Sau khi nước biển rút để lại các cồn đất, những vùng bùn, những đầm lầy, ao, hồ chua mặn. Khi con người đến sinh sống thành lập xóm làng, dòng họ, trải qua bao thế hệ quai đê, lấn biển khai hóa đất đai, ngăn nặm ngọt hóa đồng ruộng để trồng lúa nước, bắt đầu hình thành nên nền nông nghiệp sơ khai, nghề nông trở thành nguồn sống chính của cư dân làng Phú Lương, “Nông vi bản”, “Canh nông là gốc dân ta /Phần nhiều giàu có là nhờ ruộng nương” [71;21].
Theo cuốn “Quỳnh Lưu phong thổ kí” của Hồ Tất Tố và “Vân đài loại ngữ” của Lê Qúy Đôn đều chép: “ở vùng này lúa, ngô, khoai, kê, đậu, lạc, được gieo trồng sớm nhất”. Thúc ước của làng Phú Lương từ xưa đã nói về nghề nông: “Nông yên nghiệt cày bừa níu lịch/ Thóc dư hán dẫu ngàn sương/ Thợ trăm tài ứng thủ đắc tâm/ Kìa phủ tía, nọ lầu son, ví trước công du ngang một mực”.
Nghề nông xưa chủ yếu một năm hai vụ, vụ năm và vụ mười, dựa vào yếu tố thời tiết, để cơ cấu mùa vụ và cây trồng cho phù hợp. Vụ Năm bắt đầu từ tháng 11 năm này đến tháng 4 năm sau, khi thu hoạch xong lúa, tiến hành lật đất, bừa kĩ sau đó chủ yếu là trồng khoai lang xen đậu, lạc, vừng, ngô. Vụ Mười từ tháng 5 đến tháng 11, nhân dân Phú Lương tiến hành trồng lúa, do đặc thù là đất cát pha nên việc gieo trồng lúa là rất khó khăn, tuy nhiên với sự cần cù chịu khó và sáng tạo nhân dân Phú Lương đã canh tác lúa vụ Mười cho năng suất tương đối cao. Yếu tố cho năng cao ở đây là khâu chọn giống lúa phù hợp với thổ nhượng, khí hậu và thời tiết ở đây. Vì vậy cư dân ở đây từ rất sớm đã đúc rút được kinh nghiệm chọn giống lúa như: lúa Lốc, lúa Ri, lúa
Cằm, lúa Hẻo Dong, lúa Cút, lúa Ré Đá, lúa bù và các loại nếp Ri, nếp Cái, nếp Rồng. Dân có câu ca: “Cơm lúa hẻo ăn với cá thèn ngỏe đươi/ Đi đâu cũng nhớ nếp xôi quê nhà” hay câu “Xôi nếp cái, gái họ lê”[71;23].
Việc canh tác cây lúa của cư dân làng Phú Lương hết sức vất vả, bởi vì ở đây chủ yếu là đất pha cát khô cằn lại gieo (trỉa) vào vụ Mười (từ khoảng tháng 5, 7 âm lịch), đây là thời điểm mùa hè nóng bức của miền Trung, thời điểm cây lúa trổ bông là vào khoảng tháng 8, 9 âm lịch, đây là thời điểm mưa bão, nên nhiều lúc người dân làm nhưng không thu hoạch được, “có khi phải làm đi làm lại nhiều lần mà trời vẫn không cho ăn, có năm hạn hán hoặc lũ lụt mất trắng” [72;23]. Để nói lên nỗi gian truân của việc canh tác cây lúa, cư dân làng Phú Lương đã lưu truyền câu thơ rằng: “Gió mưa chi lắm hỡi trời/ Lúa mùa toan gặt lại trôi đầy đồng/ Con đau vợ đói nhìn chồng/ Khóc thảm khóc thiết đỏ tròng con ngươi/ Ba năm lại hạn đồng khô/ Lúa không khoai hết còn mong đợi gì”.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, dân Phú Lương chỉ trồng mỗi năm một vụ lúa mùa. Vụ chiêm chủ yếu trồng: lạc, vừng, ngô, khoai,…trên đất màu. Hồ Tất Tố đã chép trong “Quỳnh Lưu phong thổ ký”: “Miền hạ ở ven bể, ruộng ít màu mỡ, tuy kiếm lời về nghề cá, làm muối vẫn phải trồng dưa, khoai ở các bãi cát để làm ăn…” [66;95].
Cùng với trồng cây lương thực, xưa cư dân làng Phú Lương còn kết hợp chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, trước để phục vụ bữa ăn gia đình, sau để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khác với vùng quê khác cư dân Phú Lương chỉ nuôi bò chứ không nuôi trâu, vì đất ở đây là đất cát mềm, tơi xốp không cần sử dụng đến sức của trâu, cho nên từ xa xưa người dân ở đây đúc rút được kinh nghiệm chọn giống bò để nuôi. Có câu ca rằng: “Đầu thon mặt nhẹ khô thon/ Vai cao mình thẳng mặt gân sườn tròn/ Dạ bình, tai lá mít, đít lồng bàn/ Đố ai biết được chẳng còn điểm chi/ Bốn chân một vó ai bì/ Móng tròn bát úp khi đi vững vàng” [71;29]. Ngươi dân Phú Lương chăn nuôi bò với
mục đích chính là để đảm bảo sức kéo phục vụ cho nông nghiệp, ngoài ra còn để lấy phân chuồng bón ruộng.
Ngoài ra cư dân làng Phú Lương cũng trồng dâu nuôi tằm để lấy tơ dệt vải và nó cũng trở thành một nghề thủ công truyền thống, tuy nhiên do nghề này ở Phú Lương không phát triển và đẹp như ở các làng khác nên không hình thành nên một làng nghề như ở làng Phú Nghĩa.
Như vậy cũng như bao làng quê khác, làng Phú Lương cũng coi nghề nông là căn bản, nhưng không như các làng quê khác được thiên nhiên ưu đãi về đất đai khí hậu, ở Phú Lương đất đai khô cằn khí hậu khắc nghiệt. Tuy nhiên với sự cần cù, chịu khó và sự linh hoạt trong sản xuất của người dân. Từ xa xưa, dù con người đã biết linh hoạt trong sản xuất, mùa nào thức nấy, đất nào cây ấy nên nghề nông ở Phú Lương cũng tạo ra được sản phẩm để đảm bảo cho cuộc sống của cư dân. Hiện nay, nghề nông nghiệp vẫn được duy trì song nhân dân Quỳnh Lương đã thay đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với thổ nhượng và cho hiệu quả kinh tế cao, đó là chuyên canh các loại rau xanh, việc trồng rau màu đã đưa lại sự trù phú cho nhân dân Quỳnh Lương, Quỳnh Lương trở thành vùng chuyên canh rau sạch cung cấp rau cho nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh và Quảng Bình và xa hơn nữa là Huế, vì vậy tỉ lệ thu nhập trong nông nghiệp bình quân hàng năm của Quỳnh Lương là 36,6 %.” [71;172].