Thủ công nghiệp cổ truyền

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng phú lương (quỳnh lương, quỳnh lưu, nghệ an) (Trang 47 - 53)

Do những điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội và nhu cầu của cuộc sống, ở Phú Lương, Phú Nghĩa đã sớm xuất hiện một số nghề thủ công nổi tiếng như kéo sợi, dệt vải, làm muối, sản xuất nước mắm, mộc nề…trong đó nổi bật là nghề thợ mộc truyền thống.

* Nghề thợ mộc:

Khi nghiên cứu về văn hóa xứ Nghệ, Giáo sư Trần Quốc Vượng có nói: “một làng nghề là làng ấy, tuy vẫn có trồng trọt, chăn nuôi và nhiều nghề phụ, song đã nổi trội một nghề cổ truyền tinh xảo với một lớp thợ thủ công ít nhiều chuyên nghiệp, có phường, có ông trùm, phó cả…với một cơ cấu tổ chức nào đó, chuyên tâm và có thể sống chủ yếu bằng nghề đó. Mặt hàng thủ công của họ đã là sản phẩm hàng hóa, có quan hệ tiếp thị với thị trường…Những làng ấy ít nhiều đã nổi danh từ lâu, được dân biết mặt, nước biết tên, tên tuổi đi vào cả ca dao tục ngữ” [20;163]. Theo quan điểm trên thì làng thợ mộc Phú Lương cũng là một làng có đầy đủ các yếu tố như trên. “Bánh đúc cháo kê là nghề làng Trại/ Đánh tranh mãi mãi là thói làng Vinh/ Làm nhà làm đình Phú Nghĩa, Phú Lương. [20;171]

Khi hỏi xuất xứ của nghề thợ mộc, các cụ cao niên trong làng đều nói, nghề này làng Phú Lương có từ lâu đời. Do xuất phát từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, phải có cái ăn, cái để ở “trước hết làm nhà bằng tre nứa, mái rạ có ở địa phương , về sau có gỗ chặt ở rừng về, các tốp thợ chuyển sang làm nhà bằng gỗ và làm đồ dùng trong nhà bằng gỗ. Khi tay nghề lên cao tiến tới làm nhà thờ họ, đình làng, đền đài miếu mạo,... có chạm trổ hoa

văn” [71;38]. Vì vậy trong chúc ước của làng Phú Lương có câu: “Thợ trăm tài ứng thủ đắc tâm/ Kìa phủ tía, nọ lầu son, ví trước công du ngang một mực” [72;34].

Chưa biết ai truyền nghề mộc cho thợ ở Phú Lương cũng như các làng khác ở vùng bãi ngang và truyền từ bao giờ. Các Phường thợ mộc ở Phú Lương, cũng như ở Phú Nghĩa, Phú Minh đầu năm thường họp nhau cúng các vị Tổ sư của nghề mộc và cầu làm ăn phát đạt. Các vị Tổ sư đó là Lỗ Ban (còn gọi là Lỗ Công Du, người nước Lỗ) đã sáng tạo ra nghề mộc (chủ yếu là cái thước đo góc và cái sào mực) và Lê Lâu – người sáng tạo ra kiểu nhà tứ trụ. Làng thợ mộc Phú Lương cũng như làng mộc Phú Nghĩa đều cúng tổ sư xa là Lỗ Ban, chưa rõ tổ sư gần là ai [84;167]. Thợ mộc Phú Lương tôn kính Lỗ Ban cũng như nhà nông biết ơn Thần Nông vậy: “Lỗ Ban dạy làm cửa nhà, Thần Nông dạy cấy để mà làm ăn” [38;28].

Thợ mộc các làng vùng bãi ngang cúng Trương Quý Công (chưa rõ tên thật) - người đã đem nghề mộc về cho họ. Lễ cúng ngoài trầu, rượu có xôi, thịt, thường cúng vào trung tuần tháng giêng sau khi Làng đã cúng thượng nguyên [21;171-172).

