Như chúng ta biết, phong tục tập quán của người Việt xưa là nhuộm răng đen và để tóc dài đối với cả đàn ông và đàn bà, phong tục này được duy trì cho đến đầu thế kỷ XX. Đàn bà thì chít khăn, đàn ông thì bối tóc gài lông nhím.
Nhuộm răng đen vừa là một phong tục cổ truyền được gìn giữ, vừa là một cách trang điểm của người phụ nữ Việt Nam xưa nói chung và phụ nữ Phú Lương nói riêng
Răng đen ai nhuộm cho mình
Cho duyên em đẹp cho tình anh say
Về cách ăn mặc thì cũng như kiểu quần áo phổ biến của người dân nghèo xứ Nghệ, đàn ông Phú Lương mặc áo cánh năm thân, mặc quần tai tượng (quần có cạp to khi mặc dùng cạp thắt lại). Đàn bà mặc áo cổ xây, yếm đào. Khi đi chợ, đi chơi mặc thêm cái áo dài tứ thân thay ống ngọn tay (ống tay áo màu khác). Mặc váy vải thô hoặc váy sồi, váy lụa thắt lưng bằng dũi, hay lụa buông thõng trước bụng. Đầu bối tóc chín khăn đen vòng quanh đầu. Phụ nữ được trang điểm thêm đôi cúc mã não, hoặc một đôi khuyên bạc. Nhà giàu thì các cô còn có hoa tai vàng, mặt đá, đeo dây xà tích bạc.
Người lao động đi chân đất, dép da bò hoặc đôi guốc mộc. Quần áo nhuộm bằng nước củ nâu rừng có màu sắc đồng nội, dân dã. Váy phụ nữ được nhuộm bằng lá chát rồi nhấn bùn thành màu đen.
Vào dịp hội lễ, đình đám, đàn ông mặc quần vải trúc bâu trắng, áo dài the. Người giàu có sang trọng mặc áo sa tanh. Người có chức sắc mặc áo gấm hoa, đi giày Gia Định. Đàn bà mặc áo váy lụa, đi guốc sơn. Các bà cao tuổi đi
guốc cong mỏ, đội nón thượng quai thao. Trẻ con thường để tóc đào, tóc đáp, đeo túi bạc thắt lụa ngai.