Các lễ tiết thờ cúng trong năm

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng phú lương (quỳnh lương, quỳnh lưu, nghệ an) (Trang 94 - 99)

* Tết Khai hạ

Được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng 1 (ÂL) với mục đích, tháng giêng là tháng Dần (nhân sinh ở Dần), ngày mùng 7 cũng thuộc nhân nên tế thần linh vào ngày này là mong cầu cho mọi người sống hạnh phúc, mọi nghề phát đạt, kinh tế dồi dào trong các gia đình. Tế xong mới hạ nêu xuống.

* Rằm tháng Giêng (còn gọi là tết Lập xuân).

Vào ngày này làng tổ chức tế tại đình. Lễ vật được phân chia đều cho các giáp, mỗi giáp một cỗ xôi gà đem đến. Trước khi tế, làng tổ chức chấm điểm lễ vật của các giáp. Sau đó chọn cỗ được giải nhất, nhì, ba để ở bàn trên, cỗ không được giải để ở bàn dưới, cuộc tế mới bắt đầu. Kết thúc buổi tế số cỗ được chia cho dân làng đến dự. Tết Rằm tháng Giêng có ý nghĩa cầu cho mọi vật sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi. Đây là một tết lớn sau tết Nguyên Đán.

* Tết mùng Năm tháng Năm (còn gọi là tết Đoan ngọ).

Người Quỳnh Lưu ăn tết Đoan Ngọ không nghĩ rằng đây là ngày giỗ Khuất Nguyên, trung thần của nước Sở (thế kỷ III TCN). Họ chỉ biết rằng đây là thời gian thu hoạch vụ chiêm đã xong, lại vào tiết hạ oi bức, họ làm cỗ cúng vái thần và tổ tiên để tránh ôn dịch và nghỉ ngơi.. Trước ngày tết Đoan Ngọ, chàng rể đi tết bố mẹ vợ (đã cưới hoặc sắp cưới). Đêm mùng 4 có tục nhuộm móng tay, móng chân cho trẻ nhỏ (trừ ngón cái) bằng lá móng. Sáng mùng 5 giết sâu bọ bằng cách làm cơm rượu nếp, ăn kê với bánh đa…Sau khi cúng lễ gia tiên xong, bà con đi hái các loại lá thuốc giữa trưa (vào giờ ngọ của ngày đoan ngọ), lúc dương khí mạnh nhất, rồi phơi khô dùng làm thuốc uống trong năm.

* Rằm tháng 7 (nhà Phật gọi là lễ “Vu Lan”): Vào ngày này, dân làng cúng các cô hồn bằng cháo hoa đổ vào những chiếc lá đa dọc đường đi, cũng là ngày lễ Vu Lan của nhà Phật. Tại các đình, đền, miếu đều có tổ chức cúng. Lễ vật là xôi gà, chuối oản, hoa quả. Cúng xong tất cả các lễ vật đều đem chia cho dân làng đến dự lễ. Trong các gia đình đều làm cỗ cúng tổ tiên. Trong tháng 7, làng có tục đốt quần áo, vật dụng cho người chết gọi là tục đốt vàng mã và không may quần áo và mua sắm cho người sống. Riêng với các làng ven biển cạnh cửa lạch như Tiến Thủy, Quỳnh Phương… lễ cúng “Rằm tháng Bảy” luôn được tổ chức chu đáo. Ngoài lễ vật cúng gia tiên, các nhà sắm hương vàng, đồ mã, cháo hoa, bỏng gạo, bỏng ngô và cá nướng, đi thuyền ra cửa lạch cúng Đức Ông sông nước, Long vương, Hà bá, thủy quan và các vong lang thang do sóng nước nhấn chìm. Cúng xong đốt vàng mã, thả xuống biển lễ vật đặt trên bè là sống tàu lá chuối có mui bằng giấy, có hình nhân.

* Tết cơm mới (Tết trùng thập)

Ngày 10/10 hàng năm là ngày cúng Tết cơm mới, dân chúng một số nơi làm cơm cúng Thổ thần, Thần Nông và ông bà để xin cho được mùa, gia đạo thuận hòa. Ở một số nơi bà con nhà Nông lại cúng vào rằm tháng 10 cho tiện, vừa cúng Tết cơm mới, vừa cúng rằm luôn: “Rằm tháng giêng ai siêng thì cúng, rằm tháng mười, mười người mười cúng” [38;29]. Ở Phú Lương tuy là làng ven biển nhưng nhân dân một số nơi vẫn có tập tục này, điều đó chứng tỏ tinh thần coi trọng nghề nông truyền thống của cư dân nơi đây.