Thợ mộc ở Phú Lương cũng tổ chức thành phường, trong mỗi phường có nhiều tốp thợ thường từ 5 đến 7 người thợ. Mỗi phường có khoảng vài chục người, có “thủ bộ” là người cầm đầu và một “bút chỉ” để ghi chép các việc của phường. Người thợ giỏi trong phường nhận đám làm nhà cho nhà nào, làm đền, đình cho làng nào,… thường được gọi là phó cả (hay là thợ cả). Phường thợ mỗi năm họp vài lần, đầu năm họp để cúng các vị Tổ sư và cầu làm ăn phát đạt. Cúng xong, ngoài ăn uống chung, tùy người nào đó trong phường nhận được bao nhiêu đám mà biếu nhiều hay ít. Thường nhận năm đám trở lên được biếu cả cái nọng lợn, hai đến ba đám thì được chân dò, còn thủ lợn thì dành cho “thủ bộ” hoặc thợ cao niên (70-80 tuổi).

Nói về tài nghệ của thợ mộc Phú Lương không thua kém tay nghề thợ mộc nơi khác, xin trích dẫn ví dụ sau “Đình Quỳ Lăng (Lăng Thành) là ngôi

đình thuộc loại đẹp nhất huyện Yên Thành mà thợ mộc Phú Nghĩa cùng với thợ mộc Phú Lương đã góp công xây dựng. Ngôi đình này xây vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, về sau là căn cứ của nghĩa quân Cần vương nên bị giặc phá hoại năm 1886, đến năm 1909 làm lại” [62;38].

Hiện nay, nghề mộc ở Quỳnh Lương vẫn được duy trì nhưng ở quy mô nhỏ lẻ, mà chủ yếu là hộ gia đình, chính vì vậy nên nghề mộc ở Quỳnh Lương không duy trì được làng nghề như trước đây.

* Nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt vải:

Nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt vải là một trong những nghề thủ công lâu đời ở Nghệ - Tĩnh. Từ thế kỷ XV – XVIII đã xuất hiện các làng trồng dâu nuôi tằm để dệt vải có tiếng ở nhiều địa phương. Huyện Quỳnh Lưu cũng là địa phương có nghề dệt khá phát triển với các xã Quỳnh Đôi, Hoàn Nghĩa, Phú Lương,…[80;187].

Nghề nuôi tằm là để lấy tơ, đây là nguyên liệu của nghề dệt vải tơ tằm. Nghề nuôi tằm gắn với việc trồng dâu, người ta trồng dâu khắp các cồn bãi và ở trong vườn nhà, lá dâu để nuôi tằm còn quả dâu được nhân dân đêm ngâm với đường để làm thức uống giải nhiệt trong mùa hè. [71;38].

Công cụ để nuôi tằm gồm: Nống (nong), nia, mẹt (tràn) và có cả dàn kê, khung làm ổ kén. “Khi tằm còn nhỏ, người ta phải thái lá dâu thật nhỏ cho tằm ăn, lúc tằm đã lớn người ta bỏ luôn cả lá dâu cho tằm ăn” [71;42]. Khi con tằm trường thành nó ăn rất mạnh, phải cần một lượng lá dâu rất lớn, ngày phải cho tằm ăn 5- 6 lần và chia đều theo giờ, có lúc một hai giờ sáng đã thức dậy cho tằm ăn người ta gọi đây là thời kì con tằm ăn lên. Vì vậy dân gian có câu “ăn như tằm ăn lên”. Việc nuôi tằm không nặng nhọc nhưng phải liền tay, vì thế có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm/ Nuôi tằm ăn cơm đứng” [71;43].

Tằm lớn lên làm thành tổ kén, rồi hóa nhộng. Người ta lấy tổ kén để kéo thành sợi tơ, còn nhộng đen chế biến thành thức ăn rất giàu chất dinh dưỡng. Sợi tơ có nhiều loại, có loại nhỏ mịn đẹp dùng để dệt thành Lụa, loại sợi thô để dệt vải Nái.

Nghề ươm tơ dệt vải được nhắc đến trong cuốn Nghệ An Ký của Bùi Dương Lịch, trong một số tài liệu khác mới xuất bản sau này như “Lịch sử Nghệ An” của Sở GD- ĐT Nghệ An, năm 2009; “Lịch sử Nghệ An, tập1” của Sở KHCN Nghệ An, năm 2012…Nghề dệt vải cũng là niềm tự hào của người dân Phú Lương.

Theo lời kể của cụ Hồ Thị Hảo người con của làng Phú Nghĩa về làm dâu làng Phú Lương, thì nghề dệt vải ở làng Phú Lương là do những người con gái làng Phú Nghĩa khi đi lấy chồng và mang theo nghề dệt về truyền dạy cho dân làng. Được biết nghề dệt ở làng Phú Nghĩa được du nhập từ phía Bắc, theo dòng người di cư vào từ thế kỷ XVI và nó được phát triển cùng sự phát triển của những nghề khác như nghề nông, làm muối, đánh cá và sản xuất nước mắm ở địa phương.

