Qua gần 3 thập niên thực hiện Công ước CEDAW, hệ thống, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới của Nhà nước ta đã từng bước được hoàn thiện trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của đất nước và đảm bảo thể hiện sâu sắc các nguyên tắc và nội dung của Công ước CEDAW. Tuân thủ các quy định của Công ước CEDAW về nghĩa vụ quốc gia thành viên, Nhà nước đã quán triệt tinh thần "cấm phân biệt đối xử với phụ nữ" trong hầu hết các văn bản pháp luật mới được soạn thảo đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung những văn bản liên quan phù hợp với quy định của Công ước. Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 được coi là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp bình đẳng giới ở Việt Nam. Đây là văn bản pháp luật quy định tập trung nhất các nội dung về bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ. Điểm nổi bật của Luật này là: lần đầu tiên hình thành nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ ở Việt Nam, quy định bắt buộc quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng các biện pháp thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những nỗ lực rất đáng ghi nhận: Xây dựng và triển khai Chiến lược về sự tiến bộ phụ nữ trong các giai đoạn 2000 - 2010, xác định rõ mục tiêu và các chỉ tiêu bình đẳng giới trong Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 - 2010 và nhiều chương trình quốc gia khác. Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc những năm vừa qua đều có mục đề cập trực tiếp tới công tác phụ nữ, làm cơ sở cho các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cũng như chủ trương chính sách của Nhà nước và các ngành, các cấp. Bộ máy vì sự tiến bộ phụ nữ đã được hình thành và đi vào hoạt động ở 47 Bộ ngành
cơ quan Trung ương và 63 tỉnh thành phố trên toàn quốc. Phong trào phụ nữ có nhiều khởi sắc. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp triển khai nhiều biện pháp thiết thực để làm tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ. Hội cũng chính là thành viên tích cực thay mặt cho chị em phụ nữ tham gia xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đóng góp nổi bật của Hội trong lĩnh vực lập pháp là việc đề xuất sáng kiến và chủ trì xây dựng Luật Bình đẳng giới nêu trên.
* Trong lĩnh vực chính trị.
Nữ tham gia lãnh đạo quản lý là một trong những chỉ tiêu quan trọng về sự tiến bộ xã hội và bình đẳng giới. Những năm qua, chỉ tiêu này đã được cải thiện rõ rệt, phụ nữ đã tham gia tích cực trong công tác lãnh đạo, quản lý và vào việc ra quyết định từ Trung ương đến cơ sở. Để góp phần nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ đại biểu nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội đã tổ chức thực hiện Dự án: "Bồi dưỡng cán bộ nữ tiềm năng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011- 2016".
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra mục tiêu trong lĩnh vực chính trị là: tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt tỷ lệ như sau: cấp tỉnh đạt 11,3%, cấp huyện đạt 15,15%, cấp xã 17,98%. Đại hội Đảng lần thứ XI, tỷ lệ nữ Ban chấp hành Trung ương Đảng đạt 9%; tuy chưa đạt chỉ tiêu 15% trở lên theo Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2020, nhưng trong nhiệm kỳ này đã có bước tiến mới, lần thứ hai (kể từ Đại hội Đảng khóa VIII) có 01 đồng chí nữ tham gia Bộ Chính trị và 02 đồng chí nữ tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Như vậy, về cơ bản, quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ Việt Nam đã được đảm bảo. Tuy nhiên, tồn tại hiện nay là: Nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của việc đưa phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị và cộng đồng còn hạn chế; thiếu các cơ chế và điều kiện thuận lợi để phụ nữ thực hiện được đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử của mình; bản thân phụ nữ, nhất là phụ nữ ở các vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, còn thiếu tự tin và ít được gia đình ủng hộ tham gia ứng cử. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và tích cực để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan dân cử trong các khóa tới đây.
* Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Theo Báo cáo mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ năm 2010, Việt Nam đã cơ bản xóa bỏ khoảng cách giới trong lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ học sinh nữ các cấp học không ngừng tăng lên, đặc biệt là ở bậc trung học phổ thông, cao đẳng và Đại học tăng lên nhanh chóng.
Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ nữ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói chung được quan tâm, tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ. Hiện nay, trong các trường Đại học, Cao đẳng, có trên 95% nữ giáo viên, giảng viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó, nữ giảng viên có trình độ sau đại học là 39,05%.
Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30/8/2000 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định 35/2001/NĐ-CP ngày 09/7/2001 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001 về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2001- 2010, trong đó quy định mục tiêu là tạo bước chuyển biến cơ bản về chất
lượng giáo dục, thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục và tạo cơ hội học tập ngày càng tốt hơn cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở các vùng còn nhiều khó khăn. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo đến năm 2005. Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người giai đoạn 2003-2015 đã coi bình đẳng giới là một mục tiêu ưu tiên với những nội dung cụ thể là " Xóa bỏ bất bình đẳng giới ở bậc tiểu học và trung học vào năm 2005, đạt bình đẳng giới trong giáo dục vào năm 2015, chú trọng đảm bảo trẻ em gái được tiếp cận đầy đủ và công bằng cũng như hoàn thành giáo dục cơ bản với chất lượng tốt". Quy định tại các văn bản nói trên tiếp tục tuân thủ nguyên tắc bình đẳng trong giáo dục, đồng thời tạo ra các cơ chế và điều kiện cần thiết cho phụ nữ và trẻ em gái được thụ hưởng quyền bình đẳng của mình trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Do phối hợp tốt giữa ngành giáo dục và Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Bộ đội biên phòng trong việc thực hiện công tác xóa mù chữ và chống tái mù chữ nên rất nhiều địa phương, tỷ lệ xóa mũ chữ cho phụ nữ dưới 40 tuổi đạt từ 95% trở lên.
