* Phật giáo
Cho đến bây giờ chúng tôi chưa tìm được những bằng chứng xác định thế kỷ nào đạo Phật du nhập vào Quỳnh Lưu nói chung, Quỳnh Lương nói riêng, và ở đây chùa nào được xây dựng trước tiên, có trung tâm Phật giáo nào không? Chỉ biết rằng vào thời Bắc thuộc, trên đất Quỳnh Lưu đã có chùa chiền, nhất là ở các xã Quỳnh Vinh, Mai Hùng, Quỳnh Dị, Quỳnh Thiện, Quỳnh Hoa, Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn…Nơi đây có nhiều chùa cổ. Đến thời Hậu Lý, chùa chiền trên đất Quỳnh Lưu đã có nhiều…Đầu thế kỷ XX, ở Quỳnh Lưu có khoảng 80 chùa lớn nhỏ [31;692]. Nói vậy để thấy, đạo Phật đã được truyền bá vào Quỳnh Lưu sớm và khá phát triển. Tuy nhiên ở Quỳnh Lương cho đến hiện nay chúng tôi chưa tìm thấy bằng chứng nào chứng tỏ có sự du nhập của đạo Phật.
* Nho giáo
Đầu thời kỳ Bắc thuộc, Nho giáo được truyền vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau. Ở Quỳnh Lưu, Nho giáo có ảnh hưởng từ khi nào và có vị trí ra sao? Chính xác thời gian ảnh hưởng thì không rõ, có lẽ cũng sớm, bởi Quỳnh Lưu là vùng đất từ lâu đã nổi tiếng hiếu học, nhiều người đi học và khoa bảng. Bởi vậy, chắc chắn là đạo Nho có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống dân làng Quỳnh Lưu. Theo GS Ninh Viết Giao thì việc tiếp nhận đạo Nho ở xứ Nghệ là vào thế kỷ XV. “Tiếp cận chậm so với đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa nhưng lại mạnh mẽ, sâu sắc và rộng khắp, chẳng bao lâu sau Nho học được độc tôn” [31;702].
Ở Phú Lương có nhà Văn thánh, có Văn hội hay hội Tư văn. Được vào hội tư văn, được đi dự lễ ở nhà văn thánh phải là môn sinh cửa Khổng sân Trình và có nhân cách. Còn khóa sinh và những người đỗ đạt thì cố nhiên rồi. Việc tế lễ ở nhà Văn Thánh do Văn hội đảm nhiệm. Ngày trước, đền Thánh được cúng vào đầu năm để khai bút. Hàng năm cứ “xuân thu nhị kỳ” vào rằm tháng hai và rằm tháng tám, hội tư văn tiến hành tế Thánh trước khi trời sáng
(2 giờ sáng). Lễ có xôi thịt, trầu rượu, hương hoa. Mọi hội viên đều tới dự, sắp xếp chỗ ngồi không theo hàm phẩm, cấp bậc mà theo học hàm, học vị cao thấp. Nhưng nếu trò đỗ cao hơn thầy thì trò vẫn cứ ngồi sau thầy, đó là xuất phát từ đạo lý “tôn sư trọng đạo”.