Vào khoảng đầu thế kỷ XX, Phú Lương có khoảng 100 Khung Củi dệt vải thô, khổ hẹp. Khung dệt hai go bằng sợi treo lên con ác, người dệt dùng chân đạp bàn đập để tách mặt sợi, lao thoi… Tuy khung dệt đơn giản nhưng cũng phải có những người thợ thành thạo chuyên đóng và sửa chữa mới đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. [17; 82].

Trong làng có trên trăm cô gái làm nghề dệt vải. Người già, trẻ em làm việc phụ như đánh ống, suốt. Nhiều người dệt thành thạo, mỗi ngày đêm có thể dệt được 4 đến 5 chục chuông vải. Để lấy sợi dệt, xưa dân làng mua bông về kéo con cún. Về sau họ mua sợi của nhà máy dệt sợi Nam Định, sợi Con Công Trung Quốc.

Vải được nhuộm nâu để may buồm thuyền lưới đánh cá, thuyền mành trẩy kinh kỳ, may quần áo theo nhu cầu nhân dân trong làng. Ngoài ra vải còn được trao đổi buôn bán trên thị trường trong và ngoài tỉnh, như chợ Cầu, chợ Si, ra chợ Cồng, Chuối Mực (Thanh Hóa) và vào đến chợ Trổ (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Do công đoạn ngâm, đập kỹ, hồ sợi tốt, dày sợi nên vải mịn, bền được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên theo nhận xét của Bùi Dương Lịch về các sản phẩm thủ công nói chung ở Nghệ An thì “cũng rất thô sơ vụng về” và

riêng lụa vải thì “chỉ đủ cung cấp ăn mặc cho dân địa phương” mà thôi [46;220].

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nghề dệt vải của địa phương vẫn phát triển và cung cấp vải cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Sau hòa bình lập lại, Hà Nội, Nam Định có nhà máy dệt, cho ra đời các sản phẩm tốt hơn, vì vậy các sản phẩm dệt thủ công không thể cạnh tranh được nên nghề dệt ở địa phương ngày càng mai một và thất truyền cho đến nay.

* Nghề làm muối:

Ở Phú Lương, dân làm nghề muối cũng không biết “vị tổ truyền nghề” của Làng là ai và truyền vào từ bao giờ? Chỉ biết rằng, vào đầu năm, sau khi tu sửa lại ô nại xong, diêm dân Phú Lương phải làm lễ tế ông Thánh “Tề Di Ngô”, người đầu tiên tìm ra chất muối mặn nuôi sống con người, cũng như nhà nông tế ông thần Nông vậy [16;31]. Đến đầu thế kỷ XV, nghề làm muối tại các vùng ven biển cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đã phát triển khá mạnh. Muối ăn không chỉ cung cấp cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân mà trở thành mặt hàng trao đổi để các thương lái thu lời lớn [70;287].

Kỹ thuật nấu muối cổ truyền của các làng ven biển Nghệ An cũng dần cải tiến. Từ chỗ xây lò đốt củi tạo nhiệt làm muối, đến cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, diêm dân Quỳnh Lưu, Diễn Châu biết lợi dụng ánh nắng mặt trời sản xuất muối [70;287].

Kỹ thuật làm muối của diêm dân Phú Lương cũng vậy, nhưng thời gian cải tiến kỹ thuật muộn hơn. Khoảng cuối thời Lê sơ, đầu thời Nguyễn, dân Hà Trung, Nga Sơn (Thanh Hóa) di cư vào tập trung nhiều ở vùng xã Quý Hòa (An Hòa ngày nay) và dọc sông Mai Giang, nghề làm muối phơi nước chạt trên ô nại mới được truyền thụ vào các làng ở vùng Bãi Ngang trong đó có làng Phú Lương. Từ đó, nghề làm muối chuyển sang dùng nhiệt lượng của ánh nắng mặt trời thay cho dùng nhiệt của củi lửa. Năng suất muối cao hơn, đỡ tốn nguyên vật liệu, hạt muối mặn, lại có vị ngọt về sau.

