* Thờ cúng Tổ tiên
Đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng cây lúa nước là tín ngưỡng đa thần, người Việt thờ cả nhân thần và nhiên thần. Nhưng điều đặc biệt hơn nữa là trong gia đình người Việt rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, coi đó là cái gốc của đạo làm người. Đúng như Phan Kế Bính đã nhận xét trong sách "Việt Nam phong tục": "Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất thành kính, ấy cũng là bất vong bản, ấy cũng là nghĩa cử của con người" [4;27]. Cây có gốc mới nở cành, xanh lá, nước có nguồn mới bể rộng sông dài. Thường trong gia phả phổ ký của nhiều dòng họ đều được mở đầu bằng câu chữ Hán giàu ý nghĩa: “Thiên lưu vạn phái, thủy đồng nhất nguyên; Thiên kha vạn diệp, mộc đồng nhất căn”, nghĩa là: Nghìn dòng muôn lạch, nước cùng một nguồn; nghìn cành vạn lá, cây cùng một gốc. Hay như câu: “Ẩm hà tư nguyên, phụng tổ như tại”, nghĩa là: uống nước phải nhớ nguồn, phải phụng thờ tổ tiên như tổ tiên đang còn sống. Con cháu sắm cỗ bàn cúng gia tiên vào các ngày mùng 1, ngày rằm, ngày giỗ, ngày lễ, ngày tết, dâng cúng của ngon vật lạ do mình làm ra hoặc của con cháu đem từ xa về… Ngoài ra, các gia đình đều lo tu bổ phần mộ của cha ông mình coi đó là ngôi nhà yên nghỉ vĩnh hằng của tổ tiên.
Bàn thờ tổ tiên thường lập tại nhà con trai trưởng và thường đặt ở gian giữa của gia đình (gian bảy). Trên bàn thờ bài trí bài vị, mộc chủ, bát hương, ống hương, cây đèn. Nhà nghèo thì đặt trên án thư mộc. Nhà khá giả thì đồ thờ sang trọng hơn nào hương án, linh tọa, khám thờ... sơn son thiếp vàng lộng lẫy, bộ Tam sự hoặc Ngũ sự bằng đồng sáng loáng. Trước hương án treo bức võng bằng nỉ, có đôi câu đối, đường thêu nét chữ sắc sảo, hài hòa. Trên cao treo bức đại tự thường là mấy chữ Hán “đức lưu quang” nghĩa là “tỏa mãi đức sáng” hoặc “ẩm hà tư nguyên” nghĩa là “uống nước nhớ nguồn”, hoặc “sự
như sinh” rút ra từ câu “sự tử như sự sinh” nghĩa là thờ người đã chết, cũng như khi còn sống.
Ở Phú Lương, có hàng chục từ đường của các dòng họ. Nhiều họ đã làm được nhà thờ tổ tiên riêng biệt như họ Lê, họ Hồ, họ Nguyễn, họ Bùi,… nhiều họ chưa có điều kiện xây dựng nhà thờ họ thì nhà trưởng tộc được coi là nhà thờ họ. Con cháu đã góp tiền tu bổ nơi phụng thờ Tổ Tiên khang trang, tôn kính. Hàng năm vào ngày giỗ của ông Thỉ tổ, thường gọi là “việc họ”, con cháu các nhánh, các chi tề tựu đông đủ. Người đi làm ăn, sinh sống nơi xa cũng cố gắng thu xếp để về “giỗ tổ”, thường là ngày 16 tháng giêng. Câu “rằm làng, 16 họ” nhưng giờ đây, ngày rằm tháng giêng làng không tế nữa thì họ tế. Nhà thờ họ Lê Doanh ở Quỳnh Lương tế tổ vào ngày 15, 16 tháng giêng (âm lịch). Hàng năm vào tháng 12 âm lịch – tháng chạm, con cháu thường tổ chức đi “tảo mộ”, đắp điếm và thắp hương nơi phần mộ tổ tiên. Buổi lễ chính sau khi cúng tế xong, ông trưởng tộc hoặc một vị cao niên trong họ đọc “tộc phả” cho cháu chắt nghe. Nếu không thì cũng nêu tóm tắt lịch sử, công lao của tổ tiên cùng các chi nhánh trong họ và nêu lên một số yêu cầu thực hiện để nêu cao truyền thống tôn vinh đức tổ. Ngày giỗ họ, vừa là dịp bày tỏ lòng biết ơn, hướng về cội nguồn, vừa là dịp đoàn tụ, thắt chặt quan hệ cộng đồng huyết thống và cũng là dịp nhắc nhở con cháu phấn đấu cho sáng danh dòng họ.
Ngày nay trong các ngày tế tổ các dòng họ còn trao thưởng học bổng cho con cháu có thành tích trong học tập, tạo nên phong trào dòng họ hiếu học trong toàn xã. Việc làm này vừa phát huy truyền thống hiếu học của xứ nghệ xưa, vừa khuyến khích được thế hệ trẻ không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và lao động, góp phần xây dựng quê hương đất nước và làm rạng danh cho dòng họ.
