Các ngôi đền, đình của làng

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng phú lương (quỳnh lương, quỳnh lưu, nghệ an) (Trang 73 - 78)

Theo điều tra điền dã của chúng tôi, tại Quỳnh Lưu trước cách mạng tháng Tám năm 1945, có nhiều kiến trúc đền, chùa, đình, nhà thờ, miếu thờ,... Khá cổ kính, đặt trong khung cảnh, một môi trường mà đến bây giờ mỗi khi nhắc tới, những người già còn nuối tiếc với niềm thành kính thiết tha. Nhưng giờ đây, không còn nữa do sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp và Mĩ , nhưng một phần cũng do sự nhận thức ấu trĩ của chúng ta mà trong đó một số người cho đó là nơi duy trì những tục lệ phong kiến, những hủ tục mê tín dị đoan.

Ở Quỳnh Lương cũng không phải là ngoại lệ, hiện nay không gian kiến trúc đình, đền, miếu thờ cũng không còn nguyên vẹn như xưa nữa. Tuy nhiên thông qua các tư liệu cũ chúng tôi xin tái phục dựng lại kiến trúc của hai công trình văn hóa ở Phú Lương đó là đền Quy Lĩnh và Đình Phú Lương hay còn gọi là đình Trung.

* Đền Quy Lĩnh

Đền Quy Lĩnh tọa lạc dưới chân núi Quy Lĩnh nên gọi là đền Quy Lĩnh, vị trị của đền nằm ở phía Đông Bắc làng Phú Lương, nay thuộc xóm 6 xã Quỳnh Lương. Đền nằm giữa một thung lũng rộng theo thế “Tựa sơn vọng thủy”, ba phía của đền được bao bọc bởi núi Quy Lĩnh, mặt đền hướng ra biển.

Đền được xây dựng từ thời nhà Trần (1279), là công trình văn hóa có quy mô lớn, là thành quả của nhân dân tạo dựng nên để tôn thờ và tưởng niệm những người có cộng bảo quốc, hộ dân, giúp làng trong cuộc sống, các vị thần được thờ tại đền là vị Sư, Tứ vị Thánh nương, Mộc thần và phối thờ Hoàng Tá Thốn.

“Đền ban đầu chỉ xây dựng bằng tranh, sau đó các vị minh quân dưới thời nhà Trần, Lê khi cầm quân đi chinh phạt phương Nam đều ghé qua đền làm lễ cầu đảo và đều được linh nghiệm, giành thắng lợi trở về đều cho tu sữa nâng cấp ngày càng quy linh” [71,35]. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đền Quy lĩnh là nơi hợp tụ của các đình, đền, chùa trong làng, năm 1979 lãnh đạo địa phương đã ra lệnh phá dợ đền và đền trở thành phế tích.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, được phép của cơ quan chức năng, Đảng bộ và Chính quyền xã Quỳnh Lương cùng sự đóng góp của nhân dân trong và ngoài xã đã tiến hành phục hồi đền Quy Lĩnh.

Tháng 4 năm 2006, phục dựng Hậu cung, 4 cột đăng, Lầu Voi, Ngựa, tường bao quanh, sân trong, nhà đón khách. Tháng 4 năm 2009, phục dựng nhà Thượng điện và Trung điện. Tháng 12 năm 2009, phục dựng nhà Hạ điện, tường bao và sân ngoài. Các công trình phục dựng nằm nguyên vị trí mặt bằng khi xưa. Đền được khánh thành vào ngày 11/02/2010.

Đến tháng 8 năm 2013, đền được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 3.505/QĐ- UBND ngày 12/08/2013 của UBND tỉnh Nghệ An).

Về kiến trúc, đền Quy Lĩnh “xây dựng theo lối kiến trúc bốn tòa nhìn ngoài và hình chữ Đinh. Mái nhà được kết cấu thành bốn mái, mái cong lợp khói âm dương, tường xây; các vì kèo làm bằng gỗ, tứ trụ, có trạm trổ Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, nhà mái đường, bố cục theo kiểu trùng thềm điệp ốc, trên một khuôn viên chừng hai mẫu, toàn bộ thềm nhìn về hướng Đông”. [71, 37].

Về mặt văn hóa nghệ thuật, những mảng điêu khắc chạm trổ trên các văng, xà, hạ, đòn bẩy, cột dù chưa nhiều và có phần đơn giản nhưng đã thể hiện sự đồng điệu thanh thoát trong tổng thể. Với lối kiến trúc truyền thống chồng giường chồng đấu, 4 đầu đao vút cong thể hiện trình độ thẩm mỹ trong kiểu kiến trúc của nhân dân Quỳnh Lương trước đây.