Phú Lương cũng như bao làng quê ven sông nước lỡ khác ở Quỳnh Lưu đều có nghề làm muối truyền thống hay còn gọi là Diêm nghiệp. Theo cuốn “Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu” của Ninh Viết Giao, Quỳnh Lưu có nhiều làng nghề muối. Nghề này ở Quỳnh Lưu có từ bao giờ không còn ai nhớ cụ thể nữa, chỉ biết nó có từ rất sớm ở Quỳnh Lưu. Theo “Đại Việt sử kí toàn thư” thì thời thuộc Minh (1407 - 1417), quan quân nhà Minh đã vào đây vơ vét muối. Chúng bắt những người làm muối phải bán muối cho những người có giấy khám hợp do các nội quan của chúng cho phép, bán cho người khác thì xử như luật nấu muối lậu. Lại cấm người đi đường mang nhiều muối, lệ chỉ cho mang 3 bát muối và 1 lọ nước nắm thôi.

Tuy nhiên chưa rõ làng nào có nghề làm muối đầu tiên ở Quỳnh Lưu, nhưng để xác định nghề này xuất xứ từ đâu thì cho đến hiện nay nguồn tư liệu nói về vấn đề này còn rất ít. Chủ yếu hiện nay cũng chỉ là nguồn tư liệu điền giã mà thôi.

Nhân dân Tiên Yên nói nghề làm muối được truyền dạy từ một người họ Nguyễn ở huyện Vĩnh Lại (Hải Dương) vào cư trú và truyền nghề cho. Bà con Qúy Hòa lại nói, do người họ Mai ở huyện Hậu Lộc Phủ Hà Trung (Thanh Hóa) tên là Mai Thúc Trí đến định cư bày cho dân cách nấu nước biển để lấy muối từ thế kỉ XIV. Tộc phả họ Hồ Công ở Thượng Yên (Quỳnh Yên) ghi lại: “Khi đến Thượng Yên ông Hồ Công Hân cùng với nhân dân làng phía trên đắp đê làm ruộng, phía dưới khai phá làm muối”[27;174-175]

Như vậy, từ những tư liệu lịch sử trên chúng tôi có thể khẳng định rằng nghề làm muối ở Quỳnh Lưu có trước thế kỉ XV, còn ở Quỳnh Lương cũng không biết cụ thể có từ khi nào, chỉ biết rằng đây cũng là một nghề có từ lâu, nhưng chắc chắn rằng số người tham gia và diện tích không lớn lắm, vì diện tích vùng nhiệm mặn ven sông Mơ của Quỳnh Lương không nhiều (với diện tích gần 40ha) và địa hình lại không bằng phẳng nên việc sản xuất muối rất khó khăn, tuy nhiên sản lượng muối sản xuất cũng tương đối lớn không

những cung cấp cho nhu cầu của cư dân trong làng mà còn cung cấp cho nhân dân làng Phú Nghĩa chế chế biến hải sản.

Nghề làm muối cũng là một nghề khá vất vả, tuy nhiên nghề nấu muối rất thô sơ, đơn giản, gồm hai bước:

Bước một là lóng nước: đây là công đoạn nặng nhọc nhất trong quá trình nấu muối, bước này người ta phải thực hiện từ chiều ngày hôm nay đến chiều tối ngày hôm sau, công việc này được thực hiện hoàn toàn bằng sức lao động của con người. Bước thứ hai là nấu muối: công việc này được bắt đầu từ 4 giờ sáng cho đến 6 giờ sáng và thời điểm thu hoạch là từ 1 giờ chiều cho đến 3 giờ chiều, đây là thời điểm nắng nóng nhất trong ngày của mùa hè. Việc sản xuất muối chỉ làm một vụ trong năm từ tháng 4 đến tháng 6 còn các tháng còn lại hầu như là ngưng nghỉ vì không đủ nhiệt nắng để nấu muối.

Như vậy, nghề sản xuất muối cũng là một trong những nghề nặng nhọc và vất vả, tuy nhiện hiệu quả kinh tế lại không cao, nên những năm gần đây nhân dân Quỳnh Lương đã bỏ nghề làm muối và chuyển sang cải tạo thành ao đầm để nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao hơn, việc chuyển đổi này ở Quỳnh Lương được thực hiện từ năm 2004 cho đến nay.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng phú lương (quỳnh lương, quỳnh lưu, nghệ an) (Trang 47 - 53)