Đây là yếu tố đầu tiên đầu tiên mà người giáo viên phải xác định trước khi tiến hành một hoạt động đánh giá nào đó. Đánh giá được tiến hành ở nhiều thời điểm khác nhau trong quá trình dạy học. Ở mỗi thời điểm, đánh giá có mục đích riêng, thí dụ:
- Đánh giá “đầu vào” (Placement Evaluation) nhằm khảo sát kiến thức đã có của người học trước khi bắt đầu giảng dạy một môn học. Câu hỏi đặt ra là người học đã có những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tiếp thu nội dung giảng dạy mới chưa? Họ có thể gặp những khó khăn gì trong quá trình học tập sắp tới.
- Đánh giá theo tiến trình hay còn gọi là đánh giá hình thành – (Formative Evaluation) được dùng để theo dõi sự tiến bộ của người học, nhằm đánh giá mức độ đạt các mục tiêu trung gian, cung cấp các thông tin phản hồi để giúp người dạy - người học điều chỉnh hoạt động của mình để đạt mục tiêu cuối cùng.
- Đánh giá chẩn đoán (Diagnostic Evaluation) nhằm phán đoán, dự báo những khó khăn mà người học có thể gặp phải, phát hiện nguyên nhân của các lỗi thường gặp và lặp đi lặp lại để tìm cách khắc phục.
- Đánh giá tổng kết (Summative Evaluation) thường được tiến hành vào cuối kì giảng dạy 1 khoá học, một môn học, một đơn vị học tập nhằm xác định mức độ đạt được mục tiêu học tập và thường được dùng để có các quyết định quản lý phù hợp, như lên lớp, thi lại. Kết quả của đánh giá tổng kết cũng cung cấp các thông tin cần thiết để cải tiến chương trình đào tạo cũng như hiệu quả của việc dạy - học.
Như vậy, đánh giá có nhiều mục đích và người giáo viên phải xác định rõ mục đích của mình mới soạn thảo được các đề kiểm tra đánh giá có giá trị, vì chính mục đích chi phối chuẩn đánh giá, nội dung, hình thức của bài thi.