* Tết Nguyên Đán

Theo tục lệ xưa, tết Nguyên Đán là ngày tết lớn nhất trong năm và có ý nghĩa rất đặc biệt. Mọi người chờ đón một điều gì đó tốt đẹp, một sự sum vầy đầm ấm trong ngày đầu năm mới.

Đúng ra, ngày mồng 1 tháng Giêng mới ăn tết nhưng từ ngày 23 tháng Chạp – ngày các gia đình cúng táo quân và ngày 25- 26 tháng Chạp, Làng rước tế mộc dục, gia quan đã có không khí tết rồi.

Những ngày cuối năm, nhà nào cũng lo quét dọn nhà cửa, lau chùi bàn thờ, đồ thờ sạch sẽ. Hầu như nhà nào cũng có câu đối, mâm ngũ quả, đào mai... Nhà nghèo cũng cố gắng gói vài cặp bánh chưng, mua vài cân thịt. Khoảng trưa, bà con đi viếng mộ tổ tiên, người thân. Chiều 30 tháng chạp bắt đầu vào tết, nhà nào cũng đặt mâm cỗ rước gia tiên về ăn tết với gia đình. Nửa đêm vào giờ Tý (0 giờ) cúng giao thừa chính thức đón xuân, lễ cúng này thường làm xôi gà hoặc chè mật. Cả nhà quây quần vui chén rượu mừng xuân và chúc tụng nhau một năm mới an khang, hạnh phúc. Ngày mồng một là ngày quan trọng nhất trong ba ngày tết. Người lớn chỉnh tề áo dài, khăn xếp đến nhà thờ họ thắp hương, đi chúc mừng năm mới các gia đình thân thuộc. Mọi người nói chuyện, chào hỏi nhau nhỏ nhẹ thân tình, ai cũng muốn giành cho nhau những điều tốt đẹp trong những ngày đầu năm mới. Tết chỉ có ba ngày, mồng ba tháng giêng là làm lễ tiễn ông bà, tổ tiên, song thường vui chơi cho tới lễ khai hạ (mồng 7 tháng giêng). Trong những ngày này, nhiều làng tổ chức các trò chơi như đu tay, đấu vật, cò thẻ, chọi gà... Riêng ở Phú Lương có nhiều lễ hội đã diễn ra nhộn nhịp đông vui. Đình Phú Lương (đìnhTrung) là nơi tụ điểm của hội hè.

3.2.5. Lễ hội

Có thể nói ở Việt Nam lễ hội diễn ra quanh năm suốt tháng, đặc biệt là vào dịp xuân thu nhị kỳ. Ở Phú Lương cũng không phải là ngoại lệ.

Lễ hội “là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng diễn ra trên một địa bàn dân cư trong thời gian, không gian xác định nhằm nhắc lại một sự kiện, nhân vật lịch sử hay huyền thoại, đồng thời là dịp để biểu hiện cách ứng xử văn hóa của con người với thiên nhiên, thần thánh và con người trong xã hội” [54;21-33].

* Lễ hội đến Quy Lĩnh

- Phần Lễ: Sau khi vui tết, tế nguyên tiêu xong, vào ngày 21 và 22 tháng Giêng (âm lịch) dân làng Phú Lương tổ chức tế lễ tại đền và cứ 12 năm

tổ chức một lần rước đại phong sắc từ đền xuống đình Trung và từ đình Trung lên đền. Nội dung tế lễ là để cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng yên ổn làm ăn, mưa thuận gió hoàn mùa màng bội thu.

Lễ vật được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ như: xôi, gà, thịt lợn, ngũ quả, trầu rượu, hương đăng, kim ngân,...

Vào giờ đó các vị chủ tế và các cụ cao niên trong làng cũng như dân làng tề tựu đầy đủ tại đền. Sau khi sữa soạn lễ vật xong, gian giữa nhà bái đường được trãi hai hàng chiếu hoa, có đội nhạc cụ bát âm, trống đại, trống con chiêng,...

Chủ tế đứng giữa, cao hơn hai cụ bồi tế đứng hai bên, tất cả đều mặc áo dài thân, đầu đội mũ có quan hiến, cử mịch, đứng sau chủ tế, bồi tế là các cụ cao niên quần áo chỉnh tề xếp thành hàng ngang. Chủ tế hành lễ theo tuần tự của nghi lễ do người xướng lễ điều hành, đó là dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế, dâng tiếp hai lần rượu nữa, trong quá trình tế lễ tiếng nhạc xập xình theo từng nghi thức.

