Quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm theo Công ước CEDAW và Luật bình đẳng giớ

Một phần của tài liệu Quyền bình đẳng của phụ nữ theo công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và luật bình đẳng giới ở Việt Nam. Một số kinh nghiệm nước ngoài (Trang 48 - 53)

việc làm theo Công ước CEDAW và Luật bình đẳng giới

Trong lĩnh vực việc làm, sự bình đẳng nam nữ được thể hiện như sau: Phụ nữ có quyền được làm việc như một quyền không thể chối bỏ của tất cả

mọi người; Phụ nữ và nam giới có quyền hưởng các cơ hội việc làm như nhau, kể cả áp dụng những tiêu chuẩn như nhau khi chọn người làm việc; Phụ nữ có quyền tự do lựa chọn ngành nghề và việc làm, quyền được thăng chức, bảo đảm việc làm, tất cả các phúc lợi và điều kiện làm việc, quyền được đào tạo nghề và bổ túc nghiệp vụ, kể cả thực tập nghề và đào tạo nghề cao cấp, đào tạo định kì; Phụ nữ và nam giới có quyền được hưởng thù lao như nhau, kể cả phúc lợi, được đối xử như nhau khi làm việc có giá trị ngang nhau, cũng như được đối xử như nhau trong việc đánh giá chất lượng công việc; Phụ nữ có quyền được hưởng bảo hiểm xã hội, đặc biệt trong trường hợp về hưu, thất nghiệp, đau đớn, tàn tật, tuổi già và các tình trạng mất khả năng lao động khác cũng như quyền được nghỉ phép có hưởng lương; Phụ nữ có quyền được bảo vệ về sức khỏe và đảm bảo an toàn lao động, kể cả bảo vệ chức năng sinh đẻ. Tóm lại, trong Công ước CEDAW, quyền bình đẳng trong lao động và việc làm của phụ nữ được xem xét và ghi nhận ở rất nhiều nội dung như quyền bình đẳng về cơ hội có việc làm, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, quyền bình đẳng về tiền lương và hưởng các trợ cấp nghề nghiệp, quyền được bảo vệ tránh khỏi bị xâm hại, nhất là chống nạn quấy rối tình dục tại nơi làm việc do các đồng nghiệp nam giới thực hiện. Song, để những quyền nêu trên trở thành hiện hữu trong đời sống của phụ nữ, Công ước CEDAW cần có những qui định để tạo sự bình đẳng cho phụ nữ lao động trong lĩnh vực nông thôn hay lao động tại gia đình.

Khắc phục khoảng trống này, pháp luật Việt Nam đã có những qui định được coi là cụ thể hóa Công ước CEDAW, qui định rõ nội dung bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế; lao động; khoa học và công nghệ; văn hóa - thông tin - thể dục thể thao …

Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, Điều 57 Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do kinh doanh theo qui định của pháp luật. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương Mại... và nhiều văn bản pháp luật hiện hành đã cụ

thể hóa quyền tự do kinh doanh của công dân. Tuy vậy, những khác biệt về giới tính và giới đã gây nhiều khó khăn trở ngại cho phụ nữ khi họ thành lập doanh nghiệp và gây khó khăn cho cả những chủ doanh nghiệp nào sử dụng nhiều lao động nữ. Trước khi ban hành Luật Bình đẳng giới đã có một số chính sách ưu đãi, xét giảm thuế đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nhưng rất khó thực hiện. Hoặc qui định doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được vay ưu đãi từ Quỹ việc làm quốc gia nhưng mức được vay chưa cụ thể, phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, khiến nhiều chủ doanh nghiệp chán nản... Luật Bình đẳng giới được ban hành đã có những qui định cụ thể nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, như: (1) Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lí doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động; (2) Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm: Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo qui định của pháp luật; lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo qui định của pháp luật. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm: (1) Cản trở nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới; (2) Tiến hành quảng cáo thương mại gây bất lợi cho các chủ doanh nghiệp, thương nhân của một giới nhất định... Nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế khẳng định nam, nữ bình đẳng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong tiếp cận các nguồn lực phục vụ việc sản xuất, kinh doanh; đồng thời quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nhằm tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ trong các hoạt động kinh tế.

