Pháp luật các nước đều ghi nhận mọi công dân đều có quyền bình đẳng về bảo hiểm xã hội và những phúc lợi xã hội khác mà không tính đến
yếu tố giới. Pháp luật Trung Quốc quy định Nhà nước phát triển chính sách bảo hiểm xã hội, cứu tế xã hội và vệ sinh phòng bệnh để có điều kiện trợ giúp về vật chất cho những phụ nữ già, bệnh tật và mất khả năng lao động. Trên cơ sở hài hòa giữa yêu cầu lao động của thị trường và công việc gia đình, người sử dụng lao động cần bố trí thời gian để người lao động nữ có thể quay trở lại làm việc ở những công việc cũ trước khi người lao động nữ nghỉ thai sản, nghỉ ốm theo chế độ hoặc sau thời gian nghỉ việc vì công việc gia đình hoặc nghỉ việc để tham gia các lớp nâng cao trình độ, kỹ thuật nghề nghiệp (Kosovo). Bên cạnh đó, pháp luật Kosovo cũng có những quy định về vấn đề bảo hiểm xã hội cho cả lao động ngắn hạn, lao động thời vụ và lao động gia đình.
Tại Bosnia và Herzegovina, hành vi phân biệt đối xử vì lý do mang thai, sinh đẻ hoặc thực hiện quyền nghỉ đẻ như không cho người lao động trở lại làm việc sau khi mang thai, sinh đẻ hoặc không bố trí một công việc có cùng mức lương như trước đây.., là hành vi bị nghiêm cấm.
Trong việc sa thải, pháp luật các nước quy định phải đảm bảo công bằng giữa lao động nam và lao động nữ. Hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới khi cắt giảm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc, sai thải bị pháp luật nghiêm cấm (Kosovo, Kyggyzstan, Bosnia, Albania..). Tại Trung Quốc, pháp luật quy định không được buộc thôi việc hoặc hủy bỏ hợp đồng vì lý do kết hôn, mang thai, sinh đẻ của người phụ nữ.