- Phần lễ rước: Trai làng cầm cờ ngũ sắc đi trước, tiếp theo là các cháu thiếu nhi mặc trang phục lễ hội đẩy ngựa gỗ, sau đó là đoàn nhạc bát âm với bản xinh tiền. ngayĐền Quy Lĩnh trước đây là nơi diễn ra các kỳ lễ trọng như lễ hội cầu ngư, lễ hội rước mã, lễ hội trò Lề…những hình thức trong lễ hội đều tượng trưng cho sự phát tích của thần thánh và những nghề nghiệp chính của dân làng trên sông nước, biển cả.

* Các lễ hội khác:

Ngoài lễ hội đền quy lĩnh được tổ chức đầu xuân, thì trong năm dân làng Phú Lương còn tổ chức rất nhiều lễ khác, đây cũng là nét chung của cư dân vùng biển ở Quỳnh Lưu. Khác với lễ hội đền Quy Lĩnh, các lễ hội khác trong năm được tổ chức ở Đình Trung, như : Đại lễ kỳ phúc, cầu yên cho dân, chọn ngày tốt trong tháng; Lễ khai hạ tháng 3, chọn ngày tốt trong tháng; Lễ đoan ngọ 5/5. Tất cả các lễ này do dân đóng góp [37;24]. Ngoài ra hàng năm

còn có các lễ: tế xuân ngày 6/2; thượng điền ngày 8/8; thường tân, tháng 10 chọn ngày tốt; Lễ nhập ngày 1/12;

Cũng như các làng khác, việc tổ chức tế lễ do Hội đồng quan viên chức sắc trong làng họp bàn và thông qua. Người chủ tế do Hội đồng chọn, dựa trên mấy tiêu chuẩn. Có địa vị nhất định trong xã hội, vợ chồng song toàn, nhân đức và trong thời điểm đó không chịu tang tóc, con cái làm ăn lương thiện. Người được cử làm chủ tế coi đây là vinh dự lớn. Trước ngày đại lễ, chủ tế phải ăn cơm chay, ngủ tại đền từ đêm hôm trước.

* Lễ hội Cầu Ngư:

Là lễ hội cầu ngư là lễ hội mang đặc trưng văn hóa của cư dân vùng sông nước nói chung và của cư dân Phú Lương nói riêng. Đây là lễ hội để cư dân vùng sông nước bày tỏ lòng tôn kính lên các vị thần, gửi gắm niềm tin, niềm khát vọng – cầu mong sự che chở, phù hộ của các thần để đoàn thuyền ra khơi được thuận buồm xuôi gió, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền…vừa là dịp để con người vui chơi thư thái sau một năm lao động vất vả.

Lễ hội Cầu Ngư ở Phú Lương diễn ra mỗi năm một lần, trong ba ngày (từ ngày 13 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch), gồm: Phần lễ và phần hội. Hiện nay lễ cầu ngư ở Quỳnh Lương đã thất truyền.

Các bước trong phần lễ trước đây gồm: Lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước kiệu, lễ đại tế và lễ tạ. Nghi thức tế lễ ở đền giống như các nơi khác. Tuy nhiên hiện nay các bước thực hiện có phần rút gọn đặc biệt về mặt thời gian.

Riêng lễ rước hiện nay được tiến hành qua mấy bước chính như: Sau khi làm lễ yết cáo (tối ngày 11 tháng giêng), đúng 7 giờ sáng ngày 12 tháng giêng, nhân dân làm lễ rước Ông Cá Voi từ đền thờ Ngư Ông ở xóm 2 về bến thuyền neo đậu (tức bến Mơ cạnh cầu Quỳnh Lương) và đưa lên thuyền chính chủ. Các thuyền được trang trí lộng lẫy tàn lọng và xếp theo thứ tự rồi nối đuôi nhau chạy ra lạch Quèn, dạo quanh dòng sông Mai Giang. Sau đó quay về điểm xuất phát ở bến để làm lễ cầu ngư tại thuyền Chính chủ. Chủ tế là người trong làng do dân làng bầu ra. Đó phải là người có uy tín, gia đình hòa

thuận, kinh tế dồi dào, làm ăn phát đạt, con cháu đông đúc, không chịu tang khó ai trong anh em họ hàng [81]. Sau đó, nhân dân lại rước thần hồi cung tại đền để làm lễ đại tế và lễ tạ.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng phú lương (quỳnh lương, quỳnh lưu, nghệ an) (Trang 94 - 99)