Trong lĩnh vực lao động, như chúng ta đã biết, bình đẳng nam, nữ trong lĩnh vực lao động đã được Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật về lao động qui định. Luật Bình đẳng giới cũng đã có qui định: (1) Nam, nữ bình

đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác; (2) Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm, giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh, (3) các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (bao gồm: qui định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ; người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại). Hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao đồng gồm có: (1) áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; (2) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động, sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lí do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ; (3) Phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc áp dụng mức trả lương khác nhau cho những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lí do giới tính; (4) Không thực hiện các qui định của pháp luật lao động qui định riêng đối với lao động nữ.

Song, trên thực tế, không ít cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức không muốn nhận lao động nữ, vì những khác biệt về giới tính của phụ nữ (kinh nguyệt, mang thai, sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ...) gây nhiều bất lợi cho việc bố trí dây chuyền sản xuất hoặc phân công công việc. Đặc biệt, những qui định về đề bạt, bổ nhiệm, những thông báo tuổi tuyển dụng luôn có sự chênh lệch năm tuổi giữa nam và nữ đã cản trở phụ nữ tham gia một cách bình đẳng vào thị trường lao động cũng như cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Ngoài các qui định về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng đã được đề cập tới trong Luật Bình đẳng giới khá

cụ thể. Trước đây, quyền và nghĩa vụ công dân, không phân biệt nam, nữ, trong hoạt động khoa học, công nghệ đã đạt được qui định khá đầy đủ trong pháp luật (Điều 60, 63 Hiến pháp; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Sở hữu trí tuệ...). Tuy vậy, vấn đề quan trọng nhất đối với đa số phụ nữ, nhất là phụ nữ lao động trong nông nghiệp là bình đẳng trong việc thụ hưởng thành quả của hoạt động khoa học, công nghệ mang lại thì ít được đề cập. Vì vậy, thực tế là trong khi phụ nữ chiếm 68% lực lượng lao động trong nông nghiệp, nhưng chỉ chiếm hơn 20% trong số những người được tham gia các lớp khuyến nông. Chính vì thế, nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có qui định: (1) Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ; (2) Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận các khóa đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế. Chính những nguyên tắc này đã tạo cơ sở pháp lý để khắc phục những bất cập hiện nay, tạo điều kiện để phụ nữ bình đẳng với nam giới trong việc tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông lâm ngư nghiệp. Thêm vào đó, Luật còn định rõ hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực này bao gồm: (1) Cản trở nam, nữ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ; (2) Từ chối việc tham gia của một giới trong các khóa đào tạo về khoa học và công nghệ.

Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, nội dung bình đẳng giới được thể hiện ở các qui định như: (1) Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; (2) Nam, nữ bình đẳng trong hưởng thụ văn hóa, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao là điều kiện để con người phát triển toàn diện cả về trí lực và thể lực. Nhiều văn bản pháp luật đã qui định quyền tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao của mọi người: "Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe" (Điều 61 Hiến pháp); "Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe, nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện thân thể" (Điều 1 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân)... Trên thực tế, phong trào thể dục, thể thao

quần chúng đã thu hút được nhiều phụ nữ tham gia. Với hoạt động thể dục, thể thao chuyên nghiệp, nhiều cá nhân và đồng đội nữ đã đạt được những thành tích cao trong nước và quốc tế ở các môn điền kinh, bắn súng, bóng chuyền, đặc biệt là bóng đá nữ... Tuy vậy, định kiến giới nặng nề vẫn tạo ra bất bình đẳng lớn trong lĩnh vực này. Trên thực tế, dường như thể thao nam được đầu tư nhiều hơn, được ưu ái hơn thể thao nữ. Luật Bình đẳng giới qui định nguyên tắc bình đẳng trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao là một sự nhấn mạnh mọi cơ hội tham gia hoạt động thể dục thể thao, hưởng thụ văn hóa và tiếp cận các nguồn thông tin phải được phân chia một cách bình đẳng cho nam và nữ, trẻ em trai và trẻ em gái. Ngoài ra, Luật còn qui định hành vi vi phạm trong lĩnh vực này gồm có: (1) Cản trở nam, nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn và tham gia các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới; (2) Sáng tác, lưu hành, cho phép xuất bản các tác phẩm dưới bất kì thể loại và hình thức nào để cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới; (3) Truyền bá tư tưởng, tự mình thực hiện hoặc xúi giục người khác thực hiện phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức. Những qui định về hành vi vi phạm trong lĩnh vực này cho thấy những nỗ lực của Nhà nước trong việc loại bỏ mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ.

Một phần của tài liệu Quyền bình đẳng của phụ nữ theo công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và luật bình đẳng giới ở Việt Nam. Một số kinh nghiệm nước ngoài (Trang 48 - 53)