* Thờ Thành hoàng làng
“Thành hoàng là một phạm trù thần linh bảo hộ thành trì của phong kiến Trung Quốc, được du nhập vào nước ta từ thời Đường rồi tiếp tục phát
triển trong các triều đại độc lập ở nước ta. Tại kinh đô có miếu thờ thành hoàng cả nước, các tỉnh có miếu thờ thành hoàng. Đó là những vị thần bảo hộ một tòa thành của trung ương hay của tỉnh. Đó là hệ thồng thành hoàng kiểu phong kiến Trung Quốc mang 3 đặc trưng cơ bản là : “ Bảo vệ thành trì, vô nhân xưng, do vua phong” [34;60].
Khi nghiên cứu về vấn đề này, Jean Coulet một tác giả người Pháp đã viết: Sự thờ phụng tổ tiên là tượng trưng cho gia đình và việc nối dõi tổ tông, sự thờ phụng thành hoàng tượng trưng cho làng xã và sự trường tồn của thôn dân. Việc thờ thần thành hoàng là một trong những tín ngưỡng xuất hiện sớm, thường là khi làng mới được thành lập một thời gian, gắn với công người khai lập ra làng. Đó cũng là đạo lí "uống nước nhớ nguồn" của người Việt. Thành hoàng làng người Việt là một vị thần được dân thờ từ trước, sau đó mới được vua phong tước vương với chức danh Thành hoàng. Có ba loại thần hoàng làng là nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng. Có những vị thần làm những việc có lợi cho làng người ta gọi là phúc thần, vị thần của làng vừa mang dấu ấn của làng vừa mang dấu ấn của nước. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết thành hoàng ở Quỳnh Lưu đều là Phúc thần, có thể chia làm 2 loại: một loại là thiên thần, nhiên thần và loại thứ 2 là nhân thần.
Vốn là vùng ven biển, cuộc sống cư dân phần nhiều dựa vào biển nên trong tín ngưỡng dân làng Phú Lương nói riêng và các làng khác ở vùng bãi ngang nói chung thường gắn với những vị thần sông nước. Từ xa xưa, trên địa bàn làng Phú Lương đã có một cụm đền chùa miếu mạo được xây dựng theo tín ngưỡng thành hoàng làng của dân làng.
Tín ngưỡng thờ thần thành hoàng ở làng Phú Lương xuất phát từ nhu cầu cần được phù hộ, làm chỗ dựa về tâm linh trong quá trình xây dựng làng xóm của dân trong làng. Nghi lễ thờ cúng và các ngày lễ: Ngoài lễ hội lớn tổ chức 12 năm một lần còn có các lễ cúng tế hàng năm vào các ngày mùng 5 tháng năm, ngày 15 tháng bảy, ngày cúng hạn hán, dịch bệnh…Chủ lễ gồm 3 người là một chủ tế và hai người bồi tế. Những người này phải thuộc diện
không chịu tang dù lớn hay nhỏ [85]. Ngoài ra, rằm, mùng 1, Phủ mở cửa cho dân làng vào cầu cúng thắp hương, cầu xin an lành, no đủ.
* Tín ngưỡng thổ địa
Bên cạnh tín ngưỡng Thành hoàng còn có tín ngưỡng thổ địa (hay thổ thần - tức ông thần đất của Làng. Bà con ở Quỳnh Lưu thường gọi là thổ công). “Đất có thổ công sông có hà bá”, hầu như làng nào ở Quỳnh Lưu cũng thờ thổ thần. Tín ngưỡng Thổ địa (hay Thổ thần) tuy không sâu sắc nhưng cũng đã lâu đời và khá phổ biến ở Quỳnh Lương. Thổ địa có nhiều loại. Có thổ địa của cả làng, có thổ địa của từng xóm, từng cánh đồng, từng gia đình, có thổ địa của bãi tha ma.
Trong quan hệ giữa Thành hoàng và Thổ thần thì Thành hoàng được xem là một Đại vương cai quản phần hồn của dân làng còn Thổ thần quản lý phần âm.
Đối với cư dân nông nghiệp thì đất còn có ý nghĩa là sản xuất, cho nên thần Đất ở một lĩnh vực cụ thể còn là thần linh bảo vệ mùa màng. Khi làng có một lãnh địa nhất định thì thần Đất có nhiệm cụ phối hợp với Thành hoàng bảo đảm sự an toàn cho cư dân trên đất ấy, không để cho hung thần hay thần linh nơi khác đến đây xâm nhập, quấy rối. Tuy vậy, “vai trò các thổ thần nấp sau các Thành hoàng, không được hiện diện trong các ngày hội lễ chính thức của làng” [31;690]. Dân làng chỉ cúng Thổ thần để “báo cáo” với Thần khi đào giếng, đào móng xây nhà, nhất là khi đào huyệt chôn cất người qua đời. Xong việc, phải cúng “tạ” thổ thần.
Hiện nay tín ngưỡng thờ thần thổ địa vẫn được nhân dân duy trì, các gia đình ở Quỳnh Lương thường lập bàn thờ nhỏ thờ ông Địa (tức Thổ thần và thần Tài). Đối với những ngư dân đánh cá trên sông hay ngoài biển cả, cũng có tín ngưỡng tương tự. Nhân dân thường gọi những thần ấy là Đức ông sông nước hay Hà Bá thủy quan…Có thần của từng vùng biển, thần sông của từng khúc sông, từng con sông. Việc cúng tế long trọng mà cả làng nô nức là vào những kỳ lễ hội (Đại tế).