Truyền thống giáo dục khoa cử, võ cử

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng phú lương (quỳnh lương, quỳnh lưu, nghệ an) (Trang 99 - 108)

Làng Phú Lương là một trong những làng có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Dưới ảnh hưởng của Nho giáo, đất Phú Lương dù không phải là làng khoa bảng nhưng cũng có thể nói đã trở thành làng học với đầy đủ các yếu tố để phát triển nền giáo dục Nho học của mình.

Không những làng có chiếu khuyến học mà còn có đền Thánh thờ Đức Khổng Tử và các vị Nho học. Đền dựng ở xóm giữa (nay là xóm 7 xã Quỳnh Lươ). Đền Thánh có thể coi như là Văn Miếu của làng, nhằm để vinh danh những người thành đạt trong các kỳ thi. Những người đi học đi thi và khi thành đạt đều đến đây hương khói. Hương ước của làng có nhiều điều qui định rõ sự phân biệt giữa người đi học và người không học, giữa người thực học và người mua danh…

Phần lớn các thầy đồ Quỳnh Lưu nói chung, Phú Lương nói riêng đều xuất thân từ tầng lớp người nghèo khổ. Nên việc theo đuổi nghiệp “đèn sách” và “nấu sử sôi kinh” đối với họ khá vất vả về cơm áo. Cái cảnh “ông đồ, ông cống sống bởi ngọn khoai, anh học anh Nho nhai hoài độc đỗ” cũng vậy. “Đâu phải chỉ ở Quỳnh Đôi ông cử ông tú cũng từ khung lụa mà ra mà ở Phú Đa, Phú Lương, Phú Nghĩa …cũng như vậy, ít hơn thôi” [31;349]. Đó là chuyện không chỉ ở Phú Lương mà ở hầu hết vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống hiếu học như Quỳnh Lưu. Biết bao gương hiếu học, khổ học đã làm rạng nước, rạng nhà, rạng danh con cháu như Lê Duy Quỳnh, Hồ Sĩ Dương, Hồ Sĩ Đống…Không ít những người chí tình chí nghĩa đối với chồng con như bà Hoàng Thị Tâm (mẹ Hồ Sĩ Dương), cô Trương Thị Thành (vợ Hồ Sĩ Dương)…bởi có lẽ các bà nghĩ rằng “Di tử kim mãn doanh, hà như giáo nhất kinh” (để cho con đầy rương vàng, sao bằng để cho con một quyển sách”

và “Dưỡng tử giáo độc thư, thư trung hữu kim ngọc (nuôi con mà biết dạy con đọc sách, bởi trong sách có vàng ngọc).

Làng Phú Lương tuy là làng làm nông nghiệp, làm thủ công chủ yếu, nên người đi học và đỗ đạt không nhiều, tuy nhiên họ cũng cố gắng cho con theo học chữ thánh hiền, chắc hẳn không vì miếng cơm mà họ chỉ mong muốn kiếm năm ba chữ thánh hiền để khai quang tâm trí, để biết đọc, ghi khế ước, biết viết văn cúng tổ tiên. Ngoài ra, còn bởi trong làng có nhiều lớp học do các thầy đồ trong làng mở, có nhiều thầy danh tiếng vang xa, học trò không chỉ đến nhà thầy để học mà còn mời thầy giỏi về nhà mình để dạy.

Địa linh sinh nhân kiệt, bên cạnh truyền thống hiếu học khoa cử, làng Phú Lương còn nổi tiếng với các vị quan võ của các dòng họ như ông Lê Sanh, các vị quận công họ Hồ, cùng nhiều võ tướng khác thuộc các dòng họ thời Hậu Lê.

Ông Lê Sanh, người thôn Hiền Lương, xã Hoàn Hậu, là con trai đầu của Lê Mạnh. Ông là cháu 13 đời cụ Lê Công Hạnh. Theo gia phả họ Lê chép lại: Năm 1425, Lê Lợi tổ chức kỳ thi võ, ông trúng tuyển, lúc đó mới 18 tuổi, trở thành danh tướng dưới triều Lê sơ. Năm 1442 (thời Lê Nhân Tông) ông giữ chức Thiết đột tả quân Đại đội trưởng, bảo vệ nhà vua. Ông là người có công giúp Nguyễn Xí trong việc giết Phan Ban và Phạm Đồn, phế truất Nghi Dân, lập Tư Thành (Lê Thánh Tông) làm vua. Ông được phong chức “Trí thành đề hạt quả cảm tướng quân, trực danh thượng sỹ Long Lĩnh công”. Lê Thánh Tông ban thưởng rất hậu, đưa vào túc trực nội điện bảo vệ nhà vua. Năm 82 tuổi, ông mất khi đang tại chức, được vua cho đưa thi hài về an táng tại núi Quy Lĩnh (núi rùa), nơi đất Tổ quê nhà. Nay trên điểm cao núi Quy Lĩnh vẫn còn đó mộ võ tướng triều Lê họ Lê [25;56-57]. Tuy nhiên, theo Ngô Sĩ Liên, chức Thiết đột tả quân đại đội trưởng là Nguyễn Yên [47;302]. Ông Lê Sanh phò 3 đời vua: Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông (1437 – 1497).

