Quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống chính trị, công cộng theo Công ước CEDAW và Luật bình đẳng giớ

Một phần của tài liệu Quyền bình đẳng của phụ nữ theo công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và luật bình đẳng giới ở Việt Nam. Một số kinh nghiệm nước ngoài (Trang 38 - 43)

cộng theo Công ước CEDAW và Luật bình đẳng giới

Khái niệm bình đẳng hiện nay trong các công ước quốc tế về quyền con người mang một ý nghĩa rộng, là sự đối xử theo cùng một cách thức với tất cả mọi người mà Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc đã khẳng định: "Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền…" [18, Điều 1], do đó, "tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, không có bất kì sự phân biệt nào..." [18, Điều 7].

Trong Công ước CEDAW, khái niệm bình đẳng về quyền của phụ nữ được đề cập không phải chỉ theo nghĩa thông thường là bình đẳng về pháp lý. Bằng cách nhìn riêng đối với đối tượng là những người dễ bị tổn thương trong xã hội, Công ước CEDAW đã tiến đến thiết lập hệ thống những mục tiêu thiết thực cho sự bình đẳng về quyền của phụ nữ là bình đẳng về cơ hội và bình đẳng về kết quả trong việc hưởng các quyền lợi trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị công cộng, dân sự - pháp lí, kinh tế - văn hóa - xã hội…

Ở cấp độ quốc gia, qui định của Công ước CEDAW về yêu cầu đối với nghĩa vụ của các quốc gia thành viên là phải hành động nhằm tạo lập vị thế bình đẳng để thực hiện các quyền trong đời sống chính trị và công cộng như quyền bầu cử, ứng cử ở các cuộc tuyển cử công khai, dân chủ.

Bằng qui định tại các Điều 7, 8, Công ước CEDAW song song với việc xác định hành động thực tế của các quốc gia phải loại bỏ những hạn chế về giới trong các cương vị nhất định, thúc đẩy tốc độ phát triển của phụ nữ và thiết lập các chương trình quốc gia nhằm thu hút số lượng đáng kể phụ nữ vào các cương vị lãnh đạo chính trị tại quốc gia mình, còn đặt ra cho mỗi quốc gia thành viên các nghĩa vụ phải tạo các điều kiện và cơ hội để phụ nữ có được sự đại diện một cách xứng đáng trong các cuộc tiếp xúc hoặc tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế.

Vấn đề liên quan đến quốc tịch của phụ nữ và các con của họ cũng được coi là một trong số các vấn đề chính trị - pháp lí quan trọng, liên quan đến vị thế của người phụ nữ trong các mỗi quan hệ gia đình và xã hội. Điều 9 Công ước CEDAW xác nhận:

1. Các nước thành viên công ước phải đảm bảo cho phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới trong việc nhập, thay đổi quốc tịch hay giữ nguyên quốc tịch của mình. Các nước phải đặc biệt đảm bảo là việc kết hôn với người nước ngoài, hay sự thay đổi quốc tịch của người chồng trong thời gian hôn nhân sẽ không mặc nhiên làm

thay đổi quốc tịch của người vợ, biến người vợ thành người không quốc tịch hay ép buộc người vợ phải theo quốc tịch của người chồng. 2. Các nước thành viên công ước phải đảm bảo cho phụ nữ có quyền

bình đẳng với nam giới trong vấn đề quốc tịch của con họ [20]. Trong mối quan hệ pháp luật về quốc tịch liên quan đến phụ nữ, sự bình đẳng của họ chỉ có thể đạt được những qui định của Công ước CEDAW khi quốc gia thành viên thực hiện đúng hai nghĩa vụ mang tính hiến định là bảo đảm cho phụ nữ các quyền giống như nam giới trong việc nhận, thay đổi hoặc giữ quốc tịch của cá nhân và trong khi quyết định quốc tịch của con mà họ sinh ra.