* Trong lĩnh vực việc làm.
Phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình, tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho gia đình và xã hội. Theo Báo cáo mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2010 của Việt Nam, tình hình thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế và lao động đạt được như sau:
Trong số lao động mới được giải quyết việc làm năm 2010, tỷ lệ phụ nữ trong tổng số lao động xã hội đạt khoảng 49,4%; tổng số giờ làm việc bình quân cả năm của phụ nữ cũng xấp xỉ tổng số giờ làm việc của nam giới. Điều này cho thấy, đóng góp của lao động nam và lao động nữ trong việc tạo ra của cải vật chất ngày càng tiến tới sự bình đẳng.
Mặc dù cơ cấu ngành nghề việc làm cho nhóm nam và nữ đã có sự cải thiện, nhưng lao động nữ vẫn tập trung chủ yếu ở những ngành dựa vào sức lao động, còn lao động nam ở những ngành dựa vào vốn và kỹ thuật. Lao động nữ chiếm trên 70% ở các ngành dệt, may, da giày, chế biến nông sản, lao động nam tập trung nhiều hơn ở các ngành giao thông, xây dựng, viễn thông, công nghệ thông tin. Phần lớn lao động nữ làm việc trong điều kiện lao động chưa được cải thiện nhiều, thời gian lao động kéo dài, việc làm bấp bênh, rủi ro cao. Tỷ lệ nữ làm lao động giản đơn là 53,6%, làm trong khu vực phi nông nghiệp là 47,3%.
Bên cạnh qui định của Luật Bình đẳng giới đã nêu ở trên, Nhà nước Việt Nam đã ban hành luật và các văn bản pháp luật nhằm tạo cơ hội bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực việc làm, cụ thể là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (năm 2002). Những nội dung được sửa đổi, bổ sung liên quan đến chính sách đối với lao động nữ bao gồm một số vấn đề về bảo hiểm xã hội, tiền lương, bảo hộ lao động, thời hiệu kỷ luật lao động..; Nghị định 02/2001/NĐ-CP ngày 9/01/2001 của Chính phủ về Dạy nghề quy định: Học viên nữ không phải bồi thường phí dạy nghề khi chấm dứt hợp đồng học nghề trong trường hợp có giấy chứng nhận của y tế cấp huyện trở lên về việc thực hiện hợp đồng học nghề sẽ bị ảnh hưởng xấu tới thai nhi; sau thời gian nghỉ thai sản, nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện, thì được tiếp tục theo học, Nghị định 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ bảo hiểm Xã hội quy định đối tượng tham gia được mở rộng cho người lao động làm việc ở các thành phần kinh tế tập thể và cá thể, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ khá cao; Nghị định 33/2003/NĐ-CP ngày 2/4/2003 của Chính phủ quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và lao động nam đang phải nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; Nghị định 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm, trong đó giao cho
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu trình Chính phủ chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng là lao động nữ. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) và Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010. Các Quyết định trên đây đã xác định trợ giúp pháp lý cho người nghèo và người dân tộc thiểu số là một trong những chính sách giảm nghèo nhằm mục tiêu bảo đảm cho 98% người nghèo và 95% người dân tộc thiểu số cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Hiện nay, Bộ luật lao động (sửa đổi) đang trình Quốc hội, theo đó, đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 04 tháng theo quy định hiện hành lên 05 tháng trong điều kiện lao động bình thường; tăng thời gian lên 06 tháng đối với lao động nữ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc Danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.
Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) được thể hiện theo hướng khẳng định người lao động nữ từ đủ 55 tuổi được quyền nghỉ hưu. Đồng thời giao Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc thù như làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại..hay lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lao động làm công tác quản lý khi người lao động tự nguyện tiếp tục làm việc và được người sử dụng lao động đồng ý.
* Trong lĩnh vực y tế:
Trong thời gian qua, hệ thống cơ sở vật chất, bệnh viện, phòng khám, đào tạo cán bộ y tế đang dần được hoàn thiện theo hướng tất cả bà mẹ đều có khả năng tiếp cận tới dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Thách thức đặt ra trong công tác chăm sóc sức khỏe là nâng cao nhận thức cho bà mẹ, loại bỏ những tập tục lạc hậu trong sinh đẻ, hướng tới thu hẹp khoảng cách, tạo sự công bằng hơn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ.
Một vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây có liên quan đến sức khỏe bà mẹ nói riêng và sức khỏe sinh sản nói chung là tình trạng phá thai của vị thành niên ngày càng tăng ở mức báo động. Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ nạo phá thai cao, trong đó có 20% thuộc lứa tuổi vị thành niên. Theo kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên Việt Nam năm 2010 cho thấy, khoảng 7,5% trong độ tuổi này có quan hệ tình dục trước hôn nhân và thiếu kiến thức về tình dục nên dẫn tới hậu quả nạo phá thai.
Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật với mục tiêu chung là bảo vệ quyền chủ động, tự nguyện, bình đẳng của mỗi cá nhân, trong đó có phụ nữ đối với việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, ổn định và nâng cao rõ rệt chất lượng dân số. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Người cao tuổi (năm 2000 và Pháp lệnh Dân số (năm 2003). Lần đầu tiên, vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ đã được quy định rõ nét trong Pháp lệnh Dân số như: Cấm lựa chọn giới tính của thai nhi dưới mọi hình thức; quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc ban hành chính sách và biện pháp nhằm loại trừ mọi hình thức phân biệt giới, phân biệt đối xử giữa con trai và con gái; đảm bảo việc chủ động, tự nguyện, bình đẳng của mỗi cá nhân, gia đình trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện quy mô gia đình ít con. Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 74/2000/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ để bảo vệ và khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ; Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học; Nghị định số 104/2003/NĐ-CP Quy định chi tiết