Các dòng họ Lê, Nguyễn, Bùi, Hồ dòng họ nào cũng có người đỗ đạt, làm văn quan hay võ tướng hoặc có chức sắc về võ, cùng với họ Trương Đắc

đã góp phần tô đẹp truyền thống giáo dục khoa cử và võ cử của dòng họ và địa phương.

* Tiểu kết chương 3

Như vậy, văn hóa truyền thống là một trong những bộ phận không thể thiếu được trong quá trình hình thành và phát triển của làng xã, nó phản ánh rõ nét lịch sử hình thành và phát triển của một làng. Ở làng Phú Lương, nét văn hóa được thể hiện qua một hệ thống các giá trị văn hóa vật chất cũng như tinh thần phong phú. Tuy nhiên, những yếu tố làm nên diện mạo văn hóa của làng phần lớn không còn nữa, nhưng những gì còn sót lại đã ít nhiều lột tả được diện mạo chung của làng.

Những thành tựu về văn hóa tinh thần của cư dân làng Phú Lương mang đậm tính nhân văn. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, phong tục thờ cúng tổ tiên trở thành một truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cư dân Phú Lương. Đó là sự kính trọng ông bà tổ tiên, uống nước nhớ nguồn của thế hệ con cháu đối với làng, nước và các thế hệ đi trước. Cùng với sự phát triển của tín ngưỡng dân gian, thì sự du nhập của các tư tưởng từ bên ngoài cũng được thực hiện trong các điều kiện lịch sử khác nhau. Trong các hệ tư tưởng và tôn giáo ấy (Nho giáo, Phật Giáo,) được tiếp nhận một cách tương đối hòa bình, không có sự xung đột lớn và dần dần trở thành một bộ phận trong đời sống tinh thần của cư dân làng Phú Lương.

Nếu như lễ tế là phần lễ nghi giao tiếp với thần thánh, là cầu nối giữa thế giới tâm linh với người sống thì phần hội là sự giao lưu tiếp xúc giữa con người với con người trong đời sống thường nhật, đó chính là nét đẹp, là sợi dây cố kết tính cộng đồng trong cuộc sống vất vả, đời thường của các cư dân Việt. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nhiều trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống của làng cũng dần mất đi.

Truyền thống hiếu học, võ nghệ tinh tường của người dân Phú Nghĩa cũng là một đặc trưng nổi bật trong quá trình hình thành và phát triển của

làng. Như vậy, không phải những giá trị văn hóa nói trên được hình thành và phát triển nhanh chóng. Nó có một quá trình lịch sử lâu đời, gắn liền với sự xuất hiện, tạo dựng xóm làng từ thuở ban đầu ở Phú Nghĩa. Qua thời gian nó được bồi bổ, lắng đọng và gìn giữ đến ngày nay.

KẾT LUẬN

Trong quá trình thực hiện đề tài lịch sử văn hóa làng Phú Lương, chúng tôi dựa trên cơ sở những công trình nghiên cứu có liên quan, cùng với các tư liệu mà tác giả đã thu thập khảo sát được. Tất cả đã cho phép chúng tôi do có cái nhìn tổng quan, những nhận định mang tính khoa học và rút ra một số nhận xét sau:

