trong CEDAW và Luật bình đẳng giới
Trong CEDAW, yêu cầu về quyền bình đẳng của phụ nữ được xây dựng trên 3 nguyên tắc cơ bản có tính chất nền tảng:
Nguyên tắc thứ nhất: không phân biệt đối xử đối với phụ nữ
Quan niệm phân biệt đối xử đối với phụ nữ được qui định tại Điều 1 của CEDAW, theo đó, hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ được hiểu là hành
vi có mục đích phân biệt dựa trên cơ sở giới tính nhằm hạn chế ở những mức độ khác nhau trong việc tạo lập và thực thi quyền của phụ nữ. Hậu quả của sự phân biệt là ngăn cản, làm tổn hại, vô hiệu hóa việc phụ nữ được công nhận, được tiếp cận, được thực hiện và được hưởng thụ lợi ích từ các quyền và tự do cơ bản của con người trong các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, gia đình… Đối tượng chịu sự phân biệt đối xử là người phụ nữ với tư cách là một cá nhân - công dân bất kể họ là phụ nữ độc thân hay đã có gia đình. Trong đó, Công ước CEDAW đặc biệt lưu ý đến các hành vi dưới dạng ẩn, được thực hiện với những lí do khác nhau nhằm che giấu bản chất phân biệt đối xử với phụ nữ. Nguyên tắc không phân biệt đối xử đòi hỏi các nước tham gia Công ước CEDAW phải lên án mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đồng thời phải cam kết áp dụng một cách không chậm trễ các biện pháp thích hợp, đặc biệt là các biện pháp pháp luật, để loại trừ và ngăn cấm sự phân biệt đối xử với phụ nữ (Điều 2 Công ước CEDAW)
Nguyên tắc thứ hai: Bình đẳng thực chất giữa nam và nữ
Bình đẳng giữa nam và nữ, theo Công ước CEDAW là nguyên tắc để xác lập quyền của phụ nữ và cũng là cơ sở để xác định, đánh giá sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Quỹ phát triển của Liên hợp quốc dành cho phụ nữ (UNIFEM) nhìn nhận quyền phụ nữ trong các mỗi quan hệ với bản thân, với gia đình, với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia và thế giới. Đó là quyền của người phụ nữ được thừa nhận các giá trị của chính mình, quyền quyết định sự lựa chọn của chính mình trong mọi lĩnh vực, quyền thực hiện, sử dụng các cơ hội, các nguồn lực, quyền và năng lực kiểm soát cuộc sống trong và ngoài gia đình của người phụ nữ đồng thời là quyền và khả năng của họ tham gia thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội. Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ chính là việc đảm bảo các quyền nói trên của phụ nữ không bị xâm hại, không bị làm cho vô hiệu trong thực tế, là đảm bảo bình đẳng giữa nam với nữ trong cơ hội, trong đối xử, trong hưởng thụ và trong kiểm soát, ra
quyết định ở mọi lĩnh vực đời sống (chính trị, kinh tế, việc làm, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, dân sự, hôn nhân và gia đình..)
Vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất tạo nên sự tiến bộ có tính chất cách mạng trong nguyên tắc bình đẳng của Công ước CEDAW chính là việc Công ước CEDAW đòi hỏi các nước tham gia Công ước phải đảm bảo sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ. Công ước CEDAW thừa nhận rằng giữa nam và nữ luôn có sự khác biệt về giới tính và ở mọi nơi trên thế giới vẫn luôn tồn tại sự phân biệt với phụ nữ cho nên nếu chỉ dừng lại ở bình đẳng về mặt pháp lí (mà biểu hiện hình thức của nó là các qui định pháp luật trung tính về giới) thì trong nhiều trường hợp thực tế, pháp luật sẽ tác động không giống nhau đối với nam và nữ. Kết quả cuối cùng là giữa nam và nữ sẽ có sự khác biệt rất lớn trong việc tiếp cận cơ hội, sử dụng và hưởng thụ quyền. Điều đó cũng có nghĩa là sự bình đẳng về mặt pháp lí sẽ trở thành bình đẳng hình thức trong những trường hợp đó. Để giải quyết vấn đề này, mô hình bình đẳng thực chất của Công ước CEDAW chọn cách tiếp cận mang tính "khắc phục", cụ thể là: Dựa trên nền tảng bình đẳng nam nữ về mặt pháp lí, Nhà nước cần xác định rõ trong những lĩnh vực nào vẫn còn có sự khác biệt về việc hưởng lợi ích hay gánh chịu thiệt thòi giữa nam và nữ do tác động của thực tiễn kinh tế - văn hóa, xã hội chính trị - pháp lý để từ đó ban hành những qui định riêng cho phụ nữ, thậm chí có cả những qui định đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy đạt được sự bình đẳng thực tế, bình đẳng thực chất cho phụ nữ. Đây chính là mô hình bình đẳng cho Công ước CEDAW. Ưu điểm của mô hình này là dựa trên việc tìm hiểu rộng rãi, sâu sắc nguồn gốc của sự bất bình đẳng nam nữ trên thực tế nên đã tập trung vào giải quyết vấn đề thuộc tầm chính sách pháp luật, từ đó lựa chọn các xử lí linh hoạt, mềm dẻo, có thể thay đổi theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, mô hình bình đẳng thực chất đòi hỏi phải có cách xử lí đặc biệt về giới tính đối với một số vấn đề, làm cho nguyên tắc bình đẳng trở nên phức tạp hơn về mặt chính trị và đòi hỏi phải có những thay đổi về nguồn lực, xác định lại về thể chế và cơ cấu pháp lí nên dễ gặp phải sự phản đối từ phía xã hội.