Một điểm đáng chú ý về mặt giá trị nghệ thuật kiến trúc của di tích là hệ thống vỉ kèo của di tích. Việc sử dụng hệ thống giá chiêng, kê chuyền, cột,

kèo đều được làm bằng chất liệu gỗ và sử dụng kỹ thuật mộng chứng tỏ trình độ của người thợ rất cao. Chính vì vậy đã tạo nên những vỉ kèo có giá trị thẩm mỹ, vừa đảm bảo chắc chắn và có độ bền vững khá cao. Người xưa đã triệt để lợi dụng những yếu tố về lực giằng, lực kéo, lực nén và khả năng tải trọng của chất liệu gỗ. Do đó, đã tạo nên những bộ vỉ và nhiều vỉ kết hợp với nhau, tạo nên khung nhà chắc chắn có đủ sức chống chọi với thiên tai, tồn tại với thời gian. Nhìn chung, đền được cấu trúc bền chắc khỏe, phù hợp với môi trường vùng ven biển nhiều gió bão. Những yếu tố này tạo cho ngôi đền trở thành một di tích kiến trúc duy nhất còn lại trong làng hiện nay.

Như vậy, đền vừa thờ nhiên thần, vừa thờ nhân thần. Các vị đều là phúc thần của dân làng nên được thờ với tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ. Các hiện vật trong di tích: Gồm có các loại tế khí: Chiêng đồng; trống,; bát hương bằng đồng; đĩa cổ; bình hoa; đồ thợ tự; 4 kiệu; lọng che; tàn; quạt bằng lông công; chuông đồng; khánh; bung 50; bung 30; mâm thau; mâm cổ bồng; nồi đồng; lu đựng nước cổ; đài thờ để trầu cau; gươm dài; hài, hộp, gương, lược [37;21]. Năm 1945, xã Quỳnh Lương đã đưa những đồ thờ tự trong đền ủng hộ “Tuần lễ vàng” do Chính phủ phát động nên phần lớn các hiện vật cổ đến nay không còn.

* Đình Phú Lương (Đình Trung)

Chung cho cả làng Phú Lương, đình Trung được xây cất vào khoảng thế kỷ XVII, trên một vùng đất rộng khoảng 3 sào, có khuôn viên bao bọc. Trước cổng ra vào có hai cột nanh to cao, trên có búp sen tọa, nơi đây hàng trăm năm vào dịp lễ kỳ phúc, đình làng náo nhiệt hẳn lên.

Đình xây lúc đầu có 5 gian bằng gỗ, nguồn gỗ lấy từ dãy chân giá về, lợp bằng rạ. Đến khoảng cuối thế kỷ XVIII, đình được xây dựng lại bằng gỗ, gạch, lợp ngói, có hai tòa. Tòa trong 3 gian dùng làm nơi đặt bài vị của thần khi tế lễ. Tòa ngoài có 5 gian lớn và 2 hồi gọi là tòa ca vũ, có lưỡng long chầu phậu (bình rượu), có 2 nghê ngồi chầu trên 2 cột nanh tả, hữu trước mái đình. Trong đình có nhiều câu đối. Các già làng chỉ còn nhớ được một câu:

“ Đình Trung nhất giáp Hiền Lương giá trọng Quỳnh Lưu mỹ ngọc Hương hội thiên đinh giai Hoàn Hậu thịnh vu hoa diện danh châu” Tạm dịch:

Giữa đình Trung Hiền Lương là một giáp như hòn điện ngọc rất trọng vọng quý giá trong huyện Quỳnh Lưu. Trong làng Hoàn Hậu đã có ngàn đinh làm ăn thịnh vượng, các bậc giai nhân đã làm cho sáng lãn đất Châu Diễn, Câh Hoan.

Đình Trung trước đây là nơi tế lễ, hội hè của làng Phú Lương, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân làng Phú Lương.

Vào những buổi đầu xuân, Đình Trung đã diễn ra nhiều lễ hội như lễ cầu phúc, cầu yên, lễ khai xuân, khai hạ xa gần đổ về đây trẩy hội tưng bừng, đông vui. Đình Trung nay không còn, trên nền Đình Trung nay là nhà văn hóa xóm 5 (Quỳnh Lương).

Người dân Phú Lương từ bao đời nay cho dù cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn, song rất chú ý xây dựng đời sống tâm linh, đình làng là nơi thờ phụng thần hoàng làng- vị thần bảo hộ cho làng, đại diện cho cả cộng đồng, vừa là nơi hội hpoj bàn việc làng, việc nước của các vị chức sắc trong làng, vưà là nơi đón tiếp quan trên mỗi khi về thị sát cơ sở, cũng là nơi hội hề, đình đám vui chơi và cả việc góp ý cho những người sai lạc hòa nhập cộng đồng. Cũng như các làng xã khác, cây đa, giếng nước, sân đình là biểu tượng của thôn quê Phú Lương từ thủa xa xưa.