1. Cùng với quá trình quần tụ của cư dân vùng ven sông Mai Giang, làng Phú Lương cũng dần hình thành và phát triển. Đất đai thấp trũng, phèn chua mặn, thiên tai khắc nghiệt nhưng từ bao đời nay nhân dân luôn vươn lên để chế ngự thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Là mảnh đất đầu sóng ngọn gió, quanh năm vật lộn với thiên tai đã tạo cho con người nơi đây tính kiên cường, không khuất phục khó khăn. Đến thời Lê sơ, làng Hiền Lương và sau đó là Phú Lương đã trở thành thôn xóm trù phú, đông đúc. Có thể xem thế kỷ XV là thời kỳ mở đầu sự phát triển của làng với sự xuất hiện của các dòng họ Lê , Nguyễn, Hồ, Bùi,…từ phía Bắc và Thanh Hóa di cư đến đây. Sự hình thành và phát triển của làng gắn với tiến trình lịch sử của dân tộc, vì vậy lịch sử của làng cũng gắn với những thăng trầm của lịch sử dân tộc và lịch sử đã cho ta thấy rằng cư dân Làng Phú Lương cũng góp phần không nhỏ vào cộng cuộc dựng nước và giữa nước của cả dân tộc. Chính vì vậy nó đã hun đức nên truyền thống văn hóa của làng xã Việt Nam nói chung và làng Phú Lương nói riêng.

2. Dù vậy, là một làng đồng bằng ven biển, có núi sông liền kề, làng Phú Lương vẫn có được một vị trí địa lý thuận lợi để vươn lên phát triển kinh tế. Sự đa ngành, đa nghề mà ngành nghề nào cũng đạt đến tinh thông, phát triển vững chắc là những yếu tố tạo nên nét đặc sắc, đặc biệt trong nền kinh tế ở Phú Lương trước năm 1945. Ít có một làng biển nào ở nước ta vừa là làng chài lưới, vừa là làng nghề thủ công truyền thống; vừa là làng buôn lại vừa là làng có trồng trọt, chăn nuôi. Trong số đó, Làng có tới ba nghề tạo ra được

sản phẩm không chỉ để phục vụ nhu cầu cuộc sống cho cư dân địa phương mà còn trở thành hàng hóa được buôn bán trên thị trường cả nước như nghề thủ công chế biến thủy sản, nghề buôn và nghề mộc.

Riêng về nghề thủ công truyền thống lại có sự phát triển đặc biệt. Có tới ba nghề thủ công truyền thống mà danh tiếng sản phẩm vang xa “dân biết mặt, nước biết tên”, nếu tách riêng ra có thể thành những làng nghề thủ công hoàn hảo. Đó là: Làng nghề mộc; Làng nghề dệt vải; Làng nghề chế biến hải sản.

Đó là chưa kể nghề làm muối cổ truyền ở Phú Lương (Quỳnh Lương) có sự phát đạt cả về quy mô và chất lượng sản phẩm không kém gì những làng nghề thực sự.

Sự đa dạng ngành nghề và mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ giữa các thành phần kinh tế ở Phú Lương đã đưa đến bức tranh sinh động, đầy màu sắc mà không phải làng Việt nào ở xứ Nghệ cũng có. “Ngoài việc trồng dâu, cấy lúa/ Lại còn có đủ tài nghề/ Phường đóng thuyền rải rác bãi sông/ Lắp ráp tiếng vang trên mặt nước/ Thợ mộc lắm tay thông thạo/ Bán buôn nhiều kẻ lành nghề…” [45;3]. Lời ca ngợi của Đốc đồng Nghệ An Trần Danh Lâm về đức tính cần cù, siêng năng và bàn tay tài hoa của con người xứ Nghệ qua hình ảnh trên cũng đúng khi dành cho người dân Phú Lương.

Nét đặc trưng trong truyền thống lao động của nhân dân Phú Lương là sự học hỏi tiếp thu nhanh nhạy những tinh hoa từ bên ngoài, kết hợp sự cần cù, sáng tạo không ngừng của bản thân trong lao động sản xuất để đưa các nghề truyền thống đạt đỉnh cao. Trong nghề nông xưa người dân Phú Lương đã cải tạo đất cát để trồng lúa một vụ, thách thức cả với thời tiết khắc nghiệt, nay nhân dân Quỳnh Lương lại chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo ra một vùng chuyên canh rau sạch cung cấp cho thị trường Bắc Trung Bộ. Quỳnh Lương là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập trang Web để quảng bá và giới thiệu sản phẩm rau sạch.

Chính xu hướng đa dạng hóa các ngành nghề của làng đã góp phần quan trọng dần phá vỡ tính chất khép kín trì trệ của làng. Đó cũng là nhân tố tạo nên tính chất “mở” của văn hóa làng xã, tạo cơ sở cho dân Phú Lương tiếp thu các luồng tư tưởng văn hóa tốt đẹp từ bên ngoài một cách hoà bình.