Trên thực tế, quyền bình đẳng về quốc tịch của phụ nữ chưa hoàn toàn được sự đảm bảo hữu hiệu ở một số quốc gia, vì vẫn có quốc gia trong pháp luật của mình, duy trì sự phân biệt đối xử với phụ nữ bằng qui định cho phép phụ nữ nước ngoài có thể nhập quốc tịch của quốc gia mà người chồng là công dân khi kết hôn với người này nhưng không cho phép nam giới nhập quốc tịch của nước người vợ là công dân khi kết hôn với người phụ nữ đó. Kết quả là trong rất nhiều trường hợp, người vợ lại buộc phải đến sinh sống tại quốc gia của người chồng mà họ kết hôn, còn nam giới dù có lấy vợ là công dân nước ngoài nhưng vẫn không phải rời khỏi tổ quốc của mình. Tương tự tình trạng nêu trên, tại một số quốc gia, trẻ em vẫn đương nhiên được có quốc tịch của người cha mà không cần biết đến quốc tịch của người mẹ.

Nhằm hướng đến thực thi nghiêm chỉnh Điều 9 Công ước CEDAW, vấn đề cần phải thực hiện với những quốc gia hiện vẫn còn sự bất bình đẳng như vậy trong pháp luật là phải thiết lập về pháp lí sự bình đẳng chính thức giữa nam và nữ đối với việc nhận, giữ, thay đổi quốc tịch trong các quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và các con của họ...

Nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, Luật bình đẳng giới cũng qui định rõ: (1) Nam, nữ bình đẳng trong tham gia

quản lí Nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; (2) Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc qui định, quy chế của cơ quan, tổ chức, (3) Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. (4) Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức. (5) Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị (bao gồm: Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới).

Quyền chính trị là một trong những quyền cơ bản của công dân. Quyền bình đẳng về chính trị là nền tảng để xác lập địa vị pháp lý bình đẳng của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ có tiếng nói quyết định đối với các vấn đề trọng đại của đất nước cũng như các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân của cộng đồng.

Về cơ bản, những qui định về quyền bình đẳng của phụ nữ trong chính trị đã được qui định trong pháp luật hiện hành. Cụ thể là trong Hiến pháp và trong các luật về bầu cử. Trong thực tế biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị cũng đã được áp dụng. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi ngày 25 -12- 2001) đã có một điều khoản riêng liên quan đến số lượng nữ đại biểu Quốc hội. Cụ thể là Điều 10a qui định: Để đảm bảo có số đại biểu nữ thích đáng trong Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến số nữ đại biểu Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Thực tế chúng ta đã không đạt được chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam 2001 - 2010 là "Phấn đấu đạt tỷ lệ (nữ) đại

biểu quốc hội khóa XI là 30% và khóa XII từ 33% trở lên". Tương lai chúng ta cũng rất khó để thực hiện được mục tiêu của Đảng, như đã đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị:

Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới [16].

Một trong những nguyên nhân cản trở việc thực hiện quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là quy định nam, nữ không bình đẳng về "độ tuổi" khi đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trị quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức. Quy định "Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức"

là cơ sở pháp lý để rà soát, xem xét các qui định của pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm nam, nữ bình đẳng về độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo.

Bên cạnh đó, luật còn mô tả khá rõ các hành vi bị coi là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, bao gồm:

+ Cản trở việc nam, nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp vì định kiến giới;

+ Không thực hiện hoặc cản trở việc bổ nhiệm nam, nữ vào cương vị quản lí, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;

+ Đặt ra và thực hiện qui định có sự phân biệt đối xử về giới trong các hương ước, qui ước của cộng đồng hoặc trong qui định, qui chế của cơ quan, tổ chức.

Một phần của tài liệu Quyền bình đẳng của phụ nữ theo công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và luật bình đẳng giới ở Việt Nam. Một số kinh nghiệm nước ngoài (Trang 38 - 43)