đổi mới mô hình tổ chức chi bộ, đảng bộ cơ sở
Chất lượng cấp ủy phụ thuộc vào chất lượng của từng cấp ủy viên, đặc biệt là đồng chí bí thư chi bộ. Để chọn được cấp ủy có chất lượng, vấn đề quan trọng là bảo đảm quyền dân chủ thực sự để đảng viên lựa chọn và bầu được những đồng chí tiêu biểu có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực tổ chức thực tiễn; có đạo đức, lối sống lành mạnh, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm.
Thông qua đại hội cần lựa chọn cho được đội ngũ cấp ủy viên, đặc biệt là đồng chí bí thư chi bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ lãnh đạo, phù hợp với môi trường từng loại cơ quan, đơn vị, nhất là môi trường sư phạm, môi trường học thuật. Bí thư chi bộ phải là đảng viên có trình độ chuyên môn và phải có các phẩm chất ngang tầm với thủ trưởng đơn vị, có như vậy, công tác lãnh đạo của chi bộ đối với đơn vị, mới đạt được hiệu quả, chất lượng hoạt động của chi bộ mới được nâng cao. Những nơi có điều kiện cần để đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Mặc dù, đội ngũ trưởng phó đơn vị bận công tác chuyên môn, nhưng nhờ có uy tín chuyên môn và có vị thế là người quản lý mà việc xây dựng và triển khai nhiệm vụ của chi bộ kịp thời, hiệu quả hơn. Đội ngũ cấp ủy viên phải tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ của đảng viên trong chi bộ, nên phải lựa chọn những đồng chí có năng lực, có trình độ,
102
trẻ tuổi, nhiệt tình công tác, có triển vọng phát triển để chuẩn bị đội ngũ kế cận.
Cần lựa chọn đội ngũ cấp ủy, trước hết là người bí thư chi bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có đủ trình độ, năng lực, nhất là có tinh thần trách nhiệm cao, giàu nhiệt tình. Phẩm chất, năng lực, trình độ của đội ngũ cấp ủy, đặc biệt là bí thư chi bộ quyết định chất lượng sinh hoạt Đảng và hoạt động của chi bộ. Họ là những người tiếp thu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, truyền đạt đến mọi đảng viên trong chi bộ, đồng thời vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cơ sở. Đây cũng là những người có trách nhiệm xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức, tổ chức, điều khiển sinh hoạt chi bộ. Đồng thời chính họ tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của chi bộ. Vì vậy, lựa chọn đúng những đồng chí có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, có trình độ, năng lực tốt, có sức khỏe, được cán bộ, đảng viên và quần chúng tín nhiệm, đồng thời thường xuyên được rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực công tác đảng là cực kỳ quan trọng.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy còn phải thường xuyên chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức mới cho đội ngũ chi ủy viên, trước hết là bí thư chi bộ. Mặc dù đảng viên và các cấp ủy viên trong các chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Hà Nội, hầu hết đều có trình độ lý luận, trình độ kiến thức khoa học, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ tương đối cao, nhưng nghiệp vụ, năng lực công tác đảng, công tác đoàn thể nếu không được chăm lo bồi dưỡng thì vẫn gặp khó khăn trong công tác. Nhiều trường hợp khi tiến hành các hoạt động và sinh hoạt đảng, có cấp ủy tỏ ra lúng túng trong chỉ đạo thực hiện chủ trương, nhiệm vụ chính trị, các qui định, nguyên tắc sinh hoạt đảng, thường vấp phải những khuyết điểm, thiếu sót không đáng có. Vì thế phải coi trọng việc bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao nhận thức, năng lực vận dụng, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên cho cấp ủy viên cơ sở và bí thư chi bộ. Hằng năm, cấp ủy các cấp cần phải có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, về kỹ năng tổ chức và điều hành chi bộ cho cấp ủy các cấp, nhất là chức danh bí thư, phó bí thư chi bộ; trước và sau đại hội chi bộ phải có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ để họ sẵn sàng và làm tốt công tác được giao. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi bí thư chi bộ giỏi; tổ chức giao lưu, tọa đàm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các bí thư chi bộ trong và ngoài cơ quan, đơn vị.
Mặt khác, cần phải có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho bí thư chi bộ. Đội ngũ chi ủy, bí thư chi bộ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, làm vì trách nhiệm, do tập thể
103
tin cậy, chi bộ giao phải làm, nhưng thực tế nhiều đồng chí bận việc chuyên môn nên mặc dù rất nhiệt tình, có trách nhiệm cao vẫn khó đảm bảo chất lượng công tác Đảng.
Chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng phụ thuộc nhiều vào mô hình tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan, đơn vị. Do vậy, cần hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng gắn tổ chức cơ sở đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chăm lo xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh.
Các cấp ủy cần rà soát, kiện toàn và sắp xếp tổ chức đảng ở cơ sở một cách đồng bộ, thống nhất với hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp theo hướng:
- Đối với các tổ chức đảng trong các cơ quan hành chính, tập trung củng cố các chi bộ cơ quan ở các xã, phường, thị trấn theo Hướng dẫn số 10-HD/TCTW về thành lập cơ quan, xã, phường, thị trấn. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình chi bộ này, trong khi Trung ương chưa có qui định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ chi bộ cơ quan hành chính ở xã, phường, thị trấn, cần vận dụng Qui định 98-QĐ/TW ngày 22-3- 2004 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các cơ quan để xây dựng qui chế công tác. Về tổ chức, chi bộ cơ quan hành chính ở xã, phường, thị trấn có nơi đông đảng viên (từ 50 đảng viên trở lên) thường tổ chức chi bộ ghép nhiều bộ phận của hệ thống chính trị ở cơ sở, có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, cho nên cũng gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt. Vì vậy, nếu nơi nào có đông đảng viên (50 đảng viên trở lên), nên xin ý kiến cấp trên thành lập đảng bộ bộ phận có các chi bộ trực thuộc. Những chi bộ ghép sinh hoạt chung giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể thì có thể thành lập các tổ đảng và tăng cường thêm sinh hoạt tổ đảng để nội dung sinh hoạt sát với nhiệm vụ chuyên môn hơn. Đối với các tổ chức đảng trong các cơ quan hành chính cấp quận, huyện, thị xã và cơ quan Ủy ban Nhân dân Thành phố, các sở, ban, ngành của Thành phố cũng cần phải sắp xếp lại cho phù hợp với cải cách hành chính nhà nước, đảm bảo chi bộ lãnh đạo sát nhiệm vụ chuyên môn, thuận tiện cho sinh hoạt Đảng.
- Trong tổ chức cơ sở đảng ở các đơn vị sự nghiệp như trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu... các chi bộ độc lập trong một đơn vị cũng có nhiệm vụ chuyên môn riêng nên giữ gìn nền nếp, đổi mới nội dung sinh hoạt thuận lợi hơn. Trong những chi bộ độc lập có đông đảng viên, sinh hoạt thường sôi nổi, nhưng với chi bộ ít đảng viên thì sinh hoạt kém khí thế nên dễ diễn ra tình trạng sinh hoạt qua loa và thường kết hợp với sinh hoạt chuyên môn, các cơ sở đảng nên tổ chức mô hình chi bộ ghép. So với các chi bộ độc lập, chi bộ ghép ở các khoa, tổ bộ môn, các phòng, ban gặp khó khăn hơn trong việc duy trì nền nếp sinh hoạt. Với các chi bộ ghép từ những đảng viên chuyên môn khác nhau,
104
đảng viên rất khó tham gia ý kiến, chất lượng lãnh đạo không cao. Giải pháp tốt nhất cho những chi bộ ghép đông đảng viên là nên tổ chức các tổ đảng trong mỗi đơn vị, để dễ bố trí sinh hoạt và gắn với nhiệm vụ chuyên môn hơn. Trong sinh hoạt chi bộ ghép có sự phối hợp công tác của nhiều mảng chuyên môn khác nhau, nên trước khi sinh hoạt, chi ủy cần tham khảo ý kiến các bộ phận chuyên môn để lựa chọn nội dung phù hợp, thiết thực.
Trong các tổ chức cơ sở đảng ở các trường đại học, cao đẳng...có một vấn đề khó là đảng viên trong sinh viên thường được ghép sinh hoạt với chi bộ khoa, ban, phòng, cho nên có tình trạng đảng viên “trò” rất khó tham gia ý kiến và thể hiện vai trò bình đẳng đối với đảng viên “thầy”. Cho nên ở đây cần tổ chức mô hình đảng bộ bộ phận để các chi bộ sinh viên sinh hoạt độc lập thông qua sự chỉ đạo trực tiếp là đảng ủy bộ phận.