Với những nguyên nhân đã nêu trong phần nội dung, một điểm khác với các làng thuần nông trong mối quan hệ giữa chủ và người lao động là, giữa những người làm công và chủ thuyền cá, mắm có sự phân phối ăn chia khá công bằng, sòng phẳng và có mối quan hệ với nhau rất bình đẳng, chan hòa mật thiết. Không như mối quan hệ áp bức bóc lột phổ biến của bộ phận phú nông, địa chủ đối với dân nghèo ở các vùng nông thôn, đồng ruộng đơn thuần. Đây cũng là biểu hiện truyền thống đạo lý nhân văn của con người Phú Lương trong lịch sử.

3. Nằm trong “cái nôi” văn hóa Đại Việt, làng Phú Lương hình thành và phát triển trên cơ sở vừa mang đậm nét văn hóa “làng Việt cổ truyền” vừa chứa đựng những yếu tố đặc trưng riêng biệt của làng Phú Lương. Đó là sự hội tụ kết tinh từ văn hóa vật chất (như hệ thống đền, đình, chùa, nhà thờ khép kín quanh làng do chính “thợ nhà” dựng nên) và nét văn hóa tinh thần (từ các phong tục tập quán, khoa cử, võ nghệ và văn hóa dân gian đặc sắc) tạo thành. Tất cả tạo nên diện mạo văn hóa riêng cho Phú Lương mà không phải làng nào cũng có. Cũng cần thấy rằng nét văn hóa riêng đó của làng Phú Lương nó không tạo ra sự khác biệt hay sự đơn điệu mà nó làm phong phú đa dạng hơn cho văn hóa vùng miền để hòa quyện vào văn hóa của dân tộc Việt Nam.

4. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, các thế hệ cư dân nối tiếp luôn luôn kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, vừa giữ gìn những giá trị văn hóa cha ông để lại, vừa không ngừng vươn lên xây dựng làng quê ngày càng văn minh, hiện đại. Các ngành nghề truyền thống được bảo tồn, phát triển nơi đây. Hiện nay, đời sống kinh tế của nhân dân đã khấm khá nên nhu cầu về đồ mộc gia dung tăng lên đã tạo điều kiện cho nghề mộc dân dụng – mỹ nghệ Phú Lương đang có bước

chuyển mình mạnh mẽ. Đây chính là cơ sở để chính quyền và nhân dân Quỳnh Lương từng bước khôi phục lại làng nghề mộc truyền thống. Chính vì vậy những năm gần đây nghề mộc Quỳnh Lương đang phát triển trở lại và chắc chắn rằng một ngày gần nhất làng nghề mộc truyền thống của Quỳnh Lương sẽ được phục hồi.

Thực tế hiện nay, do nhiều nguyên nhân nên nghề đánh bắt thủy sản ở Quỳnh Lương không còn phát triển như trước đây, song con em Quỳnh Lương vẫn bám biểm vừa khai thác nguồn hải sản phát triển kinh tế từ biển vừa góp phần vào công cuộc giữ gìn biển đảo của quê hương. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, bám biển vừa là mục tiêu phát triển kinh tế, vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng, Nhà nước ta đặt ra.

5. Cùng với dòng chảy của thời gian, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, làng Phú Lương đã có những đổi thay phù hợp với thời đại mới. Những biến đổi đó vừa mang tính hiện đại, vừa bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống của làng nhưng bên cạnh đó cũng có một số yếu tố văn hóa truyền thống bị phai mờ.

Vậy làm thế nào để duy trì sự hài hòa giữa giữ gìn văn hóa truyền thống và phát triển văn hóa hiện đại. Đó là vấn đề cần thiết, đòi hỏi sự thống nhất ý thức của cả cộng đồng, của thế hệ hôm nay cũng như lớp lớp mai sau. Để làm được điều đó, trước mắt tôi có những đề xuất, kiến nghị:

- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa: trong quá trình bảo vệ, duy trì nền văn hóa truyền thống phải đi đôi với giao lưu tiếp xúc, hội nhập những luồng văn hóa mới có giá trị tốt đẹp để văn hóa làng trở thành nền tảng tinh thần xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục của quê hương.

- Trùng tù, tôn tạo lại các di sản văn hóa vật thể thiêng liêng như các đền miếu, nhà thờ các họ…và phục dựng lại những lễ hội truyền thống của làng Phú Lương đã bị thất truyền, mai một.

- Tuyên truyền vận động, giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng và tự hào về những cống hiến của các thế hệ cha anh đi trước, kết hợp với nâng cao dân trí, phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài trên mọi lĩnh vực.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng phú lương (quỳnh lương, quỳnh lưu, nghệ an) (Trang 99 - 108)