Dựa trên cách tiếp cận này, trong quá trình theo dõi việc thực hiện Công ước CEDAW ở các nước, Ủy ban CEDAW tiếp tục khuyến nghị các quốc gia thành viên sử dụng nhiều hơn nữa các biện pháp đặc biệt tạm thời như hành động tích cực, ưu đãi trong đối xử hoặc đưa ra hệ thống tỷ lệ các chỉ tiêu nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào giáo dục, kinh tế, chính trị và việc làm. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ phải chấm dứt ngay khi các mục tiêu bình đẳng về cơ hội và đối xử đã đạt được.
Nguyên tắc thứ ba: Trách nhiệm quốc gia
Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế là các chủ thể tham gia quan hệ quốc tế phải tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế (Pacta Sunt servanda). Trách nhiệm, nghĩa vụ chung của các quốc gia thành viên Công ước CEDAW được xác định toàn diện tại các điều 2, 3 cùng với các nghĩa vụ cụ thể nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong từng lĩnh vực được qui định tại các điều từ 5 đến 16. Theo đó, các quốc gia thành viên phải bằng mọi biện pháp pháp luật, biện pháp tổ chức, giáo dục, vận động để ghi nhận, bảo đảm thực thi cả từ phía nhà nước và xã hội về bình đẳng nam nữ, xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ.
Nguyên tắc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế theo Công ước CEDAW đã làm thay đổi về chất mối quan hệ giữa cá nhân - công dân nữ và Nhà nước: từ vị trí là người phụ nữ trở thành chủ thể thực hiện quyền bình đẳng với tính chất là một quyền cơ bản của con người mà nhà nước - thành viên Công ước CEDAW có trách nhiệm, nghĩa vụ (quốc gia và quốc tế) phải đảm bảo thực thi.
Trong Luật Bình Đẳng giới, yêu cầu về quyền bình đẳng của phụ nữ được thể hiện ở 6 nguyên tắc cơ bản:
1. Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. 2. Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới.
3. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.
4. Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới.
5. Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.
6. Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.
Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới là sự cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền bình đẳng của phụ nữ, thể hiện quan niệm, đường lối của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới. Các nguyên tắc này không những chỉ đạo nội dung Luật Bình đẳng giới mà còn là tư tưởng chỉ đạo nội dung toàn bộ pháp luật về bình đẳng giới, trở thành tiêu chí về quyền bình đẳng của phụ nữ. Nó là căn cứ quan trọng của việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản qui phạm pháp luật. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới.
Nguyên tắc cơ bản đầu tiên là nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới. Đây là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng về bình đẳng giới và là sự phát triển so với Điều 63 Hiến pháp. Vì Điều 63 Hiến pháp mới nói đến "Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ" [28]. Luật cũng đưa ra giải thích thế nào là phân biệt đối xử về giới (Điều 5 khoản 5). Quy kết của nguyên tắc này là phải xóa bỏ mọi hành vi phân việt đối xử về giới. Dấu hiệu quan trọng của hành vi phân biệt đối xử bị xóa bỏ là hành vi đó "gây bất bình đẳng giới". Trong pháp luật đã và sẽ có những qui định phân biệt đối xử mà về hình thức là phân biệt đối xử nhưng nó không những không "gây bất bình đẳng giới" mà còn đẩy nhanh sự bình đẳng trong thực tế giữa nam giới và phụ nữ. Ví dụ: Quy định doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo qui định của pháp luật hoặc qui định nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo qui định của Chính phủ. Những qui
định như vậy được gọi là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hoặc là chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ và không bị coi là phân biệt đối xử về giới.
Nguyên tắc thứ ba khẳng định thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan (trước hết là cơ quan nhà nước), tổ chức (trước hết là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội), gia đình và cá nhân. Đây là cơ sở pháp lý để thay đổi quan niệm rằng việc thực hiện bình đẳng giới là việc của phụ nữ, của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hay Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nguyên tắc này được cụ thể hóa tại Chương IV của Luật Bình đẳng giới và Nghị định số 70/2008/ NĐ - CP ngày 04 tháng 6 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới.
Trong các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, nguyên tắc "Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật" có một vị trí đặc biệt, có thể coi là linh hồn của Luật Bình đẳng giới, là biện pháp quan trọng để bảo đảm bình đẳng giới. Việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật được qui định cụ thể hóa tại Điều 20, 21 và 22; việc bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thực thi pháp luật được qui định cụ thể hóa ở nhiều điều của Chương IV và V, đặc biệt là Điều 31 và 32.