Tác động qua lại giữa các quy định của Công ước CEDAW và Luật bình đẳng giới về quyền bình đẳng của phụ nữ

Một phần của tài liệu Quyền bình đẳng của phụ nữ theo công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và luật bình đẳng giới ở Việt Nam. Một số kinh nghiệm nước ngoài (Trang 27 - 28)

Luật bình đẳng giới về quyền bình đẳng của phụ nữ

Về mặt pháp lý, việc tham gia Công ước CEDAW và thực hiện Công ước CEDAW mang lại những ý nghĩa sau đây:

Thứ nhất, Công ước CEDAW tạo cơ sở pháp lý mang tính quốc tế về thực thi bình đẳng giới, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ ở Việt Nam.

Thứ hai, Công ước CEDAW đặt ra yêu cầu và cơ hội để Việt Nam tiến hành rà soát các văn bản qui phạm pháp luật về quyền phụ nữ hiện hành, xây dựng các thiết chế pháp lý cần thiết, tương ứng về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử với phụ nữ theo nguyên tắc của Công ước CEDAW. Luật Bình đẳng giới được ban hành vào kì họp tháng 11 năm 2006 đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế tham gia Công ước CEDAW.

Thứ ba, Công ước CEDAW là cơ sở pháp lý để Việt Nam tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong thực thi bình đẳng chống phân biệt đối xử với phụ nữ ở Việt Nam.

Về cơ chế thực hiện: Việc thực hiện nghĩa vụ thành viên của Công ước CEDAW giúp cho Nhà nước Việt Nam tạo lập cơ chế đồng bộ và thống nhất trong thực thi quyền bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử với phụ nữ. Về nguyên tắc, thực hiện bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử với phụ nữ là trách nhiệm chung của toàn bộ hệ thống chính trị nói chung, của các cơ quan nhà nước nói riêng. Trong đó, nòng cốt là Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ ở cấp Trung ương và Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở địa phương, các ngành, các cấp đã được thành lập, trong đó có nhiệm vụ thực hiện Công ước CEDAW.

Về nhận thức: Công ước CEDAW đã giúp cho mọi người, đặc biệt là các cơ quan và các cá nhân có thẩm quyền thay đổi nhận thức và hành vi về bình đẳng giới. Trên cơ sở đó, giúp họ có cách hiểu đầy đủ, chính xác và toàn diện hơn về phân biệt đối xử với phụ nữ, những hình thức đa dạng của sự phân biệt đối xử đó, để có thái độ loại bỏ sự phân biệt đối xử.

Một phần của tài liệu Quyền bình đẳng của phụ nữ theo công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và luật bình đẳng giới ở Việt Nam. Một số kinh nghiệm nước ngoài (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)