên môn thiết thực hơn, phù hợp tính chất công việc hơn. Đối với các chi bộ ban, phòng, trạm, trại… do làm việc theo giờ hành chính, ít phải đi công tác xa, nên dễ duy trì nền nếp sinh hoạt hơn, số lượng đảng viên sinh hoạt đông đủ hơn.

Đối với các chi bộ ghép ở các khoa, phòng…việc xác định nội dung sinh hoạt, duy trì nền nếp sinh hoạt khó hơn. Đảng viên có thể ở nhiều đơn vị chuyên môn, do đó việc cụ thể hóa công tác lãnh đạo thực hiên nhiệm vụ chính trị của đơn vị gặp khó khăn hơn. Với các chi bộ ghép ít đảng viên thì chất lượng sinh hoạt thường không cao do khó giữ nền nếp sinh hoạt. Các chi bộ đông đảng viên, việc giữ nền nếp sinh hoạt và đảm bảo số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt cũng khó hơn; đảng viên ít có thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến. Với những chi bộ ghép từ nhiều đơn vị chức năng, nhiệm vụ chuyên môn chỉ dừng ở phương hướng chung, ít bàn đến những biện pháp cụ thể. Đối với các chi bộ sinh viên, đảng viên sinh viên luôn biến động, bộ phận sinh viên ra trường còn lưu sinh hoạt theo qui định thường tham gia sinh hoạt có tính chất hình thức, chiếu lệ, số lượng đảng viên sinh hoạt ít khi đầy đủ, phê bình và tự phê bình yếu. Sinh hoạt chi bộ trong cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp thường tổ chức ngoài giờ hành chính, hoặc kết hợp với sinh hoạt chuyên môn, nên dễ bị bớt xén thời gian, sơ sài về nội dung, đơn điệu về hình thức và đôi khi trùng lặp với nhiệm vụ chuyên môn.

Các tổ chức cơ sở đảng ở các viện nghiên cứu, bệnh viện công lập, các trung tâm y tế, tổ chức các chi bộ trực thuộc ở các bộ phận chuyên môn, như các phòng nghiên cứu, các khoa chữa bệnh, có nhiệm vụ lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Các chi bộ ở các ban, phòng chức năng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phục vụ nghiên cứu, chữa bệnh, tham mưu, quản lý. Do qui mô tổ chức và số lượng đảng viên,

54

một số tổ chức đảng của các viện nghiên cứu, bệnh viện phải thực hiện mô hình ghép giữa các khoa, phòng, do đó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động và sinh hoạt chi bộ.

Về trình độ lý luận, nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Hà Nội khá cao. Công tác chuyên môn và đời sống của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị cơ bản tương đối ổn định. Tuy nhiên, hầu hết thời gian, công sức cán bộ đảng viên tập trung vào công tác chuyên môn, nên việc quan tâm đến công tác đảng, đội ngũ cấp ủy có năng lực chuyên môn cao nhưng ít kinh nghiệm và hạn chế về công tác đảng.

Về số lượng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Đảng bộ Hà Nội tính đến tháng 12 năm 2008 có 2.988 tổ chức cơ sở đảng, trong đó cơ quan hành chính có 579 tổ chức cơ sở đảng và đơn vị sự nghiệp có 588 tổ chức cơ sở đảng. Số chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở là 16.117 chi bộ, trong đó cơ quan hành chính có 1.065 chi bộ và đơn vị sự nghiệp có 1.880 chi bộ.

Số đảng viên của toàn Đảng bộ tính đến tháng 12-2008 có 314.670 đảng viên, trong đó cơ quan hành chính có 15.587 đảng viên, đơn vị sự nghiệp có 27.045 đảng viên.

Về trình độ cán bộ, đảng viên.

Trình độ học vấn: Theo thống kê của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, số người có trình độ Trung học phổ thông trở lên là 150.109 người, đại học trở lên 70.000 người; trình độ lý luận chính trị: sơ cấp: 80.696 người, trung cấp: 47. 593 người, cao cấp, cử nhân là 14.149 người; trình độ chuyên môn nghiệp vụ: công nhân kỹ thuật: 32.989 người, trung cấp, cao đẳng: 49.000 người, cử nhân: 61.953 người; Thạc sĩ, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học có hơn 8.000 người; độ tuổi đảng viên: từ 18 đến 30 tuổi là 17.348 người, từ 31 đến 50 tuổi có 76.979 người, từ 50 tuổi trở lên có 92.339 người.

Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhìn chung được thử thách, rèn luyện trong các môi trường chuyên môn nên đại bộ phận có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Đông đảo cán bộ, đảng viên đã ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng. Về đạo đức, lối sống, số đông cán bộ, đảng viên giữ được đạo đức, lối sống lành mạnh. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên phải bươn chải, gian khổ đấu tranh, vượt lên bằng việc nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công việc, tích cực hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều cán bộ đảng viên

55

hăng hái thực hiện đường lối và chính sách đổi mới, trở thành những nhân tố đi đầu, ngăn chặn tiêu cực, làm lành mạnh hoá môi trường, có ảnh hưởng tốt đối với nhân dân và xã hội. Họ là hạt nhân đoàn kết trong cơ quan, đơn vị; hăng hái đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực.

Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đồng thời do đòi hỏi của công tác chuyên môn, đại bộ phận cán bộ, đảng viên đều có ý thức nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận. Từ đó, phương pháp tư duy của cán bộ, đảng viên được nâng lên, trong xử lý công việc đã biết đặt đơn vị, địa phương mình trong tổng thể chung của Thành phố. Sự cố gắng của cán bộ, đảng viên trên địa bàn Thành phố là những nhân tố rất quan trọng góp phần làm nên những thành tựu kinh tế - văn hoá - xã hội của Thành phố trong những nămqua.

Những ưu điểm trên thể hiện ở mọi bộ phận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thành phố Hà Nội, tuy mức độ và biểu hiện cụ thể có khác nhau, nhưng rõ ràng, đội ngũ cán bộ, đảng viên Hà Nội ngày càng trưởng thành về cả số lượng và chất lượng.

Bên cạnh những ưu điểm vừa nêu, một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng thể hiện sự giảm sút cả về phẩm chất, trình độ và năng lực cán bộ, đảng viên, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật kém; tính chiến đấu, ý thức phê và tự phê kém...

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các đơn vị cơ sở hành chính, sự nghiệp của thành phố Hà Nội doc (Trang 51 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)