Lĩnh vực tình cảm, thái độ ít được đánh giá nhất trong số 3 lĩnh vực. Tuy nhiên lĩnh vực này cũng là một khía cạnh quan trọng trong giáo dục, vì nó ảnh hưởng đến tình cảm và cảm xúc của người học. Lĩnh vực này bao gồm các mức độ sau:
- Tiếp nhận những hiện tượng và tác nhân kích thích cụ thể. Mức độ này nói về sự nhận thức hay ý thức của người học về vai trò của bản thân trong mỗi tình huống hoàn cảnh và sự sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin từ xung quanh. Nói cách khác, tức là hoàn cảnh làm cho cá nhân chú ý đến mọi hành vi của mình. Động từ thường dùng ở cấp độ này là: hỏi, chấp nhận, gìn giữ… Thí dụ: chấp nhận yêu cầu về sự cam kết phục vụ; chấp nhận mục đích và vai trò của nghề nghiệp…; Mô tả làm cách nào con người có thể nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ lòng khát khao được làm việc có ích cho bản thân và xã hội.
- Hồi đáp, đáp ứng. Ở cấp độ này, người học tương đối có động lực nhưng chưa đủ để họ thực sự muốn tham gia mà chỉ dừng ở sự cố gắng
tham gia. Nó bao hàm tự chuyển tiếp từ dấu hiệu có thể tham gia cho đến mong muốn tham gia và hài lòng với sự tham gia. Nói cách khác, đó chính là sự tham gia tích cực của người học trong các hoạt động học tập của họ. Động từ thường dùng ở cấp độ này là: trả lời, tranh luận, bảo vệ… Thí dụ: Tranh luận về động cơ tự học, tranh luận về sự cần thiết của cả độ sâu và rộng của tri thức…; Đáp ứng nhu cầu của người khác bằng cách chia xẻ tình cảm, nguồn lực.
- Đánh giá, định giá trị của một sự kiện hay hiện tượng. Làm cho cái gì đó có giá trị. Ở cấp độ này, hành vi cá nhân khá nhất quán và bền vững để có thể khắc họa như là niềm tin và thói quen. Người học được coi như là người gìn giữ giá trị. Mức độ này có phổ rộng từ việc chấp nhận giá trị, cho đến thích nó và cam kết thực hiện nó. Động từ thường dùng ở cấp độ này là: thể hiện niềm tin ở…, chia xẻ, làm theo, ngưỡng mộ… Thí dụ: ngưỡng mộ và kính trọng với sự tiến bộ của cá nhân nào đó; đánh giá cao khả năng làm việc độc lập…; Thể hiện sự kiên định trong suy nghĩ, hành động, không hoang mang, dao động.
- Thiết lập (tổ chức) những giá trị trong mối liên quan với nhau. Đây là quá trình người học đã vượt qua giai đoạn cố kết các giá trị và đương đầu với một vài tình huống không phù hợp với giá trị. Điều này làm cho người học có thể thiết lập lại các giá trị thành hệ thống, thiết lập các mối liên hệ giữa chúng và xác định điểm cốt lõi của giá trị. Sự xác định này thực hiện được dựa trên sự so sánh, phân tích, tổng hợp các giá trị. Động từ thường dùng ở cấp độ này là: kết hợp, hoàn thiện, hòa hợp, tổ chức, xếp hạng… Thí dụ: Xác định mối liên hệ giữa quyền lợi và nguy cơ hành động; Xác định được mối quan hệ giữa các giá trị, kiên định trong cuộc sống.
- Hệ thống hóa các giá trị hay tổ hợp các giá trị. Ở cấp độ này, cá nhân hành động nhất quán theo các giá trị mà họ đã lựa chọn. Hành vi rõ ràng, thống nhất và trở thành nét tính cách của cá nhân đó. Niềm tin, ý tưởng, thái độ của người học hòa quyện nhau thành triết lý và thế giới quan
của họ. Động từ thường dùng ở cấp độ này là: ảnh hưởng, giải quyết, làm rõ… Thí dụ: Giải quyết xung đột trong sự cân bằng giữa cuộc sống và sự nghiệp; Tổng hợp các giá trị văn hoá tinh thần tiếp thu được trong học tập, công tác thành nguyên tắc sống của bản thân. [8]