3.1.2. Nhà ở

Cũng như các địa phương khác ở vùng bãi ngang, nhân dân Phú Lương rất coi trọng việc làm nhà ở, tuy nhiên tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà xây nhà theo 3 dạng: nhà nghèo thì làm nhà tre lợp mái rạ, phen nứa hoặc trát vách đất; gia đình khá giả hơn thì làm nhà bằng gỗ xoan đâu trồng được trong vườn; nhà giàu thì làm nhà gỗ tường xây sò mái lợp ngói âm dương. Nhà ở Phú Lương thường được cấu trúc hình chữ L, một nhà ngang – nhà lớn, một nhà dọc – nhà nhỏ. Nhà lớn thường được xây dựng 3 đến 5 gian

tùy vào điều kiện của các gia đình, gian giữa là nơi thờ cúng tổ tiên và nơi tiếp đón khách khứa của gia đình, các gian còn lại là nơi nghỉ ngơi, riêng gian buồng được xây kín là nơi cất giữa lương thực và tiền bạc của gia đình. Nhà nhỏ vừa là nhà bếp, vừa là nơi ăn uống cũng là nơi sinh hoạt của phụ nữa và trẻ nhỏ, ngoài ra trong khuôn viên nhà ở bao giờ cũng có một khu vực giành cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm và là nơi để dụng cụ lao động sản xuất như cày bừa, quang gánh của gia đình.

Về hướng nhà nói chung thường ngoảnh hướng đông nam và hướng Nam để đón gió nồm và tránh gió tây khô nóng bức vào mùa hè, gió mùa đông bắc buốt lạnh vào mùa đông. Làng Phú Lương nằm ven biển nên hàng năm từ tháng 7 đến tháng 8 thường có bão lớn nên nhà được xây dựng thường thấp để tránh gió bão.

Kiến trúc của ngôi nhà lớn thường theo kiểu tứ trụ, nhà chữ “Đinh”, nhà ba lòng, (nhà quá giang vượt), nhà tứ trụ có nhiều “dạng dị bản”:

- Mẹ tròn con tròn: nghĩa là cột tròn và đường hoành, quá giang, xà đều tròn được bào trơn.

- Mẹ tròn con vương: nghĩa là cột tròn, còn hoành, xà, quá giang được bào vương cạnh.

- Mẹ vương, con vương: đó là cột, xà, hoàn và quá giang đều được bào vương cạnh và có xoi chỉ.

Ngoài ra ở các bức bạo, ở hồi văn, giá chiêng, đầu trếch,... đều có mảng trang trí theo các đề tài tam đa: Phúc – Lộc – Thọ; tứ linh: Long - Ly – quy – Phượng hoặc tứ quý: Lan – Trúc – Cúc – Mai.

Ở Phú Lương người dân lấy tên vì kèo để đặt tên nhà: nhà xông- bẩy (thượng xông, hạ bẩy); nhà kèo đôi; nhà xông; nhà oai bẩy (thượng oai hạ bẩy). Nhà thường xây bít đốc, có nhà 3 gian, 4 gian, 5 gian, gian giữa gọi là gian bảy là nơi thờ cúng tổ tiên.

Qua tìm hiểu điền giã chúng tôi thấy, kiến trúc nhà ở và cách bố trí sinh hoạt, điểm bao trùm dễ thấy là tính cách giản dị, mộc mạc không hoa mỹ, có

sức bao quát, chuộng về chắc bền, bởi nó toát lên thế vững chãi của kiến trúc. Thể hiện nét văn hóa riêng về kiến trúc nhà ở của người dân Phú Lương nói riêng và cư dân ven biển vùng bãi ngang Quỳnh Lưu nói chung. Qua đó để thấy được sự sáng tạo, sức chống chọi và sự thích ứng với mưa bão của vùng biển.

Người dân Quỳnh Lương luôn tự hào về kiến trúc nhà ở của mình. Vì ngôi nhà không chỉ là nơi che mưa, che nắng, chắn gió bão mà ngôi nhà còn là sự liên kết gia đình truyền thống, là sự gắn bó gia đình, thường là gia đình chung sống ba thế hệ, gồm ông bà, cha mẹ và con cháu- “tam đại đồng đường”. Ngôi nhà còn là gắn bó nhiều thế hệ tông tộc tổ tiên hàng mấy trăm năm.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng phú lương (quỳnh lương, quỳnh lưu, nghệ an) (Trang 73 - 78)